Nhiều máy y tế 'đắp chiếu': Sở Y tế Hà Nội khẳng định 'đúng quy định'

Sức khỏeThứ Ba, 29/07/2014 10:00:00 +07:00

(VTC News) - Sở Y tế Hà Nội khẳng định quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị, khai thác sử dụng trang thiết ở các bệnh viện tuyến huyện là đúng quy định.

(VTC News) - Sở Y tế Hà Nội khẳng định quy trình thực hiện đầu tư mua sắm thiết bị, khai thác sử dụng trang thiết ở các bệnh viện tuyến huyện thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Đó là khẳng định của đại diện Sở Y tế tế Hà Nội với báo chí tại cuộc họp báo chiều 29/7, sau khi Sở này tiến hành đợt kiểm tra chất lượng các máy xét nghiệm sinh hóa tại 2 bệnh viện đa khoa huyện Thường Tín và Hoài Đức.


Máy xét nghiệm sinh hóa tại BV đa khoa Thường Tín.
Trước đó, theo quyết định phân bổ trang thiết bị tại gói thầu số 4, thuộc dự án đầu tư nâng cấp trang thiết bị cho các bệnh viện tuyến huyện do Sở Y tế Hà Nội phê duyệt, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, Hà Nội được cấp chiếc máy sinh hóa tự động có nhãn hiệu Greiner GA 240 do Đức sản xuất.


Bệnh viện Đa khoa Thường Tín được cấp máy từ cuối năm 2010, nhưng khoảng gần một năm nay, chiếc máy đã bị cháy bóng đèn và do không có bóng đèn thay thế nên đành phải nằm đắp chiếu.

Sở Y tế Hà Nội đã khắc phục bằng cách cho bệnh viện mượn một chiếc máy xét nghiệm khác có hiệu là TYB-20 nằm trong gói thầu phòng chống bệnh cúm gia cầm để tạm sử dụng, nhưng chiếc máy này cũng liên tục gặp sự cố.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, chiếc máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 được Sở Y tế Hà Nội trang bị theo gói thầu 4 từ trái phiếu Chính phủ cũng bỏ không hai năm nay do hỏng bóng đèn.

Bệnh viện cũng đã được Sở Y tế Hà Nội cho mượn một chiếc máy TYB-20, nhưng máy cũng liên tục bị lỗi.

Trao đổi về những thiết bị này, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của báo chí về chất lượng không đảm bảo của 6 máy xét nghiệm sinh hóa, Sở đã tổ chức đoàn kiểm tra xác minh lại sự việc.

Gói thầu số 4 được triển khai từ năm 2009, do công ty Xuất nhập khẩu Khoáng sản trúng thầu và cung cấp thiết bị y tế, hóa chất cho 6 bệnh viện gồm: bệnh viện Quốc Oai, Hoài Đức, Thường Tín, Vân Đình, Hà Đông, Thanh Oai.

Được biết gói thầu 4 mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm là gói thầu do UBND TP Hà Nội phê duyệt, giao cho Sở Y tế Hà Nội làm chủ đầu tư, để cung cấp thiết bị cho bệnh viện đa khoa một số huyện thuộc thành phố, nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với tổng giá trị gói thầu khoảng 30 tỷ đồng.

Ông Dung nói: Sau khi kiểm tra, Sở khẳng định hồ sơ pháp lý của máy xét nghiệm đầy đủ, quy trình tiếp nhận và vận hành đúng, đủ. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, máy có hỏng hóc và chưa được kịp thời xử lý khiến máy phải tạm dừng sử dụng.

Sở đã yêu cầu đơn vị cung ứng thiết bị phải chủ động phối hợp các bệnh viện kịp thời sửa chữa và thay thế thiết bị hỏng để đảm bảo máy hoạt động tốt.

Lý giải về thông tin lô máy này nguồn gốc từ Trung Quốc chứ không phải của Đức, đại diện bên đơn vị cung ứng là Công ty CP XNK Khoáng sản cho rằng, họ đã thực hiện đúng trình tự thủ tục. Tuy nhiên, đơn vị không nhập khẩu trực tiếp mà mua lại từ đơn vị khác, nhưng có đầy đủ hồ sơ chứng minh toàn bộ máy nhập khẩu từ Đức.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội: Tới đây đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra thiết bị y tế trong gói thầu số 4.
Tại buổi họp báo, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, đoàn kiểm tra của Sở Y tế đã làm việc với Bệnh viện đa khoa Thường Tín, qua kiểm tra cho thấy máy Greiner GA 240 có nguồn gốc xuất xứ từ Đức, nhưng trong bộ phận của máy có 3 quạt mát, 5 mô tơ (linh kiện phụ của máy) có nguồn gốc Trung Quốc.

Giải thích vấn đề này, ông Hiền cho rằng, đối với gói thầu số 4 mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm đầu tư cho Bệnh viện đa khoa Sơn Tây, Vân Đình và các bệnh viện đa khoa huyện do Sở Y tế làm chủ đầu tư, Sở đã thực hiện theo đúng trình tự quy định của pháp luật. Công tác tổ chức đầu thầu, lựa chọn đơn vị tư vấn, đơn vị tiến hành lập hồ sơ mời thầu và tổ chức đấu thầu đến tổ chức giao nhận thiết bị, lắp đặt giám sát vận hành...  đều đúng pháp luật.

Tất cả các công đoạn đều thuê đơn vị tư vấn giám sát là Viện Trang thiết bị công trình Bộ Y tế thực hiện. Đây là dự án có sự hỗ trợ của nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, gói thầu số 4 được mở thầu vào năm 2009, đưa vào sử dụng từ năm 2010 và đến năm 2012 đã được thanh tra, kiểm toán và quyết toán dự án.

Ông Hiền nói, tới đây đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra thiết bị y tế trong gói thầu số 4 cung cấp cho Bệnh viện Hoài Đức và tiếp tục tổng kiểm tra, rà soát lại quy trình sử dụng trang thiết bị được đầu tư tại các bệnh viện còn lại.

Đồng thời, Sở yêu cầu các bệnh viện phối hợp với đơn vị cung cấp thiết bị xử lý ngay khi thiết bị có trục trặc nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư, người sử dụng, nhà cung cấp cũng như công tác quản lý Nhà nước tại các bệnh viện, tránh tình trạng xảy ra như ở Bệnh viện đa khoa Thường Tín.

Trước đó, ngày 28/7, Bộ Y tế đã có công văn số 4913/BYT-TB-CT yêu cầu Sở Y tế Hà Nội làm rõ thông tin về việc mua sắm thiết bị y tế không rõ nguồn gốc.

Theo thông tin phán ánh, tại một số bệnh viện tuyến huyện của Hà Nội có tình trạng mua sắm, sử dụng các máy móc xét nghiệm sinh hóa không rõ nguồn gốc, không đúng với chức năng, tác dụng của thiết bị, khi hỏng thiếu phụ kiện thay thế để phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Để làm rõ thông tin trên, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra thông tin trên và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 30/7/2014. Đồng thời, thành lập các đoàn kiểm tra tình hình mua sắm, sử dụng các trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế của Hà Nội, báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 28/8/2014.

» Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam kể chuyện ‘vi hành’ bệnh viện
» Coi thường tính mạng, nhập thiết bị y tế ‘rác’
» Coi thường tính mạng, nhập thiết bị y tế ‘rác’
» Phát minh mới bảo vệ tính mạng thai phụ


Tuấn Phong

Bình luận
vtcnews.vn