Nhà báo Kim Ngân: 'Đàn ông tình dục, đàn bà tình yêu'

Sức khỏeThứ Hai, 29/02/2016 10:06:00 +07:00

Với kinh nghiệm nhiều năm làm chương trình “Người xây tổ ấm”, “Chuyện đêm muộn”, nhà báo Kim Ngân đã mang những kiến thức sâu sắc vào sách.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm chương trình “Người xây tổ ấm”, “Chuyện đêm muộn”, từ khi rời xa công việc ở VTV, nhà báo Kim Ngân đã mang những kiến thức sâu sắc về gia đình vào sách, truyện.

“Quá nhiều tệ nạn đang bủa vây gia đình”

Chị vừa hoàn thành tập truyện ngắn “Đàn ông tình dục, đàn bà tình yêu”.


PV: 11 câu chuyện đều xoay quanh ngoại tình và các nguyên nhân dẫn đến tan vỡ... Đó là những chuyện “điển hình” chị gặp trong cuộc sống hay chị nghĩ đó là điều phổ biến ở xã hội này?

 

- Đúng cả hai khía cạnh. Cả tập truyện này là những câu chuyện có thật mà tôi đã nghe, được xin tư vấn, được biết từ những khán giả “Người xây tổ ấm”, “Chuyện đêm cuối tuần”. Đó cũng là những chuyện phổ biến ở xã hội hiện nay. Xin đừng vội chụp cho tôi cái mũ giả dối là “MC Kim Ngân nhìn cuộc đời đen tối, đâu đâu cũng thấy chuyện ngoại tình”, hoặc “nhà báo nhìn phiến diện, còn biết bao nhiêu điều tốt đẹp ngoài đời mà không viết”...

Tôi thực sự thấy chúng ta cần nói đến một thực tế, đó là các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam đang lung lay. Có quá nhiều tệ nạn xã hội bủa vây gia đình và những câu chuyện thế này ta gặp ở khắp nơi, ở mọi cuộc hôn nhân.


Trước đây, khi còn giữ vai trò chính trong “Người xây tổ ấm”, tôi cũng luôn chú ý khai thác các câu chuyện gia đình “có vấn đề”, bởi nếu một cuộc hôn nhân suôn sẻ, tốt đẹp sẽ ít điều để bàn hơn một cuộc hôn nhân nhiều sóng gió.

Bàn về những gia đình “có vấn đề” sẽ luôn đưa ra được những bài học cho các gia đình khác hoặc cho những cá nhân chưa lập gia đình. 11 câu chuyện trong cuốn sách này đều là những câu chuyện như vậy và khá điển hình trong xã hội hiện nay.


Nhiều người phụ nữ trong truyện của chị được miêu tả với những thủ đoạn “chài” đàn ông bài bản. Chị có nghĩ, cuốn sách của chị sẽ là “cẩm nang” cho những ai có ý định này hoặc “vẽ đường cho hươu chạy” chẳng hạn?

- Tôi nghĩ bạn lo xa quá, nhưng cũng sẽ là thừa. Những người đàn bà “dễ có mấy tay” ấy sẽ chẳng bao giờ học mánh khóe lừa tình, phá hoại hạnh phúc gia đình khác từ cuốn sách này.

Họ có tâm địa rồi và họ thừa khả năng đưa ra những chiêu trò mà không chỉ đàn ông sẽ nhanh chóng sập bẫy. Chúng ta, những người đàn bà bình thường sẽ cảm thấy sững sờ khi biết các chiêu trò của họ. Nhưng bạn sẽ thấy, có cô A, cô B nào sau khi tung ra các chiêu trò ấy, khốn khổ lao theo mục đích mà mình đặt ra, lại có cái kết hạnh phúc, sung sướng hay không?


Tôi có thói quen hay dỏng tai nghe chuyện đàn ông ở quán cafe, quán bia hoặc những chỗ đông người. Ở đó, rất nhiều câu chuyện bị đàn bà lừa được đàn ông chia sẻ với nhau, kèm theo là cảm giác kinh sợ, khinh rẻ, rồi những chiêu “tránh xa”, thậm chí “ăn miếng trả miếng” không khoan nhượng với những người đàn bà từng khiến mình mê muội đến bỏ cả vợ con.

Tôi thấy thương những người phụ nữ phải mang chiêu trò ra để mồi chài đàn ông. Xét cho cùng, họ chẳng sướng gì, bởi cái họ được trước mắt là một thứ đàn ông không ra đàn ông.

Sống bội bạc, ham mê sắc dục mà bỏ đi cái nghĩa phu thê mặn nồng, bỏ đi tình cha-con, bỏ đi trách nhiệm của ông bố trụ cột gia đình. Sau đó, khi đàn ông đã “no xôi chán chè” rồi, điều mà các cô lắm chiêu trò nhận được sẽ chỉ là sự khinh bỉ và cô ta lập tức trở thành một con số trong dãy số tự nhiên của những cô bồ.

Vậy có nên học không, những mánh khóe, những chiêu chài đàn ông để chuốc lấy sự ê chề của một “món hàng” luôn được thay thế theo mốt?


“Chúng ta sai lầm khi không được dạy cách nghi ngờ”
 

Nhưng ở một khía cạnh khác, với việc chỉ đưa những “màu xám” trong hôn nhân, chị có nghĩ sẽ khiến những người chưa bao giờ rơi vào tình cảnh này sẽ bi quan và thấy sợ cuộc sống hôn nhân hoặc đâm ra nghi kỵ chồng/vợ mình không?

- Tôi có con gái và tôi không dạy con tôi theo kiểu: “Tình yêu là đẹp lắm. Hôn nhân là tuyệt vời con ạ!”. Tôi không muốn con tôi sẽ lén mua mấy chục viên thuốc ngủ khi nó thất bại với tình yêu đầu.

Tôi cũng không muốn nó khăng khăng một điều: “Anh ấy sẽ yêu con đến hết đời này”. Mọi lý thuyết trên đời đều màu xám. Hãy nhìn nhận thực tế như nó vốn có, khi bước vào yêu, cuộc sống hôn nhân sẽ không sốc. Chúng ta chết khi mất cảnh giác. Chúng ta lúng túng và sai lầm khi không được dạy cách nghi ngờ, phòng thủ.


Nói như chị thì chuyện ngoại tình bây giờ là bất khả kháng, bất chấp những nỗ lực để giữ gìn sự chung thủy? Như trong truyện “Vân”, chị viết: “Vân suy nghĩ đơn giản lắm, nhà có, xe có, vợ đẹp, con khôn, vợ giỏi giang, lo cả việc cho chồng, thì có họa là điên mới sinh tật. Nhưng sự đời lại không phải thế”...

- Đau lòng mà nói, chuyện ngoại tình bây giờ dễ như ăn cơm. Bạn cũng như tôi, chúng ta sẽ không mất thời gian phân tích những nguyên nhân khách quan hay chủ quan để dẫn đến tình trạng ngoại tình dễ như cơm bữa nữa, vì đã quá rõ rồi.

Nếu bạn đọc kỹ, sẽ thấy tôi đưa ra những câu chuyện này để mỗi độc giả tự tìm cho mình cách thức nỗ lực gìn giữ gia đình. Ai bảo cứ cho người đàn ông “nhà có, xe có, vợ đẹp, con khôn, vợ giỏi giang, lo cả việc cho chồng” thì anh ta sẽ không ngoại tình?

Sao không nghĩ nếu như chị vợ giỏi giang thế thì anh chồng sẽ thấy thiếu một cô nàng hơi vụng về, ngoan như con mèo nép vào lòng anh ta đầy tin cậy khi nũng nịu nhờ anh ta lo cho việc này, việc kia?

Ai bảo một cô vợ được chồng chiều hết mực, sống không thiếu thứ gì lại có thể theo không một tay Guitar nghèo kiết xác mồng tơi? Cô ấy thấy thiếu sự lãng mạn cần phải có và quá chán ông chồng giàu mang nhiều cặp tiền về nhà nhưng lại chưa một lần mua vé đi xem ca nhạc...


Không có mẫu số chung cho bài toán nỗ lực của chồng, của vợ gìn giữ sự chung thủy của nhau giữa cuộc đời mà “ngoại tình dễ như một cái bắt tay”, nhưng chí ít, những câu chuyện có trong sách này có những đốm sáng le lói cho những kinh nghiệm ngăn cản cơn bão ngoại tình đang vần vũ.

“Từng rơi vào hoàn cảnh éo le, nhưng tôi may mắn hơn”

Là người từng có nhiều năm giữ chuyên mục “Người xây tổ ấm”, “Chuyện đêm muộn”, hẳn chị có rất nhiều “chất liệu” thực để chị viết tác phẩm này. Nhưng mỗi tác phẩm còn là “cái tôi” của tác giả được gửi gắm. Trong những câu chuyện chị kể, có chị hay gia đình chị ở đó không?

- Tâm trạng của tôi, tâm tư của tôi hay những chi tiết nào đó của chuyện gia đình tôi đều thấp thoáng trong cuốn sách này. Tôi cũng chỉ là người phụ nữ bình thường với những sai lầm mắc phải như triệu triệu những phụ nữ khác trên thế gian này.

Nhưng tôi may mắn hơn, bởi nghề nghiệp làm báo khiến tôi được nghe nhiều hơn, biết nhiều hơn những cuộc hôn nhân không suôn sẻ, chứng kiến nhiều hơn những thủ đoạn của cả đàn ông lẫn đàn bà.

Chính vì thế, tôi “vững” hơn khi rơi vào những tình thế éo le, trắc trở và quan trọng nhất là không mất đi lòng tin vào con người. Thất bại trong hôn nhân không sợ hãi đến nỗi co rúm vào vỏ ốc, cho dù chẳng dễ dàng gì nhưng vẫn lấy lại được thăng bằng sau khoảng thời gian dài mất ngủ. Tôi muốn độc giả của tôi cũng vậy, biết, để bình thản hơn giữa cuộc đời, rằng éo le nhiều lắm, chắc gì mình đã khốn khổ bằng cô A, cô B, tại sao không bước tiếp?


Sau những bức tranh trần trụi về tình yêu, đời sống vợ chồng, điều chị muốn nhắn gửi đến độc giả là gì?

- Đối mặt với thực tại trần trụi đi, ở đó rất ít màu hồng. Khi đối mặt và hiểu rõ mọi điều có thể xảy ra, bạn sẽ vững hơn trong cuộc sống.

Chị có nghĩ, những câu chuyện được đan cài sự cảnh tỉnh trong đó, sẽ làm lay chuyển sự xô bồ trong các mối quan hệ ngoài luồng hiện nay không?

- Tôi là người khiêm tốn và thực tế, nên không bao giờ nghĩ mình làm được điều gì to lớn kiểu “lay chuyển”. Tôi chỉ muốn góp một tiếng nói chân thực, nhỏ nhẹ bằng các câu chuyện có thật.

Biết đâu, các anh, các chị, những người mẹ chân chính, những cô nàng chân dài thích tiền, thích đào mỏ, ghét hôn nhân bền vững hay những người đàn ông quen sống hời hợt, đặt sắc dục lên trên tình nghĩa có thể đọc và nghĩ.


Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Nguồn: Gia đình & xã hội
Bình luận
vtcnews.vn