Bà nội trợ Việt và bữa ăn 2 triệu đồng

Sức khỏeThứ Bảy, 20/10/2012 07:21:00 +07:00

(VTC News) - Chị Hà nhẩm tính, chi phí mỗi bữa ăn tối của gia đình chị cũng ngót nghét 2 triệu đồng, bằng nửa tháng lương của người lao động bình thường.

(VTC  News) - Dù nhiều siêu thị đang đối diện với tình trạng sức mua giảm, nhưng riêng mặt hàng thực phẩm ngoại vẫn giữ ổn định, bởi nhiều bà nội trợ giàu có thích dùng thực phẩm từ hàng tươi sống cho đến trái cây bánh kẹo mác ngoại cho bữa ăn gia đình.





Nhà giàu có tiền, có quyền tiêu theo cách của mình. Nhưng giới chuyên gia thì cho rằng sính ngoại quá cũng chưa phải là hay.

Tiền triệu mỗi bữa ăn!

Thu nhập của hai vợ chồng đều ở mức cao nên chi tiêu trong gia đình chị Minh Hà (Đốc Ngữ, Ba Đình) cũng xông xênh hơn nhiều gia đình khác. Mỗi lần đi siêu thị mua đồ ăn thường ngày, hóa đơn tính tiền của chị Hà lúc nào cũng là tiền triệu, thậm chí là chục triệu.

 
Chị Hà chia sẻ: “Tôi luôn coi trọng bữa ăn trong gia đình vì chúng tôi chỉ ăn bữa tối cùng nhau. Ban ngày, 2 cháu đi học ăn trưa tại trường, chồng và tôi cũng đều ăn ở cơ quan. Bữa tối không chỉ giúp gia đình tôi sum họp mà còn giúp các thành viên trong gia đình tái tạo lại năng lượng sau một ngày làm việc vất vả”.

Chị Hà rất sành sỏi trong việc lựa chọn thực phẩm ngoại, và những thực phẩm chị mua có thể làm hoa mắt các bà các chị may mắn được gặp chị ở quầy tính tiền. Thịt bò chị thường dùng là thịt bò Mỹ với giá 800.000 đồng/cân, gà phải lựa chọn gà Brazil với giá 500.000 đồng/cân, khoai tây Hà Lan: 400.000 đồng/cân, nấm Hàn Quốc: 500.000 đồng/hộp 50gr…

Ngoài ra, các loại hoa quả dùng sau bữa ăn cũng luôn gắn mác ngoại với giá chỉ có những người có tiền như gia đình chị Hà mới dùng: táo Úc: 300.000 đồng/cân, nho Mỹ: 400.000 đồng/cân, cam Hồng Kông: 350.000 đồng/cân.

Chị Hà nhẩm tính, chi phí mỗi bữa ăn tối của gia đình chị tại nhà cũng ngót nghét 2 triệu đồng, bằng nửa tháng lương của người lao động bình thường. “Tôi không tiếc tiền cho việc ăn uống bởi ăn ngon hoàn toàn có lợi cho sức khỏe. Dù kinh tế suy thoái nhưng sức khỏe vẫn phải được quan tâm hàng đầu”, chị Hà nói.

Khác với mục đích chăm sóc sức khỏe cho gia đình bằng ăn uống của chị Hà, chị Tâm (Hoàng Mai, Hà Nội) thì lựa chọn thực phẩm ngoại chỉ bởi ra uy với gia đình nhà chồng.

Chị Tâm cho hay: “Sự nghiệp của hai vợ chồng đi từ bàn tay trắng đi lên. Chồng tôi mới đón 2 bố mẹ chồng lên ở với chúng tôi nên phải để các cụ thấy rằng, chúng tôi không chỉ ở sang trọng mà trong bữa ăn của chúng tôi cũng sang trọng, khác hẳn với mọi người ở quê”.

Còn với chị Mai, vợ một doanh nghiệp trong giới bất động sản thì đơn giản cho rằng, chi tiền triệu cho bữa ăn chỉ vì chồng và con thích ăn những đồ ăn ngoại đó. “Gia đình tôi ăn ngon quen rồi. Gạo thì phải gạo Nhật, thịt thì phải từ Úc hoặc Mỹ, rau thì phải rau sạch từ Hà Lan… nên không mua đồ ngoại về nấu thì chả ai động đũa cả”, chị Mai tâm sự.

Tạo sự chênh lệch giàu nghèovà tâm lý sính ngoại

Bà Vũ Thị Hậu – Phó Giám đốc hệ thống siêu thị Fivimart cho biết: “Thực phẩm ngoại trong cơ cấu hàng hóa của chúng tôi chỉ chiếm 30% nhưng sức tiêu thụ giữ ổn định hơn các mặt hàng thực phẩm trong nước. Sở dĩ như vậy vì bản thân khách hàng mua thực phẩm ngoại là những người có tiền, hầu như họ không chịu ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Mà dù có bị ảnh hưởng thì thói quen ăn uống, tiêu xài cũng khó thay đổi trong một sớm một chiều”.

Các siêu thị thì vui mừng khi thực phẩm ngoại nhập vẫn tiêu thụ tốt trong thời buổi kinh tế khó khăn nhưng dưới góc độ của một chuyên gia, ông Vũ Vinh Phú – Nguyên phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội – Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội băn khoăn: “Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, giá thực phẩm trong nước đang tăng cao dưới sức ép của nhiều mặt hàng tăng giá.

Thực phẩm trong nước tăng 1 thì thực phẩm ngoại nhập sẽ tăng lên gấp 3, 4 lần. Siêu thị có thể vui vì doanh số hàng ngoại nhập ổn định, thậm chí tăng nhưng nhìn rộng ra, chính những mặt hàng ngoại nhập đang là bước cản trở cho hàng nội với chất lượng gần như tương đương nhau”.

Ông Phú cũng cho rằng, chính những mặt hàng thực phẩm ngoại nhập đang tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo của người dân thành thị.

“Một đứa trẻ mang cơm đi học với toàn thịt bò Úc, rau Hà Lan, canh sâm Hàn Quốc, rồi đứa trẻ cùng lớp với rau muống, trứng rán sẽ nghĩ gì? Sự yêu thích hàng ngoại của gia đình đã tác động đến từng bữa cơm của trẻ con. Như vậy, ngay từ nhỏ, đứa trẻ đã tự hình thành thói quen sính đồ ngoại, bài trừ đồ nội và coi thường những bạn bè cùng trang lứa không cùng đẳng cấp với mình”, ông Phú chia sẻ.

Các bậc phụ huynh, các bà nội trợ hãy làm sao cho bữa ăn gia đình mang hơi thở của người Việt bởi chúng ta đang sống trên mảnh đất này, hãy gieo vào tâm hồn những đứa trẻ bằng những bữa cơm thuần Việt để chúng lớn lên mà không bị lệch lạc so với những đứa trẻ khác.

Ngọc Mai

Bình luận
vtcnews.vn