Tiêm silicone lỏng: ngực lổn nhổn, chảy dịch

Sức khỏeThứ Năm, 31/05/2012 06:27:00 +07:00

(VTC News) – Theo bác sĩ Nguyễn Thành Hải, thẩm mỹ viện Thanh Bình thì việc tiêm sillicon lỏng vào ngực khiến ngực bị cứng, lổn nhổn, chảy dịch.

(VTC News) – Theo bác sĩ Nguyễn Thành Hải, thẩm mỹ viện Thanh Bình thì việc tiêm sillicon lỏng vào ngực khiến ngực bị cứng, lổn nhổn không đều và lan toả, đôi khi chảy dịch.

Tiêm silicon: Đẹp chưa thấy đã đau

Bác sĩ hút silicon lỏng ở ngực bệnh nhân. Ảnh: internet

Mới đây, Bệnh viện Cấp cứu Trưng vương (TP.HCM) vừa cấp cứu một nạn nhân của việc bơm silicon lỏng. Bệnh nhân là chị Thạch Minh Loan (Quận Bình Tân, TP.HCM) đã để một người dùng xilanh bơm chất lỏng mà họ gọi là silicon vào người. Bộ ngưc đang xẹp lép sau hai lần sinh nở của chị bỗng nhiên căng tròn như quả bóng được bơm hơi. 

Nhưng chị chưa kịp trình diện với chồng thì thấy đầu ngực rỉ nước vàng, đau khó chịu, phải vào viện cấp cứu.

Tại khoa Nam học Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) tiếp nhận nạn nhân của silicon ở một khía cạnh khác. Đó là trường hợp một nam thanh niên trẻ bị biến dạng "của quý" do bơm silicon lỏng với mong muốn cải thiện kích cỡ trời cho của mình. Sau một thời gian bơm, silicon dồn cục, gây biến dạng, méo mó khiến "chú nhỏ" rất xấu. Các bác sĩ phải phẫu thuật xử trí một số vấn đề trước mắt, sau đó mới phẫu thuật tạo hình lại!

Vừa qua, tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) tiếp nhận một bệnh nhân bị tai biến nặng do làm đẹp tại nhà. Đó là nam bệnh nhân N.A.Q (25 tuổi, nhà ở Q.3, TP.HCM) vào viện trong tình trạng bị sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp (chỉ còn 80/50 mmHg), hai bên mông bị viêm sưng đỏ tấy... Trước đó, do có nhu cầu “o bế” lại vòng 3, nạn nhân đã gọi một người hành nghề làm đẹp... dạo đến nhà bơm silicon (dạng lỏng) trực tiếp vào hai bên mông, sau khi bơm đã bị biến chứng nặng. Anh Q. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, trước khi chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy.

Được biết, trước đây, nạn nhân N.A.Q đã từng 2 lần bơm silicon lỏng để cải thiện vòng 3, cũng với người làm thẩm mỹ dạo nói trên (người này đã hành nghề 10 năm nay). Nhưng, lần này đã bị biến chứng nặng nề. Nạn nhân được đưa vào khoa Săn sóc đặc biệt, các bác sĩ phải dùng thuốc nâng huyết áp, và dùng kháng sinh mạnh để chống lại tình trạng viêm nhiễm vùng mông.

Trước đó 4 ngày, các bác sĩ khoa Tạo hình thẩm mỹ (Bệnh viện Chợ Rẫy) cũng tiếp nhận một nạn nhân khác của silicon lỏng là nữ, sinh năm 1982. Cô gái này bị biến chứng do bơm silicon lỏng vào hai bên gò má, mũi, cằm. Sau bơm 1 tuần thì bị nhiễm trùng gò má bên trái, và cằm, mưng mủ, áp xe… Các bác sĩ phải rạch những nơi trên để làm sạch mủ, điều trị chống nhiễm trùng...

Tiêm silicon lỏng, bị cắt bỏ phần viêm nhiễm

Ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội nhu cầu làm đẹp của con  người tăng lên. Bên cạnh đó là sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đã tạo ra nhiều phương pháp, nhiều ứng dụng khác nhau trong phẫu thuật thẩm mỹ.

Sillicon là một hợp chất cao phân tử, có thể tồn tại ở các dạng khác nhau như dạng lỏng, gel, gommes, élastic và được ứng dụng trong các chuyên ngành khác nhau. Sillicon sử  dụng trong y tế được gọi là sillicon sinh học và đặc biệt trong phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ sillicon sinh học được sử dụng như một chất liệu ghép nhân tạo (Bioimplant).

Các sillicon sinh học luôn luôn phải có đầy đủ các đặc tính như ổn định trong môi trường dịch thể, tính cơ lý học ổn định, trơ, vô khuẩn, không gây độc, dị ứng, …

Việc bơm (tiêm) Sillicon thẩm mỹ hiện nay đang thực hiện ở một số thành phố lớn, Sillicon lỏng hoặc một chế phẩm chưa rõ nguồn gốc, người ta gọi là “mỡ nhân tạo” được sử dụng để tiêm vào ngực phụ nữ với mục đích làm nở ngực, tiêm vào môi, vào cằm, mũi...

Các thủ thuật này đều được tiến hành tại các cơ sở thẩm mỹ không có giấy phép của ngành y tế, thậm chí còn được thực hiện bởi các dịch vụ “thẩm mỹ dạo” do đó nguy cơ với những người đã và đang có ý định tiêm sillicon lỏng trong thẩm mỹ là rất lớn.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thành Hải (thẩm mỹ viện Thanh Bình,  23 Cửa Đông - HK - Hà Nội; http://thammyvienthanhbinh.com.vn) thì  không được tiêm (bơm) sillicon lỏng vào cơ thể. Hơn nữa, sillicon lỏng được tiêm không chắc chắn là sillicon sinh học, vì vậy có thể gây sốc, dị ứng, nhiễm trùng, xơ hoá cứng tổ chức... và có thể gây ung thư.

Ngoài ra, người tiến hành thủ thuật không phải là bác sĩ chuyên khoa nên tiêm (bơm) không đúng lớp, không đúng vị trí, tạo nhiều ổ khác nhau và không đều. Việc bơm silicon được tiến hành tại cơ sở tư nhân không phép, điều kiện vô trùng không đạt tiêu chuẩn nên rất dễ bị nhiễm trùng.     

Bác sĩ Hải cho biết: Với các trường hợp đã tiêm sillicon lỏng trong thẩm mỹ mà có biến chứng thì việc giải quyết hậu quả cũng rất phức tạp. Do sillicon  tiêm vào không đúng lớp giải phẫu nên hiện tượng viêm, xơ cứng thường lan rộng và thâm nhiễm ra xung quanh.

Khi tiêm sillicon lỏng vào ngực thì nguy cơ tiêm vào tuyến vú, vào cơ ở thành ngực là rất cao, sau một thời gian thường có hiện tượng: khi sờ vào thấy cứng, lổn nhổn không đều và lan toả, đôi khi chảy dịch. Có trường hợp tạo thành những ổ áp xe lớn gây hoại tử tổ chức tuyến vú.

Khi mổ thấy sillicon và tổ chức viêm xâm lân vào tuyến vú và khối cơ thành  ngực. Muốn giải quyết triệt để cần cắt bỏ vùng viêm nhiễm, vùng chứa sillicon, đôi khi phải cắt bỏ toàn bộ tổ chức tuyến vú. Tiêm sillicon lỏng để làm đẹp chưa chắc đã toại nguyện nhưng nguy cơ tiềm ẩn phía sau lại rất lớn.

P.V

Bình luận
vtcnews.vn