Cả nước có trên 6 ngàn ca bệnh tay chân miệng

Sức khỏeThứ Sáu, 24/02/2012 08:53:00 +07:00

(VTC News) – Tính đến ngày 20/02/2012 cả nước đã ghi nhận 6.328 trường hợp mắc tại 60/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 9 trường hợp tử vong.

(VTC News) – Từ 01/01/2012 đến nay, tình hình bệnh dịch tay chân miệng tiếp tục diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước, tính đến thời điểm này, cả nước đã ghi nhận hơn 6.328 trường hợp mắc tại 60/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 9 trường hợp tử vong.

Tại Đà Nẵng, diễn biến bệnh tay chân miệng thời gian qua cho thấy năm 2012 dịch bệnh bùng phát sớm và số lượng nhiều hơn năm 2011.

Bệnh nhân tay chân miệng đến khám tại Trung tâm sản - nhi Đà Nẵng 

Tính đến thời điểm hiện tại, trong 2 tuần qua, Đà Nẵng đã có 61 ca mắc và nghi nhiễm chân tay miệng; Các tỉnh lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi có hơn 60 ca nghi nhiễm và đang chờ khám, điều trị tại các cơ sở y tế Đà Nẵng… Như vậy, không loại trừ nguy cơ bùng phát dịch chân tay miệng trong khu vực miền Trung nếu các ngành y tế không có biện pháp ngăn chặn kịp thời”.

Tại Trung tâm Sản - Nhi Đà Nẵng, đơn vị điều trị chủ yếu đối với bệnh chân tay miệng của TP Đà Nẵng, tình trạng quá tải bệnh nhân đã xuất hiện. Mặc dù các bác sĩ khoa Y học nhiệt đới phải làm việc hết công suất nhưng lượng bệnh nhân đứng chờ khám và làm thủ tục nhập viện khá đông, kín cả lối hành lang vào khoa.

Tình trạng bệnh nhân tăng đột biến khiến khoa Y học nhiệt đới quá tải nghiêm trọng. Trong khi khoa chỉ có 25 giường thì số bệnh nhân nhập viện lên đến hơn 100 người, chủ yếu của Đà Nẵng và các tỉnh lân cận Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Để đáp ứng yêu cầu của người bệnh, Trung tâm Sản - Nhi phải kê thêm gần 80 giường bệnh tại các phòng, thậm chí dọc hành lang. Hiện tại, mỗi y tá, bác sĩ phải chăm sóc 15 bệnh nhân TCM.

Theo thống kê của Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, chỉ trong vòng một tuần (từ 14 đến 21/2), số ca tay chân miệng nhập viện là 63 ca, nâng tổng số ca mắc từ đầu năm đến nay lên đến 116 ca.

Tại Bình Định, tính đến ngày 21/2, toàn tỉnh đã có 166 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh tiếp tục gia tăng tại một số địa phương, trong đó chỉ riêng Phù Mỹ đã có 81 ca bệnh.

Sở Y tế tỉnh này đang gấp rút phân bổ 2,5 tỉ đồng từ nguồn kinh phí của tỉnh để các đơn vị y tế và Sở GD&ĐT triển khai các hoạt động tập huấn, truyền thông, giám sát và xử lý dịch bệnh tay chân miệng; đồng thời, mua bổ sung một số trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Còn tại Cần Thơ, năm 2012 đã có 3 trẻ tử vong tại bệnh viện ở Cần Thơ vì nhiễm virus tay chân miệng. Ngoài ra, đã có gần 600 trẻ em bị bệnh này phải nhập viện, trong đó có khoảng 1/3 bệnh nhi hộ khẩu thường trú tại TP Cần Thơ, còn lại ở các tỉnh lân cận.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Tay chân miệng, Bộ trưởng Bộ Y tế vừa phát đi công điện nhằm tăng cường phòng chống dịch đang diễn ra trên cả nước.

Các trường hợp mắc và tử vong tập trung chủ yếu ở trẻ dưới 5 tuổi và có nguy cơ tiếp tục gia tăng số mắc và tử vong. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quan tâm tăng cường chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch, tổ chức họp Ban chỉ đạo thường xuyên nhằm thống nhất các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch.

UBND tỉnh, thành phố cần chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các Sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch tay chân miệng năm 2012, bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực đảm bảo các hoạt động phòng, chống dịch chủ động tại các địa phương.

Sở Thông tin và Truyền thông, các đơn vị truyền thông tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập trung các nội dung: “Thực hiện ăn sạch, uống sạch, đồ chơi của trẻ sạch, rửa tay bằng xà phòng cho trẻ và người chăm sóc trẻ nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi cho trẻ ăn và sau khi đi vệ sinh”.

Phát động chiến dịch rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ, khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh để phòng chống bệnh tay chân miệng.

Bộ Y tế đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo Sở Giáo dục – Đào tạo triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường, quản lý sức khỏe của các cháu học sinh, thông báo ngay cho các đơn vị y tế khi phát hiện có trẻ mắc bệnh để phối hợp xử lý kịp thời; các trường mẫu giáo, mầm non tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp với các phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng và cách nhận biết sớm bệnh tay chân miệng để chủ động cách ly, điều trị kịp thời.

Nhóm PV

 

Bình luận
vtcnews.vn