Bệnh lạ Việt Nam: Ăn cắp như ranh vì... bị bệnh

Sức khỏeThứ Năm, 16/09/2010 06:40:00 +07:00

(VTC News) - Mặc dù chưa được pháp luật công nhận nhưng các bác sĩ tâm thần đang cố gắng chứng minh, có những người mắc bệnh trộm cắp bệnh lý.

(VTC News) -  Mặc dù chưa được pháp luật công nhận nhưng các bác sĩ tâm thần đang cố gắng chứng minh, có những người mắc bệnh trộm cắp bệnh lý.

Bị công an sờ gáy 4 lần vì tội ăn cắp

Là một sinh viên khá, học về lĩnh vực công nghệ thông tin, nhưng Nguyễn Văn K (19 tuổi, Hà Nội) đã 4 lần bị công an sờ gáy vì tội trộm cắp. Và lần nào, gia đình cũng phải tìm đến bệnh viện để xin chứng nhận bệnh lý, tiền sử bệnh án để cứu cậu ra khỏi ải tù đày.

Với K, điện thoại là thứ "ma túy" khiến cậu hành động thiếu tự chủ. 

K có một sở thích kỳ quặc đối với các sản phẩm hitech, đặc biệt là điện thoại di động. Trong phòng cậu tràn ngập hình ảnh về điện thoại di động thế hệ cũ đến mới, khá nhiều điện thoại di động từ rẻ đến đắt tiền, các dòng điện thoại đặc chủng… Và đặc biệt là K rất khó “giữ mình” mỗi khi vào các gian hàng trưng bày điện thoại di động. Hễ thấy điện thoại mới, vừa mắt, hoặc chú dế nào mình chưa có, là cậu thản nhiên nhặt và đút túi. Cậu không cần biết ở đó là siêu thị, hay trong các hàng điện thoại đầy rẫy camera quay giám sát.

K đã từng bị bắt ngay tại trận vì hành vi ăn trộm hồn nhiên, không giấu diếm của mình. Nhưng cũng có những lần hành vi ăn trộm của K trót lọt. Và cậu mang vật phẩm về nhà vứt lăn lóc trong phòng, thỏa mãn thú vui lạ lùng đó. Cho tới một lần…

Trên đường đi học về, K gặp cơn mưa to, phải vào trú mưa. Và như bị hút vào hàng bán điện thoại di động đầy ánh đèn nhấp nháy, cửa kính sáng lóa, cậu bước vào tranh thủ vừa trú mưa, vừa ngắm nghía.

Những chú dế đời mới không hấp dẫn K bằng chiếc điện thoại mà chủ cửa hàng đang dùng. Đó là chiếc điện thoại thửa, nhập khẩu và cũng rất hiếm có khó tìm. Cậu tỏ ra thích mê li, xin chủ cửa hàng xem và sau một hồi ngắm nghía, hỏi han, cậu lẳng lặng đút túi ra về, trước sự ngỡ ngàng của ông chủ và những người bán hàng. Ngay sau đó, K đã bị đánh một trận nhừ tử và bị lôi xềnh xệch đến đồn công an.

Sau lần đó và tiền sử mấy lần trước, gia đình đã lôi K đi khám Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương vì tính hồn nhiên chủ nghĩa của K. Tại đây, K thú nhận mình không thể kiềm chế được nhu cầu sở hữu ngay vật mình thích. Nhu cầu đó chỉ đến khi K được nhìn thấy, cầm nắm… điện thoại di động chứ không phải bất kỳ vật gì K cũng muốn lấy. Và đặc biệt là sau khi lấy, K không giấu diếm, phi tang mà để ngay trong phòng của mình. K “ăn cắp” một cách hồn nhiên, không phòng vệ, cứ tự nhiên cầm đút túi mỗi khi “cơn” thèm điện thoại dâng lên chứ không lập kế hoạch để lấy bằng mọi giá.

Sau khi “điều tra”, BS Ngô Thanh Hồi, Giám đốc Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương kết luận, K bị mắc bệnh trộm cắp bệnh lý.

Cũng có không ít người không thể kiềm chế được nhu cầu “thó” vật mình thích đút túi. Có thể, đó là mỹ phẩm, nước hoa, quần áo… Và họ cũng có thể là kỹ sư, sinh viên, công nhân viên chức và thậm chí cả những người giàu có, nổi tiếng… Họ cũng sẵn sàng đút túi vật mình thích dù biết đó là hành động phạm pháp.

Y văn công nhận là bệnh lý nhưng luật pháp vẫn chưa… thông

Có nhiều biểu hiện để các bác sĩ kết luận, có những người mắc bệnh… trộm cắp bệnh lý. BS Ngô Thanh Hồi cho biết: “Trộm cắp bệnh lý khác với trộm cắp cố ý, có mưu lợi. Bệnh nhân mắc bệnh trộm cắp bệnh lý là họ không thể giữ mình khi vào siêu thị, vào gian hàng bán đồ mình thích. Khi cơn xung động đến, ham muốn sở hữu vật đó khiến họ không nhịn được, cứ thế là cầm, là bỏ túi, và bỏ đi không trả tiền. Họ có cảm giác căng thẳng khi đứng trước đồ vật mình muốn đồng thời có cảm giác thỏa mãn khi lấy được đồ vật đó. Họ cũng không giấu diếm hành vi của mình cũng không phi tang vật chứng nếu bị bắt hoặc khi công an khám xét nhà cửa. Hành vi “ăn cắp” của họ rất ngây ngô mà không khó khăn lắm công an có thể tìm ra, phá án…”.

BS Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Điều trị tâm thần nam & Điều trị nghiện chất, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia - Bệnh viện Bạch Mai, cũng chỉ ra sự rối loạn của bệnh lý này là hoàn toàn không có động cơ: “Rối loạn của bệnh trộm cắp bệnh lý được đặc trưng bởi nhiều lần không thể cưỡng lại được xung động ăn cắp các đồ vật mà họ không sử dụng cho cá nhân hoặc bán lấy tiền. Ngược lại, những đồ vật ăn cắp được vứt đi, cho người khác hoặc tích lại”.

Tuy nhiên, mặc dù y văn công nhận, bác sĩ chứng minh bằng bệnh án, bệnh sử, diễn tiến của hành vi ăn cắp trùng với thời gian ngừng uống thuốc, ngừng khám bệnh… nhưng không phải lúc nào bác sĩ cũng có thể “bênh” được hết bệnh nhân mắc bệnh lý kỳ cục này. Bởi xét về các xét nghiệm thường dùng cho bệnh tâm thần khác như hoang tưởng, động kinh, thì bệnh trộm cắp bệnh lý không thể có được “bằng chứng” khoa học nào, ví như các cơn xung động phát ra từ điện não. Bác sĩ chỉ khiến công an, người đại diện cho pháp luật, tin rằng, bệnh nhân phạm tội ăn cắp là do ngẫu nhiên bùng lên các xung động kèm với hoàn cảnh tác động, bệnh án, bệnh sử…

Do ăn cắp bệnh lý chưa được pháp luật bảo hộ, nên bệnh nhân mắc bệnh hiếm gặp này vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hiện nay, phương pháp chữa căn bệnh này còn rất hạn chế, chủ yếu bằng thuốc và kiềm chế xung động. Thời gian điều trị bệnh rất lâu. Nhưng người nhà cũng có thể giám sát bệnh nhân, chữa bệnh cho họ bằng phương pháp tâm trị liệu, đưa bệnh nhân vào môi trường dễ bị kích thích, nếu kiềm chế được, sẽ thưởng. Cách này sẽ giúp họ thích ứng dần dần khi bước vào những môi trường đầy cám dỗ.


Hiền Lê
Bình luận
vtcnews.vn