Bé 9 tuổi bị sỏi kẹt ở bàng quang

Sức khỏeThứ Sáu, 19/10/2012 11:51:00 +07:00

(VTC News) – Bé T.H.N., 9 tuổi, nhà ở Phú Yên có viên sỏi kẹt ở cổ bàng quang, gây tình trạng bí tiểu cấp, tiểu máu.

(VTC News) – Bé T.H.N., 9 tuổi, nhà ở Phú Yên có viên sỏi kẹt ở cổ bàng quang gây tình trạng bí tiểu cấp, tiểu máu.

Lấy sỏi trong người bé 9 tuổi. 
Bé T.H.N., 9 tuổi, nhà ở Phú Yên, nhập viện nhi đồng 2, TP. HCM trong tình trạng bí tiểu cấp. Khai thác bệnh sử cho thấy bé có tiền s tiểu lắt nhắt, tiểu đau, được chẩn đoán viêm bàng quang, viêm đường tiết niệu nhiều lần nhưng điều trị không hiệu quả.

Qua thăm khám, làm siêu âm hệ niệu và X-quang bụng, các bác sĩ phát hiện bé bị sỏi ở vị trí cổ bàng quang gây bít tắc đường ra của nước tiểu.

Các bác sĩ đã dùng những dụng cụ nội soi rất nhỏ cùng với kềm nghiền sỏi chỉ dùng ở trẻ em để phá sỏi và gắp sỏi ra ngoài cho bé. Ca mổ thuận lợi, chỉ mất khoảng 20 phút, thời gian gây mê rất ngắn. Hiện bé ổn định, hết đau, tiểu được và ra về trong ngày.

Bác sĩ Trương Mậu Anh, khoa ngoại, bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết: Sỏi thận ở trẻ em là một bệnh khá hiếm, khoảng 1/1.000-1/7.000 trẻ nhập viện được chẩn đoán sỏi thận.

Sỏi hình thành liên quan mật thiết tới yếu tố môi trường và di truyền. Bỏ qua yếu tố di truyền thì hiện nay số trẻ em mỗi năm phải đến viện điều trị vì bệnh sỏi thận ngày càng tăng.

Thủ phạm chính là do chế độ ăn uống và lối sống hiện nay. Ăn nhiều thức ăn nhanh có quá nhiều muối, ít uống nước, ít vận động là những nguyên nhân làm hình thành nhanh sỏi thận ở trẻ em, nhất là những trẻ có sẵn các bệnh lý rối loạn chuyển hóa.

Ngoài ra, các trẻ thường bị nhiễm trùng đường tiểu, có bất thường những chỗ hẹp tự nhiên của đường tiết niệu (hẹp khúc nối bể thận - niệu quản, hẹp khúc nối bàng quang - niệu quản) hay những bệnh lý gây cản trở sự tống xuất nước tiểu như bàng quang thần kinh... cũng là điều kiện thuận lợi để tạo sỏi.

Triệu chứng thường gặp của sỏi đường tiết niệu là đau vùng hông lưng, tiểu ít, tiểu máu, đặc biệt là nếu gia đình có tiền sử bị bệnh sỏi thận. Ở trẻ nhỏ thì trẻ dễ kích thích, quấy khóc, ói, thường xuyên nhiễm trùng tiểu biểu hiện qua triệu chứng la khóc mỗi lần đi tiểu. Đôi khi bệnh sỏi thận ở trẻ chỉ phát hiện tình cờ qua siêu âm bụng.

Theo ThS.BS Phạm Ngọc Thạch - phẫu thuật viên chính, bệnh viện Nhi đồng 2. TP.HCM sỏi đường tiết niệu trẻ em gặp nhiều nhất ở thận, tiếp theo là sỏi niệu quản, sỏi bàng quang ít gặp hơn nhưng lại có các triệu chứng rất đặc hiệu như tiểu khó, tiểu ngắt quãng (do sỏi lấp đường ra của nước tiểu) và đi tiểu nhiều lần do cổ bàng quang bị kích thích.

Trước đây đối với bệnh lý này các bác sĩ thường phải mổ mở bàng quang lấy sỏi.





Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn