Johnson & Johnson tẩm hóa chất vào sữa bột

Sức khỏeThứ Hai, 06/05/2013 03:50:00 +07:00

Công ty Johnson & Johnson đã tẩm hóa chất trái phép trong một số sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em.

Công ty Johnson & Johnson đã tẩm hóa chất trái phép trong một số sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em.


Tờ Reuters dẫn lời quan chức Ấn Độ cho biết nước này đã quyết định thu hồi giấy phép kinh doanh của một nhà máy thuộc Tập đoàn sản xuất dược phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và mỹ phẩm cho nhiều lứa tuổi Johnson & Johnson (J&J). Nguyên nhân xuất phát từ việc các cơ quan chức năng đã phát hiện ra công ty đã sử dụng hóa chất trái phép trong một số sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em.


công ty sữa, dược phẩm
 
Phát ngôn viên của J&J Peggy Ballman thừa nhận công ty đang tiến hành “các cuộc đàm thoại” với cơ quan quản lý Ấn Độ và hứa hẹn sẽ giải quyết nhanh chóng vụ việc, đồng thời nhấn mạnh chưa có bất cứ khiếu nại nào từ người tiêu dùng đã sử dụng các sản phẩm “độc hại” của hãng.

Tuy nhiên, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) của bang Maharashtra khẳng định họ đã phát hiện thấy nhà máy của J&J ở Mulund đã ngang nhiên dùng ethylene oxide - một chất dùng để sản xuất nhiều hóa chất công nghiệp khác hoặc dùng khử trùng cho thiết bị y tế - để tiệt trùng sữa bột cho trẻ em. Thậm chí nhà máy này còn không tiến hành công đoạn kiểm tra bắt buộc để đảm bảo xóa sạch dấu vết hóa chất độc hại này.

Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nếu ethylene oxide xâm nhập vào cơ thể có thể gây tổn thương đến phổi, khiến người dùng buồn nôn, nôn mửa và thậm chí là “nuôi dưỡng” mầm bệnh ung thư.

Thế nhưng, Ballman hùng hồn tuyên bố rằng sẽ không đóng cửa nhà máy và công ty sẽ vận động và kêu gọi những quyết định “đúng đắn” từ phía cơ quan quản lý. Bà khẳng định hóa chất này chỉ là một quá trình tiệt trùng “thay thế tạm thời” được sử dụng trong một thời gian ngắn (vào khoảng năm 2007) trên một số lượng sản phẩm hạn chế, và cam đoan sữa bột cho trẻ được làm từ ngô và bột talc thường được tiệt trùng bằng hơi nước.

Ballman lại không thể giải thích được tại sao bỗng nhiên công ty lại quyết định “đẻ” ra quy trình tiệt trùng “thay thế” này. Bà chỉ bào chữa nó đã được chấp nhận rộng rãi trong quá trình sản xuất các thiết bị y tế, sản phẩm tiêu dùng và không để lại dư lượng độc hại. J&J chỉ thừa nhận là đã trót không đăng ký với cơ quan quản lý Ấn Độ.

Trong thời gian qua, J&J đã liên tục tìm phương án xây dựng lại độ tin cậy cho thương hiệu bằng nhiều cách như phát động chiến dịch quảng cáo “For All You Love” với hình ảnh gia đình quây quần đầm ấm. Thế nhưng, bằng cách trốn tránh đối mặt đường hoàng với sai phạm mới, J&J lại tiếp nối thành tích xử lý qua loa, đại khái các vấn đề về kiểm soát chất lượng và độ an toàn của sản phẩm đã liên tục bị phát giác trong nhiều năm qua. Bộ phận chăm sóc sức khỏe người tiêu dùng của công ty đã phải hoạt động miệt mài trong lĩnh vực… thu hồi hàng triệu sản phẩm không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn. Mà cũng chưa chắc đảm bảo là thu hồi thực sự.

J&J từng cho tiến hành một đợt thu hồi “ảo” hàng triệu lô thuốc Tylenol, Benadryl, Motrin và Zyrtec, khiến các nhà quản lý của Mỹ cũng không hề hay biết gì. Hậu quả là đã có ít nhất 7 người thiệt mạng, chưa tính đến các vụ gây thương tật suốt đời như trường hợp của bé Samantha Reckis.

Thảm họa Motrin nổi lên từ năm 2007 với vụ việc bé Samantha bị hội chứng TEN gây phá hủy 90% da và bị mù vĩnh viễn cùng nhiều tổn thương khác sau khi dùng loại thuốc giảm đau cho trẻ em nói trên. Dù tòa phán quyết J&J phải bồi thường cho gia đình em nhưng để số tiền dù lớn đến đâu cũng đã không thể khiến Samantha có một cuộc sống bình thường như bao người khác.

Thậm chí, gần đây các nhà chức trách Hàn Quốc lại phải thu hồi khẩn cấp thuốc hạ sốt dạng siro Tylenol chứa thành phần acetaminophen (paracetamol) vượt mức quy định, có thể gây ra chứng buồn nôn, nôn, biếng ăn, xanh tái cho trẻ nhỏ.


Tờ Forbes từng đưa ra nhận định: Một thương hiệu thực sự xuất phát từ hành động, chứ không phải từ lời nói. Muốn xây dựng thương hiệu theo chiều hướng nào thì cố nhiên do J&J lựa chọn, nhưng người tiêu dùng cũng có những quyết định cho riêng mình dựa trên cái “giá thương hiệu” đó.






Theo Sống mới



Bình luận
vtcnews.vn