Trung tâm gieo rắc rượu chết người ở TP.HCM

Sức khỏeThứ Bảy, 16/06/2012 06:33:00 +07:00

(VTC News) – “Bây giờ nấu rượu dễ lắm. Chỉ cần ra chợ Kim Biên hay các cửa hàng tạp hóa mua các hóa chất về để làm nguyên liệu pha chế, chỉ “30 giây” là xong"

(VTC News) – “Bây giờ nấu rượu dễ lắm. Chỉ cần ra chợ Kim Biên hay các cửa hàng tạp hóa mua các hóa chất về để làm nguyên liệu pha chế, chỉ “30 giây” sau là chúng ta có thể có rượu uống”.

Không giống như cách làm nấu rượu theo kiểu truyền thống, hiện những người nấu rượu kém chất lượng hoàn toàn chẳng cần nấu, ủ gì cả. Chỉ cần có màu, hương liệu, hóa chất là có thể có rượu thành phẩm để bán cho khách hàng.

Hóa chất không rõ nguồn gốc

Để có tư liệu đầy đủ khi viết bài này, chúng tôi đã đến “mục sở thị” chợ hóa chất lớn nhất TP.HCM, chợ Kim Biên (Q.5). Tại rất nhiều quầy bán hóa chất ở chợ này, chúng ta có thể dễ dàng tìm được các loại hóa chất có nguồn gốc không rõ ràng để nấu rượu. Hầu hết các chủ tiệm đều giấu kín các loại hóa chất này ở bên trong, chỉ khi có khách hỏi mới mang ra ngoài.

Khi chúng tôi đến doanh nghiệp tư nhân TL để hỏi tìm mua hóa chất nấu rượu, anh nhân viên ở đây vội vàng xách ra 3 can gồm: cồn công nghiệp, chất tạo mùi hương nếp, chất tạo đục cho rượu. Điều đáng nói, dù trên bao bì ghi xuất xứ của các loại chất này đến từ Indonesia, Pháp, nhưng hoàn toàn không thấy có ghi địa chỉ nơi sản xuất, hạn sử dụng hoặc ghi nhãn phụ tiếng Việt theo đúng qui định của pháp luật.

 Hóa chất pha chế rượu được bày bán tràn lan tại chợ Kim Biên - Q.5, TP.HCM.

Mỗi loại hóa chất ở đây được bán với giá cụ thể: cồn công nghiệp với giá 30.000 đồng/lít, chất tạo hương nếp và chất tạo đục cho rượu có giá 30.000 đồng/100gr. Ngoài ra, nhân viên của TL còn nói thêm rằng nếu chúng tôi mua với số lượng nhiều sẽ được giảm thêm 20% so với giá qui định, lại còn được giao tới tận địa chỉ theo yêu cầu.

Đến doanh nghiệp tư nhân chuyên kinh doanh hóa chất LN, thấy chúng tôi mạnh dạn hơn, cô nhân viên ở đây “phát” ra ánh mắt nghi ngờ và hỏi: “Anh chị mua về để bán hay mua về để nấu?” Khi chúng tôi trả lời là mua về để nấu rượu thì cô nhân viên chia sẻ thêm ở đây còn có thêm hóa chất tạo đục cho rượu dạng bột có xuất xứ từ Hàn Quốc với giá 120.000 đồng/1kg.

Khi chúng tôi kêu cho xem thông tin về sản phẩm thì nhận được câu trả lời “mua nhiều mới cho xem được còn mua ít thì không, vì đây là hàng nhạy cảm nên hạn chế cho người lạ xem”. Mua một bịch 2,5kg với giá 250 ngàn dùng trong thời gian bao lâu cũng được, tùy mình nấu nhiều hay nấu ít.

Rượu = Hóa chất + hóa chất

Với sự giới thiệu của 1 người bạn, chúng tôi tìm đến lò nấu rượu của ông Trần Văn Phương ở đường Dương Quảng Hàm, quận Gò Vấp, một trong những người nhiều năm kinh nghiệm trong việc nấu rượu ở TP.HCM. Đón chúng tôi, ông Phương bật mí: Bây giờ nấu rượu dễ ẹc. Tùy theo đơn đặt hàng của “mối” mà mình chọn những cách nấu khác nhau, để cho ra loại rượu phù hợp.

 >> Những trung tâm công khai gieo rắc rượu độc pha từ nước lã và cồn chết người
Thông thường, ông Phương cung cấp rượu cho quán cóc với giá 3.000 – 4.000 đồng/lít, quán bình dân chỉ với giá 5.000 – 7.000 đồng/lít, chứ không phải như rượu nấu bình thường có giá 20.000 đồng/lít.

“Nếu may mắn có đơn hàng với giá 10.000 đồng/lít thì có nghĩa là người ta mua về còn phải qua thêm 1 khâu pha chế nữa, rồi mới tới tay người tiêu dùng.” – ông Phương chia sẻ.

Với giá 3.000 đồng/lít thì lấy 5 lít nước lã pha với 0,5 lít cồn rồi trộn đều, sau đó cho một ít mùi hương nếp và chất tạo đục sẽ thành 5 lít rượu có mùi vị giống như rượu bình thường.

Quá trình pha rất nhanh chóng trong vòng không đầy 3 phút đã có rượu bán cho khách. Cứ như thế, hết rồi pha tiếp và để đánh lừa cảm giác của khách hàng chỉ cần tìm mua những cái mác rượu có tiếng dán lên thì đố ai nghi ngờ được” – ông Phương bộc bạch tiếp.

Pha cả chất benzene cực độc

Cũng theo ông Phương, ở một số lò rượu, người ta còn lấy nước lã pha với chất benzene, chờ một lúc để nước và chất benzen tan đều rồi cho một ít hương nếp tự nhiên và chất tạo đục để tạo thành rượu, bán cho khách. Nhiều khi, để cho đỡ mất nhiều thời gian, khi đi mua hoa chất người ta mang theo một chiếc can, khi đến nơi mua hóa chất thì xin nước và pha luôn để kịp giao cho các “mối”.

Chỉ vài lọ hóa chất công nghiệp như thế này, chỉ vài phút sau người ta đã có thể "sản xuất" ra rượu kém chất lượng. 

Nhưng rượu tự pha so với rượu truyền thống phải thật để ý mới biết được sự khác nhau. Rượu truyền thống sau khi cho vào chai bắt buộc phải đậy nắp kín, khi uống rượu có mùi thơm đặc trưng của gạo và khi rót ra chén sẽ có một lớp màng dính vào thành. 

Còn với rượu “nấu” bằng hóa chất thì ở những quán nhậu người ta không cần phải đậy, rượu vẫn không bị bay hơi và khi uống sẽ có mùi hơi hắc. Đặc biệt ở rượu hóa chất khi rót ra chén sẽ không có lớp màng bám vào, người uống sẽ không có cảm giác đậm đà.

Ông Phương còn cho biết thêm, những lò nấu như vậy chủ yếu là những người ở trọ, họ không có không gian để nấu nên làm thế để vừa có lời, vừa không phải mất chi phí thuê mặt bằng. Nhiều khi người nấu cũng không phân biệt được đâu là rượu thật, đâu là rượu giả. Một số người khách khi uống rượu giá rẻ đã thành một thói quen, khi uống loại rượu khác họ không uống được.

Một cách nấu rượu “nhân từ” hơn là người ta cũng tuân theo một số quy trình nấu rượu truyền thống, cũng nấu bằng gạo và có quy trình chưng cất. Nhưng khi nấu, chủ lò sẽ cho một lượng cồn vào để nhằm mục đích lấy được nhiều nước rượu hơn. 

Ví dụ, một nồi rượu nấu khoảng 10kg gạo cho vào khoảng 0,5 đến 1lít cồn vào sẽ được 3-4 lít rượu/1kg gạo so với cách nấu truyền thống là 1kg gạo chỉ được 1 lít rượu. Cách nấu này, khi bán cho các mối” sẽ được chủ lò phân ra các loại rượu, rượu loại 1 có giá 35.000 đồng /lít; rượu loại hai 25.000 đồng/lít, rượu loại 3 12 -18.000 đồng/lít và loại 4 là 7.000 -8.000 đồng/lít.

Rượu tinh khiết được sản xuất công phu như thế nào?

Rượu nhà máy luôn được chưng cất từ những hạt gạo giàu tinh bột, có độ ngọt sâu 

Trong khi đó, để ra một sản phẩm rượu chất lượng cao, tinh khiết, bà Hoàng Thị Liên Hương, phó trưởng phòng  kỹ thuật công nghệ của Halico cho biết: Nguồn nguyên liệu đầu vào của  Vodka Hà Nội là những hạt gạo giàu tinh bột, nên rượu làm ra từ những hạt gạo này có độ ngọt rất sâu.

Tiếp đó đến quy trình chưng cất, khâu chưng cất tinh chế rượu Vodka Hà Nội được thực hiện trên dây chuyền chưng cất 8 tháp tự động liên hoàn. 

Đặc trưng của công nghệ này là ở chỗ quá trình chưng cất được tự động liên tục và cốt rượu được lấy ra sau khi đã chạy qua tất cả 8 tháp cất liên hoàn, dưới bàn tay những người thợ cất kinh nghiệm lâu năm, mỗi tháp cất sẽ tách lọc những tạp chất khác nhau ra khỏi cốt rượu nhờ vào tính chất hóa học của mỗi chất bay hơi ở những nhiệt độ khác nhau.

Chính vì vậy, công nghệ chưng cất này đã lấy ra được các chất gây đau đầu, mờ mắt, hoặc khô giọng háo nước như Aldehyt, methanol hoặc furfurol và các tạp chất không có lợi cho sức khỏe con người.

Chính vì vậy, để đảm bảo sức khỏe cho mình, việc lựa chọn rượu có nguồn gốc xuất xứ, luôn phải là ưu tiên hàng đầu khi tham gia các cuộc tiếp khách.

 Video: Xem pha chế rượu chết người trước khi bán cho bợm nhậu


Thực hiện:Phan Cường – Việt Dũng – Ngọc Thân 

 

Cực nóng, cực độc, cực ấn tượng về Euro 2012 

Xem thêm tại đây

Nhóm PV VTC News
Bình luận
vtcnews.vn