Cận cảnh nỗi đau những người có thể sống nhờ... tử tù

Bệnh và thuốcThứ Ba, 10/08/2010 06:45:00 +07:00

(VTC News) – Nhìn rõ thế giới đau khổ của những bệnh nhân tuyệt vọng này, mới thấy việc tử tù được hiến xác có thể mang lại cho họ một niềm hy vọng lớn!

(VTC News) – Loạt bài đề nghị tử tù hiến xác của VTC News đã dấy lên một luồng dư luận nhiều chiều về việc có nên cho phép những con người lầm lạc được siêu thoát một phần, cứu chuộc tội lỗi một phần nếu họ được hiến các bộ phận cơ thể cho người bệnh nặng. Nhìn rõ thế giới đau khổ của những bệnh nhân tuyệt vọng này, mới thấy việc tử tù được hiến xác có thể mang lại cho họ một niềm hy vọng lớn: được sống!

Trong phòng bệnh nhân chạy thận Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tiếng máy lọc máu chạy rì rì dù rất nhỏ nhưng cũng trở nên rất ám ảnh bởi hàng chục bệnh nhân đang im lìm, nằm trên giường bệnh phủ ga trắng toát, mệt mỏi nhìn những dòng máu lặng lẽ chảy ra khỏi người, qua quả thận nhân tạo để lọc chất bẩn rồi lại bơm vào người mình. Họ là những người đang lọc máu, chờ được hiến tạng.

Éo le những cuộc đời chờ ghép thận…

Anh Đặng Thành Tiến, 33 tuổi (Thanh Trì, Hà Nội) phát hiện mình bị suy thận từ đầu năm 2010. Chỉ 6 tháng sau, anh đã phải tiến hành lọc máu tuần ba lần, do quả thận đã thực sự hỏng. Là lao động chính trong gia đình, vợ ở nhà, 2 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, chi phí 10 triệu đồng/1 tháng cho lọc máu và thuốc thang, đối với anh đó thực sự là gánh nặng.

Trước đây, khi nghe bác sĩ thông báo căn bệnh của mình, anh Tiến bình thản trở về nhà vì nghĩ, đó cũng là một trong những căn bệnh như cảm, hắt hơi, sổ mũi mà mình từng kinh qua. Nhưng khi tìm hiểu qua mạng, cảm giác hoang mang, hốt hoảng, sốc… đã đến với anh. Một căn bệnh phải chạy chữa suốt đời với núi tiền đã khiến anh và vợ mất ngủ nhiều đêm.

Mỗi lần lọc máu, anh Đặng Thành Tiến lại phải nằm im, cử động nhẹ, vì sợ dây dẫn máu đi lọc tuột ra khỏi người. Ảnh HL  

“Nhà đông anh em, nhưng tôi không thể mở lời xin ai một quả thận, vì ai cũng đều trong độ tuổi lao động, ai cũng có gánh nặng cuộc sống riêng. Tôi cũng không thể nói hết sự lo lắng của mình cho vợ vì sợ vợ lo lắng. Chỉ biết mình phải sống để còn lo cho vợ con. Nên tôi đã tìm đến các bệnh nhân đang lọc máu để tìm hiểu nguyên nhân, các phòng bệnh và đặc biệt là tìm sự cảm thông, nghị lực sống từ các bệnh nhân này, để mình tiếp tục nuôi niềm hi vọng kéo dài sự sống” -  Anh Tiến, nằm yên trên giường bệnh phủ ga trắng toát, nhớ lại những ngày chuẩn bị tâm lý đối mặt với công cuộc chữa bệnh suốt đời của mình.

Chính từ những hoàn cảnh éo le, những người già chỉ trông chờ lương hưu, lại phải trọ gần bệnh viện, phải ăn uống khổ sở để chắt chiu tiền nong cho lọc máu, anh Tiến lại bắt mình “nhìn xuống” để có nghị lực sống.

Cũng như nhiều bệnh nhân chạy thận khác, ánh mắt anh Tiến trở nên tươi tỉnh hơn khi nhắc đến khả năng được sở hữu quả thận do người bị chết não hiến tặng. Đây là đề tài mà Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang tiến hành. Trước đó, anh Tiến cũng đã từng mày mò trên mạng, theo các lời rao bán thận để tìm cho mình một người phù hợp. Tiền vé lên tới vài triệu đồng cũng đã từng gửi đi để người hiến tặng có điều kiện ra Hà Nội, nhưng sau đó không một ai đến đúng hẹn. Giờ đây, mọi trông chờ của anh đều hướng về bác sĩ.

Làm trong lĩnh vực xây dựng, việc lọc máu thường xuyên đã khiến anh không thể tiếp tục làm việc, nguồn thu nhập chính trong gia đình bị ngưng trệ. “Hiện nay, cứ cách 1 ngày tôi lại vào Bệnh viện hữu nghị Việt Đức để lọc máu. Lọc từ 9h sáng đến 5h chiều nên ngày hôm đó hầu như không làm được gì vì rất mệt. Những ngày ở nhà cũng bị ngắt quãng nên công việc không thể tiến hành. Bây giờ, có tốn bao nhiêu tiền để ghép thận, để có sức khỏe được làm việc, tôi cũng phải cố vay mượn mà làm…” – anh Tiến quay mặt đi, nén tiếng thở dài, khi chúng tôi hỏi về ước mơ của anh lúc này.

Cũng là bệnh nhân đang chờ ghép thận, chị Nguyễn Thị Hồng, 30 tuổi, đến từ Hà Nội, đã có cả một quãng thời gian dài chung sống với bệnh viêm cầu thận. Năm lên 3 tuổi, chị đã cùng bố mẹ đến rất nhiều bệnh viện để chữa trị, có khi nằm điều trị cả tháng trời. Việc học hành vì thế cũng dang dở. Sức khỏe yếu nên chị cũng không thể làm được việc gì, kể cả việc ở nhà chăm con. Chung sống với bệnh tật, nên chị quá gầy gò, bé nhỏ, nằm trên giường bệnh.

Niềm vui duy nhất trước khi chị Nguyễn Thị Hồng đến bệnh viện lọc máu là uống được một cốc nước mát thật đầy cho đã cơn khát. Ảnh HL 

“Tôi lọc máu đã được hai năm rưỡi rồi. Đầu năm 2008, tôi bị mệt mất 1 tháng liền. Đêm không ngủ được, nằm xuống lại thấy khó thở. Một lần ngủ trưa máu mũi bỗng ộc ra, cầm máu thế nào cũng không được, thế là phải đi cấp cứu. Tại đây bác sĩ kết luận tôi bị suy thận độ 4 và phải lọc máu tuần ba lần. Mỗi lần khi lọc máu, cảm giác rất mệt và tôi thường hay bị tụt huyết áp. Có khi vừa thấy hoa mắt thì đã không biết gì nữa rồi. Thế nên, phòng lọc máu luôn phải có camera theo dõi và phải có chuông để gọi y tá” – Chị Hồng nói về bệnh tật của mình một cách “bình thản”, bởi có không ít lần chị đối mặt với cái chết, nhất là trong thời kỳ mang thai.

Có một thời gian dài chung sống với bệnh thận nên với chị Hồng, cảm giác thèm ăn mặn, thèm uống nước, luôn cháy bỏng. Tuy vậy, với chị, uống nước nhiều đồng nghĩa với việc chuốc thèm mệt mỏi vào người.

“Thận không làm việc nên với tôi, một ngày chỉ đi tiểu tiện một lần, hoặc không đi cũng chả có cảm giác gì. Do đó, nếu uống nước nhiều, đồng nghĩa với cơ thể sẽ bị phù, tích nước. Nhưng những người bị thận như tôi lại luôn có cảm giác khát, khát cháy cổ nên luôn thèm ngậm đá lạnh. Tôi còn nhớ, có lần, vui bạn vui bè, đi chơi uống nhiều nước, sau 2 ngày tôi tăng tới 4,5kg. Đêm hôm trước ngày đi lọc máu, cảm giác mệt không thở nổi. Nhưng trước khi đi lọc, tôi vẫn phải tu một hơi nước mát cho thật đã. Đằng nào lát cũng đi lọc máu rồi” – chị Hồng tâm sự.

Ngoài ăn nhạt, chị Hồng còn phải ăn thịt rang với đường, không được ăn nhiều hoa quả, rau. Mỗi khi cuối tuần, phải cách 2 ngày mới được lọc máu, với chị Hồng, đó là những ngày ác mộng vì cảm giác mệt mỏi, cáu gắt luôn xâm chiếm.

BS Đồng Văn Hệ, Bệnh viện hữu nghị Việt Đức, người tham gia đề tài hiến tạng từ người chết não, cho biết, đây là giải pháp tối ưu nhất trong giai đoạn hiện nay: “Với người chết não, khả năng sống sót là hầu như không có, trong khi các cơ quan nội tạng của một người chết não có thể cứu sống rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác. Có thể hơn 10 người được cứu nếu được người chết não hiến tạng. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức mỗi năm có tới hàng nghìn ca chết não như vậy. Và nếu chỉ một phần nhỏ trong số đó được người thân đồng ý hiến tạng thì rất nhiều người như anh Tiến, chị Hồng có thể có cuộc sống như người bình thường, được lao động và tận hưởng cuộc sống một cách tối ưu nhất”.

… đến niềm vui của người được ghép tạng

Cũng như nhiều bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo khác, những người bị mù do bệnh từ giác mạc cũng ngày đêm mong mỏi được ghép giác mạc từ những người đã mất. Khác với các bệnh khác, người bị mù do bệnh từ giác mạc có thể sử dụng giác mạc của những người vừa mới mất vài tiếng đồng hồ. Thế nhưng, cơ hội đến với họ cũng rất hiếm hoi.

Những bệnh nhân lọc máu chạy thận nhân tạo nằm im lìm, mệt mỏi trong màu trắng toát của phòng bệnh vô trùng. Ảnh HL 

Bé Lê Phương Thảo, 6 tuổi (trú tại Uông Bí, Quảng Ninh) phải chấp nhận cảnh sống mờ mờ ảo ảo do sẹo giác mạc vì bỏng vôi năm lên 3 tuổi. Mặc dù bé Thảo vẫn có thể học được nhưng theo mẹ bé, thì mắt bé nhìn rất kém, nhìn xa mờ và đi dưới nắng là rất khó khăn. Nguy cơ bị mù một bên mắt của bé Thảo là rất lớn, nhưng tương lai của bé còn dài nên bé là một trong những bệnh nhân được ưu tiên chờ ghép giác mạc của Bệnh viện Mắt Trung ương.

Theo ông Nguyễn Hữu Hoàng, Phó giám đốc Ngân hàng Mắt, Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện nay nước ta có khoảng hơn 300 nghìn người bị mù do các bệnh lý về giác mạc, và mỗi năm lại có khoảng 15 nghìn người mù thêm. Nhưng số người hiến giác mạc lại rất hiếm.

“Đã 5 tháng kể từ ngày Ngân hàng Mắt được thành lập, chúng tôi đã nhận được hơn 10 ngàn đơn đăng ký hiến tặng giác mạc. Nhưng tính từ tháng 5/2007 đến nay mới chỉ có 80 người đã hiến và chỉ có 142 giác mạc được sử dụng. Trong khi đó, vẫn còn tới hơn 800 bệnh nhân chờ ghép giác mạc tại Ngân hàng mắt bệnh viện mắt trung ương” – ông Hoàng cho biết.

Chính vì cầu lớn hơn cung nên mỗi khi bệnh nhân nào được ghép giác mạc thì đó là niềm sung sướng tột cùng của bệnh nhân cũng như người nhà của họ.

Ông Nguyễn Xuân Cấp (Việt Yên, Bắc Giang) là một người như vậy. Sống trong cảnh mù lòa hơn 6 năm, ông Cấp chỉ biết kêu lên: “Chán lắm, khổ lắm, cực lắm. Tất cả mọi cái đều không thiết gì. Không làm ăn gì được”.
Từ một người bình thường, ông Cấp bị mù dần do viêm loét giác mạc. 6 năm đó với ông là sự bứt rứt, khó chịu và không thể quen được với cảm giác sống trong bóng tối. Ông là một trong những người đầu tiên đăng ký để được ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt trung ương. May mắn cho ông, đã có người hiến tặng giác mạc.

“Sướng lắm chị ạ. Từ việc không nhìn thấy gì tôi có thể cầm kim khâu vá, đi lại không phải nhờ con cháu, mọi sinh hoạt cá nhân đều có thể tự làm được.Tôi còn đi xe đạp trong làng xóm” – ông Cấp cứ thể hồ hởi kể về niềm sung sướng của mình - “Tôi thực sự rất cảm ơn người đã hiến giác mạc cho tôi. Hai năm nay tôi vẫn làm mâm cơm cúng cho họ. Tôi rất muốn biết quê quán của họ, muốn cảm ơn người nhà và thấy quý hóa lắm. Tôi cảm ơn từ Đảng Chính phủ tới các bác sĩ. Phấn khởi lắm”

Niềm vui như ông Cấp có thể được nhân lên rất nhiều đối với những người mắc bệnh hiểm nghèo như tim mạch, suy thận… như chị Hồng, anh Tiến nếu càng ngày càng có nhiều người chết não được người thân đồng ý hiến tạng. Với họ, sự mong ngóng được sống một cuộc sống như người bình thường, không phải lọc máu hằng tuần, được đóng góp sức lao động của mình cho xã hội… đang ngày một hiện diện rõ hơn khi khoa học kỹ thuật phát triển. Và họ đang chờ những tấm lòng nhân ái của đồng loại.


Hiền Lê

Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2010

Hãy tham gia bình chọn cho người đẹp mà bạn yêu thích nhất.
Người đẹp được bình chọn nhiều nhất sẽ giành được danh hiệu "Người đẹp do khán giả bình chọn" và giải thưởng trị giá 50 triệu đồng từ Ban tổ chức

Soạn tin:HH  <Số Báo Danh>  <Số người bình chọn đúng> 
gửi 8530

Xem danh sách thí sinh và thông tin chi tiết tại
http://binhchon.hoahauvietnam2010.vn

 

Bình luận
vtcnews.vn