Cấp cứu 115: Người dân than 'Chậm'!

Sức khỏeThứ Hai, 15/10/2012 06:50:00 +07:00

(VTC News) – Nhiều người gọi cấp cứu 115, khi nhận được yêu cầu để lại số điện thoại, họ lại ngập ngừng, khó chịu. Cấp cứu đến muộn, còn bị ăn mắng.

(VTC News) – Nhiều người gọi cấp cứu 115, khi nhận được yêu cầu để lại số điện thoại, họ lại ngập ngừng, khó chịu. Cấp cứu đến muộn, còn bị ăn mắng.   

Nhiều độc giả phản ánh, việc cấp cứu 115 hiện nay đang diễn ra chậm, ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Thủ tục của các tổng đài viên 115 yêu cầu người gọi điện xác minh lại số điện thoại trong lúc khẩn cấp khiến người dân khó chịu, có cảm giác không được tin tưởng.

Trong khi các tổng đài viên 115 đang ngày ngày phải đón nhận những cuộc gọi trêu chọc, thiếu ý thức của người dân khiến họ phải dè chừng, thận trọng trước mọi cuộc gọi.

VTC News đã nhập cuộc với các bác sĩ 115 để tìm hiểu nghề của những bác sĩ phản ứng nhanh, di động trên mọi nẻo đường để làm tốt vai trò của người "làm dâu trăm họ".

Bực vì tổng đài chậm trễ

Chị Nguyễn Kiều Linh nhân viên một khách sạn tại Hà Nội từng rất bức xúc phản ánh đến báo giới về trường hợp chị trực tiếp chứng kiến: Một buổi sáng, tôi đi qua bưu điện Bờ Hồ, bỗng thấy 1 nữ du khách nước ngoài bị xe máy vượt đèn đỏ đâm, máu chảy lênh láng.

Xe cấp cứu sẵn sàng túc trực tại Trung tâm 115 Hà Nội

Người phụ nữ này đang đi qua đường trên làn đường ưu tiên cho người đi bộ. Thấy chị ấy bị thương nặng, máu chảy nhiều nên tôi đã điện thoại đến số cấp cứu 115 để thông báo. Người trực điện thoại yêu cầu tôi để lại số điện thoại.

Tôi bảo tôi chỉ là người đi đường, thấy tai nạn thì gọi để báo, người trực ở đầu dây bên kia nói: "Nếu vậy, hãy để người khác báo tin".

Lúc đó, do có việc gấp và lại thấy có rất đông người đứng lại nên tôi đã quay về khách sạn làm việc. Về đến khách sạn, tự nhiên cảm thấy không yên tâm nên tôi xin phép Giám đốc quay trở lại hiện trường vụ tai nạn và thấy nạn nhân vẫn nằm tại chỗ, xung quanh rất đông người hiếu kỳ đứng xem.

Thấy vậy, tôi đã gọi điện về khách sạn nhờ Giám đốc gọi điện cho lực lượng Cấp cứu SOS. Sau khoảng 5 phút, xe cấp cứu SOS đã có mặt đưa nạn nhân đi.

Chị Linh cho biết thêm: "Sau khi nữ du khách nước ngoài được đưa tới bệnh viện, rất đông người dân chứng kiến vụ tai nạn đã tỏ thái độ rất bức xúc do Cấp cứu 115 quá chậm trễ. Người dân chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có biện pháp chấn chỉnh tình trạng trên".

Anh Nguyễn Hữu Đạt (Tây Sơn, Hà Nội) cho phóng viên biết: Một lần trên đường về, đoạn đường trước cổng công ty xà phòng, Nguyễn Trãi, Hà Nội, một người thanh niên phóng xe khá nhanh. Chiếc xe Air Blade của anh ta lao rầm vào một cô gái đi cùng chiều.

Người thanh niên lăn ra khỏi xe, chiếc xe tiếp tục trượt mạnh trên đường cùng chiếc xe máy chở cô gái. Người đi đường chưa hết giật mình thì thấy cô gái nằm sõng xoài trên đường bất động.

Nhiều người sợ hãi chạy xe tạt vào lề và ngoái lại xem, người thì đứng lại chỉ trỏ. Thấy cô gái nằm bên đường, còn người con trai cũng ngất, tôi liền dừng xe bấm máy gọi 115. Lúc đó giờ tan tầm khoảng gần 18 h. Gọi mãi chỉ thấy tút tút.

Một lúc sau, có mấy thanh niên khác xúm lại chở cô gái đi cấp cứu. Còn người con trai cũng nhúc nhắc đứng dậy đi được. Vì vội về nên tôi cũng không chứng kiến xử lý thế nào. Bấm máy gọi 115 khó liên lạc nhưng dù gọi được thì cấp cứu cũng khó vì đường giờ đó khá đông. 

Không chỉ ở Hà Nội, ở TP. HCM, tình trạng cấp cứu chậm trễ cũng gây bức xúc cho người dân.

Độc giả Mai Bá Kiếm, TP.HCM kể: “Một tối chủ nhật, trên đường số 1, Nam Long, P.Tân Thuận Đông, Q.7, TP.HCM, tôi chứng kiến một tai nạn giao thông. Một người phụ nữ khoảng ngoài 60 tuổi đi xe đạp bị một thanh niên đi xe máy đụng bị thương rất nặng. Người phụ nữ này đi bán đậu phộng. Vì tai nạn nên xương cẳng chân của người này bị lòi ra, máu chảy nhiều. Tôi rất lo lắng cho chị.

Lúc đó, có bốn anh dân phòng giữ hiện trường, một anh nói đã gọi cấp cứu và CSGT trước đó 10 phút rồi. Tôi liền bấm số 115, lúc đó là 21h20, mô tả vết thương và địa chỉ tai nạn để nữ nhân viên trực máy ghi.

Ghi xong, cô bảo tôi phải gọi 113, vì bên ấy cũng có xe cứu thương. Tôi bấm 113 và báo tương tự. Nam nhân viên trực cũng ghi, rồi bảo tôi gọi lại 115 báo là 113 đã ghi nhận. Tôi báo 115, giọng nữ nhân viên lúc nãy cho biết xe cấp cứu đang ở Q.10, chờ 30 phút nữa. Tôi năn nỉ, tai nạn ở cách Bệnh viện Đa khoa Q.7 hai cây số, cô báo gấp dùm hoặc cho xin số điện thoại Bệnh viện Q.7. Cô này đọc từng số, tôi bấm vào máy tôi: 0837731421 nhưng gọi ba lần vẫn không ai bắt máy.

Hai taxi của hãng H. và V. được người dân gọi đến đều từ chối chở người. Sau đó, một người quen nạn nhân gọi chiếc thứ ba, hứa trả cước, tài xế mới chịu chở đi lúc 21h35, tức 25 phút sau tai nạn. Tôi thật không hiểu, với cung cách làm việc như vậy thì hai tổng đài 113 và 115 sao có thể gọi là cấp cứu được. Cấp cứu như vậy tệ quá, xe đến nơi thì người ta chết mất!.

Sau đó, tôi nghe mấy người ở khu vực đó kể người bị tai nạn không còn đi bán được đậu phộng nữa, cuộc sống của chị khá túng quẫn”.

Nhân viên 115 nói gì?

Cán bộ trực dùng bộ đàm để điều xe đến nơi cần cấp cứu. 

Chia sẻ về việc người gọi cấp cứu cần để lại số điện thoại, chị Nguyễn Thị Nhung, điều dưỡng viên trực tổng đài 115 tại trung tâm 115 (11 Phan Chu Trinh, Hà Nội) cho biết: Khi người báo tin tai nạn và gọi cấp cứu, theo quy định, chúng tôi buộc phải hỏi số điện thoại, địa chỉ tai nạn, tình trạng bệnh nhân để biết tư vấn hỗ trợ trong thời gian đợi cấp cứu.

Số điện thoại để lại giúp cho kíp cấp cứu có thông tin để khi đến cấp cứu, nếu cần liên lạc sẽ có số điện thoại để trao đổi thông tin khi cần thiết. Hơn nữa, rất nhiều trường hợp gọi đến 115 để trêu đùa, trong khi đó rất nhiều người thật sự cần cấp cứu lại cần phải nhanh chóng. Do đó, việc cung cấp số điện thoại của người gọi điện giúp chúng tôi kiểm tra cuộc gọi đó có phải là báo thật hay chỉ là đùa giỡn.

Còn chị Nụ, một nhân viên trực điện thoại khác chia sẻ: Chúng tôi biết khi gọi cấp cứu, người nhà bệnh nhân rất sốt ruột. Tuy nhiên, lắm khi từ lúc điều động xe đến khi kíp xe lên đường chỉ mất dưới 10 phút. Nhưng khi ra đến đường thì đường bị tắc.

Thậm chí, có lần, xe cấp cứu đang đi trên đường lại gặp một tai nạn giao thông khác, dân ở đó chặn xe lại chở người bị nạn. Kíp trực phải tiến hành cho người tai nạn này.

Còn ở trung tâm điều hành, đành gọi điện báo gia đình sẽ điều xe khác. Tuy nhiên, gia đình này mắng xơi xơi chúng tôi. Vào những hoàn  cảnh như vậy, chúng tôi cũng chỉ biết thông cảm vì tâm lý lo lắng của người nhà bệnh nhân.

Một lái xe ở trung tâm 115 nói: "Có những lần kíp trực rất khẩn trương để lên đường. Nhưng ra đến đường là tắc. Người lái xe đành bó tay, chậm rãi di chuyển. 

Mặc dù xe cấp cứu được hú còi ưu tiên. Nhưng khi đi qua ngã tư, chúng tôi cũng khá e ngại vượt đèn đỏ. Một phần vì sợ va quệt phải người đi đường thì chính lái xe sẽ phải chịu trách nhiệm đền bù thiệt hại. Hơn nữa lại rắc rối lắm. Việc cấp  cứu không hoàn thành được mà lại phải cấp cứu ca khác". 

Có mặt tại trung tâm cấp cứu 115, chúng tôi mới hiểu và thông cảm phần nào cho những nhân viên ở đây. Cuộc gọi đến là cấp cứu thật, thì một lúc người nhà bệnh nhân lại gọi đến giục và hỏi xe đã đi đến đâu. Bên cạnh đó, lại không hiếm những cuộc điện thoại gọi đến chỉ để trêu đùa. 

Ngay với việc những người đi đường tốt bụng thấy có nạn nhân gặp tai nạn đã mau mắn gọi 115 nhưng theo lời bác sĩ Nguyễn Văn Chánh, phó giám đốc 115 Hà Nội thì rất nhiều lần, xe cấp cứu đến nơi, người bị nạn đã được chuyển đi cấp cứu mà 115 không hề nhận được cuộc báo đã chở bệnh nhân đi.

Do đó, bác sĩ Chánh cho rằng, người đi đường nếu thấy người khác bị tai nạn cần gọi cấp cứu thông báo tình trạng bệnh nhân, địa điểm, và để lại số điện thoại. Ngoài ra, người gọi đến số 115 nên đứng lại cùng người bị nạn cho đến khi người đó được chuyển đi cấp cứu để thông báo tình hình cho 115 kịp thời.

Vì thực tế, có những người gọi 115 khi thấy tai nạn trên đường, nhưng cũng có người thấy tai nạn, rồi về đến nhà mới gọi 115. Như vậy, kíp cấp cứu cũng không thể rõ tình hình bệnh nhân cũng như việc bệnh nhân đã được chuyển đi cấp cứu chưa để từ đó đến tiến hành công việc kịp thời.

Bài, ảnh: Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn