Tại sao có giun bò lúc nhúc dưới da?

Sức khỏeChủ Nhật, 13/01/2013 12:24:00 +07:00

(VTC News) – Ấu trùng giun xâm nhập vào cơ thể người bằng cách đi xuyên qua da. Cũng có ấu trùng đi theo đường tiêu hóa và bò vào dưới da.

(VTC News) – Ấu trùng giun xâm nhập vào cơ thể người bằng cách đi xuyên qua da. Cũng có ấu trùng đi theo đường tiêu hóa và bò ra dưới da.

Ly kỳ con đường giun xâm nhập

Mới đây, chị Lê Lan, 41 tuổi (trú tại Khương Đình, Hà Nội) đã bị giun ký sinh dưới da ở khắp cơ thể. Giun bò khắp dưới da tay, chân.

Giun bò dưới da tay chị Lan. 
Một ca bệnh khác cũng tương tự đến khám tại viện Sốt rét ký sinh trùng côn trùng Quy Nhơn.Bệnh nhân là T.T.C, 38 tuổi có biểu hiện phát ban đỏ ngứa dữ dội trên cả 2 chân và trên tay trong 6 tháng qua. Ông C. là ngư dân và thường trải qua nhiều giờ trên biển, không có tiền sử tổn thương tại chỗ, sốt hoặc ho và không có thú cưng.

 

Giun bò dưới da khiến tổn thương da, nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, thậm chí đến tính mạng nếu giun bò vào những cơ quan quan trọng của cơ thể.

BS Huỳnh Hồng Quang
 
Khám lâm sàng cho thấy phát ban trườn đỏ cả hai bên và đối xứng ở cả 2 chân. Có những vết đỏ ngoằn ngoèo, xoắn vặn như hình con rắn rất kỳ quái, kéo dài từ mặt trên của chân đến đầu gối cả 2 bên. Các đường tương tự cũng phát hiện ở tay trái.


Bác sĩ Huỳnh Hồng Quang, Trưởng khoa nghiên cứu lâm sàng và điều trị bệnh nhiệt đới (Viện Sốt rét ký sinh trùng, côn trùng Quy Nhơn) cho biết: Mặc dù thể ấu trùng có tỷ lệ di chuyển từ vài mm đến vài cm mỗi ngày và bệnh có thể tự giới hạn và tự khỏi. Khi lạc vào cơ thể người, một lượng lớn ấu trùng có thể hoạt động một lúc, hình thành nên một loạt các đường không thẳng hàng, vòng vèo.

Về cách mà giun xâm nhập vào cơ thể người, theo phân tích của bác sĩ  Quang, các giun tròn này thường không ký sinh trên da người. Tuy nhiên, các ấu trùng giai đoạn nhiễm của giun móc chó, mèo có thể nhiễm tình cờ qua đường vào của da và lang thang trong biểu bì.

Hội chứng gây ra do ấu trùng một số loài giun tròn đi xuyên da hoặc đi trong da và làm tổn thương cấu trúc bì. Về mặt sinh lý, hội chứng này do ký sinh trùng có chu kỳ bắt đầu kể từ khi trứng ra khỏi phân của động vật đi vào vùng đất ẩm ướt, nơi đó ấu trùng sinh ra. Chúng ăn và trải qua thời gian lột xác để thành ấu trùng giai đoạn 3.

Ấu trùng xuyên da qua các nang trên da, qua vết nứt kẻ da hoặc tiếp xúc với da vật chủ. Sau khi xuyên da, ấu trùng di chuyển trong vài ngày. Các ấu trùng có thể xuyên qua lớp bì và di chuyển thông qua hệ tĩnh mạch đến phổi, đến phế nang, đi lên  khí quản - ở đó chúng được nuốt bởi vật chủ, đến ruột chúng trưởng thành và hoàn thành chu kỳ như ban đầu.

Khi da tiếp xúc với đất thì ấu trùng chưa phải là giai đoạn nhiễm. Ấu trùng ở trong đất sau khi trứng từ phân chó mèo thải ra ngoài môi trường. Những người có nguy cơ cao nhất gồm người đi du lịch, trẻ em, dân lao động có những hoạt động dễ phơi nhiễm da họ với đất bị ô nhiễm.

Ngoài ra, với ấu trùng sán lá gan có thể xâm nhập vào cơ thể người qua đường ăn uống. Sau đó, ấu trùng đi qua các cơ quan nội tạng. Thông thường sẽ tấn công vào gan, nhưng cũng có trường hợp đi lạc vào dưới lớp da.

Giun chui dưới da có nguy hiểm?

 
Với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu và tập quán ăn uống cũng như nhiều yếu tố nguy cơ, số lượng người nhiễm bệnh ký sinh trùng ngày càng tăng. Gần đây, số ca mắc hội chứng giun bò dưới da hoặc ban trườn gặp ngày càng nhiều tại các cơ sở điều trị da liễu và chuyên khoa ký sinh trùng.


Bác sĩ Quang tư vấn: Khi mắc hội chứng trên, người bệnh có cảm giác ngứa ran ở vị trí phơi nhiễm hoặc tiếp xúc trong vòng 30 phút ấu trùng xuyên qua, có thể thấy ngứa dữ dội. Ban đỏ vệt dài, thường tổn thương dạng đường vòng vèo chạy, thường liên quan đến tiền sử tắm nắng, đi chân đất trên biển hoặc hoạt động trong vùng nhiệt đới.

Khuynh hướng dễ mắc các bệnh lý ấu trùng xuyên da, bao gồm: thói quen hoặc nghề nghiệp liên quan đến tiếp xúc với đất ẩm, cát sỏi; du lịch đến các vùng óc thời tiết khí hậu nhiệt đới và cận nhiệt đới. Thợ sữa ống nước, nông dân, người làm vườn, người làm việc liên quan đến tiêu hủy động vật rất dễ mắc phải.

Tuy nhiên, bệnh nhân không nên quá lo lắng vì thông thường, giun sẽ tự chết khi không hoàn thành chu trình sống vì nó chính là ký sinh trùng lạc chủ.

Khi gặp phải tình huống mắc phải trên, vẫn cần đi thăm khám để bác sĩ cho thuốc đặc hiệu, kháng viêm để loại bỏ những biến chứng khác.

Giun bò dưới da khiến tổn thương da, nhiễm trùng làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ, thậm chí đến tính mạng nếu giun bò vào những cơ quan quan trọng của cơ thể.

Nguyễn Tâm  


Bình luận
vtcnews.vn