Cười rơi nước mắt khi dị vật "chui" vào họng trẻ

Sức khỏeThứ Năm, 25/11/2010 06:44:00 +07:00

(VTC News) – Hóc chiếc còi chít vào phổi, bé N (Hưng Yên) “ồn ào” vào bệnh viện Tai Mũi Họng TW vì mỗi lần thở là mỗi lần tiếng còi lại vang lên réo rắt.

(VTC News) – Hóc chiếc còi chít vào phổi, bé N (Hưng Yên) “ồn ào” vào bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương vì mỗi lần thở là mỗi lần tiếng còi lại vang lên réo rắt.

Bé Nguyễn N, 2 tuổi, (Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng có dị vật đường thở ở phổi. Qua siêu âm và lời kể của người nhà, thì dị vật đó là chiếc còi chít có trong dép của bé. Trước đó 1 ngày, bé N đã mày mò, phá tung chiếc dép phát ra tiếng động của mình. Sau khi phát hiện ra còi chít, bé N đã ngậm vào miệng chơi. Khi thấy con mình ngậm vật lạ, mẹ bé đã quát tháo ầm ĩ, khiến bé giật mình nuốt luôn chiếc còi. Tuy nhiên, do quá bất ngờ nên chiếc còi không chui vào thực quản mà lại chui vào đường khí quản và xuống luôn phổi, khiến bé N rơi vào tình trạng đau đớn, bỏng rát khi thở. Đồng thời, mỗi lần thở, tiếng còi lại vàng lên réo rắt.
Ngay lập tức, bố mẹ bé N đã chuyển bé lên Bệnh viện Tai mũi họng TW và tại đây, các bác sĩ đã gắp dị vật này ra khỏi phổi bé N.

Xử trí nhanh khi bị dị vật đường thở là rất cần thiết. 

BS Đào Đình Thi (Khoa Nội soi – BV Tai Mũi Họng TW) cho biết: “Chiếc còi chít là dị vật bé chỉ bằng đầu ngón tay út. Khi chiếc dép phát ra âm thanh thú vị, trẻ con thường thích khám phá, nhất là trẻ trai. Mỗi năm có trên dưới 10 trẻ nhập viện vì bị dị vật là chiếc còi chít này. Rất may là chiếc còi đã rơi vào một bên phổi, nên không gây khó thở, bít đường thở cho trẻ. Nhưng nếu trẻ ho, đẩy còi từ phổi lên thanh quản, gây co thắt thanh quản và nghẹt thở, trẻ sẽ chết ngay”

Theo BS Thi, thời điểm này, những ca nhập viện vì dị vật đường thở là chiếc còi chít vẫn rải rác xuất hiện. Các bác sĩ phải gây mê mới lấy được dị vật ra ngoài.

Mùa nào dị vật nấy

Một động tác xử trí cứu người bị hóc dị vật 
BS Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TW, cho biết, dị vật đường thở rất đa dạng, và theo kiểu “mùa nào thức nấy”. Mùa ngô có hạt ngô, mùa cam có hạt cam, hạt bưởi… Rồi hạt dưa hấu, lạc, mãng cầu cho đến xương cá, vỏ tép, lông lợn. Thậm chí cả các dị vật kim loại như kim ghim vải, đinh…

Độ tuổi trẻ hay hóc dị vật là từ 1 đến 3 tuổi. Đây là độ tuổi ưa khám phá, mày mò, tẩn mẩn và bạ bất cứ thứ gì cũng có thể cho vào miệng, vào mũi, vào tai.

“Tôi thấy khó nhất khi gắp là dị vật hình tròn như hạt cườm, các viên bi ve… Có trường hợp một em bé 2 tuổi nhập viện trong tình trạng nước mũi chảy 1 bên đã gần 2 tháng. Lúc này, mũi đã bị phù nề, mưng mủ, nhiễm khuẩn và bé thì bị sốt, khó thở. Qua thăm khám được biết dị vật là hạt bi to bằng ngón tay út, nhưng lấy ra rất khó vì bi tụt vào sâu, trơn rất khó gắp và phần mũi bên ngoài bị sưng nề. Phải mất 30 phút sau tôi mới lấy được dị vật ra” – BS Dinh kể lại.

BS Thi khẳng định, nguyên nhân chủ yếu là do đồ chơi hiện nay được chế tạo không khoa học, nhiều đồ chơi bé, nhỏ hơn miệng của trẻ con nên nhiều em dễ nuốt, mắc vào cổ. Có trường hợp bé nhất là 3 tháng tuổi đã bị hóc dị vật dẫn tới nhiễm trùng, bỏ ăn. Không ít trẻ bị dị vật đường thở, tím tái, viêm phổi thậm chí tử vong sau ít phút vì ngưng thở.

Theo các bác sĩ, các vị trí hay mắc dị vật to như hột chôm chôm thường là ở thượng thanh môn; Dị vật nhỏ hơn như xương cá có thể bị kẹt ở thanh môn. Dị vật có thể đi xuống dưới thanh môn, khí quản hay phế quản. Dị vật có thể nằm im trong khí quản hay phế quản như hột mãng cầu; di động lên xuống theo nhịp thở như hột dưa; ghim vào thành khí phế quản như lưỡi câu, kim...

Cách xử trí khi bị dị vật đường thở

Cách xử trí dị vật đường thở với trẻ em lớn hơn. 
Khi thấy các triệu chứng như trẻ đang ăn hoặc chơi tự nhiên thì bị ho sặc, khó thở, tím tái; Trẻ khó thở thanh quản như thở rít, trẻ ráng sức hít vào, bứt rứt, vật vã, cần nghĩ ngay đến dị vật đường thở.

Việc xử trí nhanh là rất thiết. Bạn có thể đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi rồi vỗ mạnh vào lưng 2-3 cái. Nếu trẻ lớn hơn, để trẻ nằm ngửa rồi ấn tay vào thượng vị, nhồi 2-3 cái để trẻ ho bắn ra và thở trở lại. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, phải hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực nếu ngưng tim.

Với dị vật cứng, nếu bệnh nhân không khó thở thì đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra, nếu có sẽ tiến hành soi gắp dị vật. Khi người bệnh khó thở tím tái, cách xử trí giống như khi bị sặc chất lỏng. Nếu bệnh nhân lớn, nên để bệnh nhân đứng, người cúi ra trước, người cấp cứu đứng phía sau, hai tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của bệnh nhân, sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực nhằm có thể tống dị vật ra.

Nếu bệnh nhân lờ đờ, vật vã, phải thọc tay móc ngay dị vật ra vì thường đây là dị vật to gây bít tắc thanh môn. Còn với vật nhỏ hơn, có thể thổi miệng đẩy luôn dị vật xuống sâu để bệnh nhân có thể thở được, sau đó chuyển đến bệnh viện.


PK

Bình luận
vtcnews.vn