Việt Nam đã có nhiều “siêu vi khuẩn” kháng thuốc

Sức khỏeThứ Sáu, 13/08/2010 08:37:00 +07:00

Ít ai biết rằng, tại nước ta hiện không chỉ có 1 mà đến vài ba loại “siêu vi khuẩn” tương tự loại vi khuẩn tiết ra men (enzyme) NDM-1 đang tồn tại tại Ấn Độ.

Ít ai biết rằng, tại nước ta hiện không chỉ có 1 mà đến vài ba loại “siêu vi khuẩn” tương tự loại vi khuẩn tiết ra men (enzyme) NDM-1 đang tồn tại tại Ấn Độ.

Những thông tin về việc xuất hiện một loại “siêu vi khuẩn” có khả năng kháng lại tất cả các loại thuốc kháng sinh đang lan từ Nam Á (Ấn Độ) ra phạm vi toàn cầu khiến nhiều người dân lo lắng. Tuy nhiên ít ai biết rằng, tại nước ta hiện không chỉ có 1 mà đến vài ba loại “siêu vi khuẩn” tương tự đang tồn tại.

Theo quy luật chọn lọc tự nhiên, mỗi một loại kháng sinh mới khi đưa vào sử dụng một vài năm lại xuất hiện chủng vi khuẩn đột biến, kháng loại kháng sinh đó. Trao đổi với PV Báo ANTĐ chiều 12-8, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, điều trị tích cực - BV Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, loại “siêu vi khuẩn” vừa được phát hiện ở Ấn Độ chính là một loại vi khuẩn tiết ra men (enzyme) NDM-1, men này có thể kháng lại hầu hết mọi loại thuốc kháng sinh, kể cả nhóm kháng sinh mạnh nhất là carbapenem - vốn được coi như vũ khí cuối cùng để trị các vi khuẩn đã kháng tất cả các loại kháng sinh. Do đặc tính chung của vi khuẩn có thể lây truyền rất mạnh qua giao lưu, tiếp xúc nên nguy cơ loại siêu vi khuẩn này lan rộng ra thế giới, vào Việt Nam là rất lớn.

Tuy nhiên chưa cần đợi đến khi loại siêu vi khuẩn này xâm nhập, ngay tại nước ta hiện tại cũng đã ghi nhận không chỉ 1 mà một vài loại siêu vi khuẩn tương tự, có khả năng kháng tất cả loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Bác sĩ Cấp phân tích, các loại vi khuẩn này tiết ra một chất men phân hủy gọi chung là carbapenemase, làm giảm tính nhạy cảm của nhóm kháng sinh carbapenem. Men này có rất nhiều loại, trong đó men NDM-1 của vi khuẩn vừa phát hiện ở Ấn Độ chỉ là một trong số các men đó. Tại nước ta chưa có nghiên cứu nào giải mã trình tự gene của tất cả các vi khuẩn kháng thuốc để xem đó có phải là NDM-1 hay không, nhưng đã phát hiện loại vi khuẩn kháng thuốc mang gen tương tự NDM-1 như vi khuẩn mang gen IMP, VIM... cũng kháng thuốc họ carbapenem.

Vấn đề rất đáng ngại ở chỗ, do cơ sở hạ tầng của đa phần các BV nước ta còn hạn chế, phòng bệnh chật chội, tình trạng nằm ghép phổ biến nên khi có người nhiễm vi khuẩn nguy hiểm, nguy cơ lây nhiễm chéo trong BV là khá lớn và rất khó để phòng chống, hạn chế.

Có một điểm khá thú vị vẫn thường gặp trong y học, nhiều loại thuốc kháng sinh được phát hiện từ lâu và đã nhiều năm không sử dụng nhiều khi lại có tác dụng để điều trị một loại vi khuẩn mới vừa phát hiện (do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn). Đó là trường hợp của thuốc kháng sinh Colistin, hiện cùng với dòng thuốc kháng sinh mới Tigecycline là 2 loại thuốc có hiệu quả để đáp ứng điều trị “siêu vi khuẩn” kháng nhóm kháng sinh carbapenemase, gồm cả vi khuẩn tiết men NDM-1 ở Ấn Độ hay các vi khuẩn tiết men khác ở nước ta. Vấn đề ở chỗ, cả 2 loại thuốc này hiện đều không được chính thức có mặt trên thị trường thuốc Việt Nam.

Tại BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, do không có thuốc điều trị siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại kháng sinh nên hiện các bác sĩ phải “chữa cháy” để điều trị cho bệnh nhân bằng cách áp dụng nhiều biện pháp: chọn các loại kháng sinh còn nhạy cảm trên kháng sinh đồ, phối hợp nhiều kháng sinh, điều chỉnh liều thuốc cho nồng độ kháng sinh đủ tiêu diệt vi khuẩn… Các phương pháp điều trị vi khuẩn kháng kháng sinh như vậy làm chi phí điều trị tăng cao, trong khi hiệu quả điều trị không đảm bảo (không phải ca bệnh nào cũng chữa khỏi được). Được biết, từ đầu năm nay nhiều BV đã kiến nghị Bộ Y tế cho phép nhập khẩu thuốc Tigecycline nhưng đến nay vẫn chưa có quyết định gì về vấn đề này. Khó khăn nữa là các BV không có quyền nhập khẩu thuốc, trong khi các hãng dược phẩm chỉ ưu tiên nhập các loại thuốc sử dụng nhiều, lãi suất cao trong khi thuốc Tigecycline sử dụng rất ít.

Các bác sĩ khuyến cáo, tình trạng lạm dụng thuốc kháng sinh, sử dụng thuốc kháng sinh tràn lan không theo kê đơn của bác sĩ, kê đơn không đúng phác đồ… chính là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng vi khuẩn kháng thuốc ngày càng gia tăng, xuất hiện ngày càng nhiều loại “siêu vi khuẩn” kháng kháng sinh. Do đó cả phía cơ sở y tế, cơ quan quản lý về thuốc, người bệnh cần khắc phục ngay tình trạng này. Bên cạnh đó, các BV cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật chống nhiễm khuẩn mà Bộ Y tế đã ban hành. Áp dụng các biện pháp giảm quá tải BV. Nhân viên, y tá, bác sĩ trong BV thực hiện tốt việc rửa tay sạch trước, sau khi thăm khám bệnh nhân… nhằm hạn chế thấp nhất khả năng nhiễm khuẩn trong BV.





Theo ANTD

Bình luận
vtcnews.vn