Hà Nội: Có hay không bệnh nhân mắc sốt xuất huyết lạ?

Bệnh và thuốcThứ Tư, 04/08/2010 07:32:00 +07:00

(VTC News) – Một số báo đưa tin nhiều bệnh nhân ở Hà Nội mắc xuất huyết lạ: Không thấy triệu chứng bệnh, nhưng vài ngày sau đã thấy xuất huyết trong...

(VTC News) – Một số báo đưa tin nhiều bệnh nhân ở Hà Nội mắc xuất huyết lạ: Không thấy triệu chứng bệnh, nhưng vài ngày sau đã thấy xuất huyết trong... Tuy nhiên theo tìm hiểu của VTC News thì sự thật trái ngược hoàn toàn. Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) tại HN giảm 40% so với năm ngoái và không có ca bệnh nào mắc SXH lạ.

Dịch SXH ở HN không tăng so với năm ngoái

Đó là thông tin Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội Đỗ Lê Huấn và BS Trịnh Thị Bích Ngọc, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BV Bạch Mai cho biết ngày 3/8.

Trước thông tin một số báo đưa tin về việc xuất hiện các ca bệnh SXH lạ như xuất huyết ngoài da nhưng khi kiểm tra thì không rõ là xuất huyết hay phát ban, một số ca SXH còn kèm theo viêm cơ tim, men gan tăng rất cao… nhập viện, BS Trịnh Thị Bích Ngọc cho biết, những biểu hiện bệnh này là hết sức bình thường, không có gì gọi là “lạ” trong những triệu chứng của bệnh SXH.

Bệnh nhân SXH chủ yếu là trẻ em. Muỗi là thủ phạm lây truyền bệnh. Ảnh minh họa nguồn Internet 

BS Ngọc cũng cho biết, số lượng bệnh nhân nhập viện vì SXH đã giảm rất nhiều, mỗi ngày chỉ có khoảng 4 bệnh nhân. So với những tháng trước, số lượng đã giảm đi một nửa.

BS Hồng Hà, phó viện trưởng Viện các bệnh Nhiệt đới quốc gia còn khẳng định, mấy ngày qua, không có bệnh nhân nào nhập viện vì SXH và dịch không bùng phát mạnh như năm ngoái.

Về tổng quan chung của Hà Nội, ông Đỗ Lê Huấn cho biết, so với năm ngoái, số bệnh nhân mắc SXH giảm tới 40%.

Tuy nhiên dịch SXH đang có chiều hướng gia tăng tại các tỉnh phía nam và số ca tử vong đã lên tới 10 bệnh nhân. Đây là căn bệnh nguy hiểm do muỗi gây ra.

Điểm mặt những bệnh do muỗi gây ra

Rất nhiều loài muỗi là thủ phạm gây bệnh cho con người. 
Thế giới đã từng ghi nhận nhiều căn bệnh do loài muỗi gây ra khiến con người gặp nguy hiểm về tính mạng như sốt rét, SXH, sốt vàng da, viêm não Nhật Bản…

Vào thế kỷ 17, 18, bệnh sốt vàng da là một trong những thảm họa kinh hoàng ở các nước vùng nhiệt đới. Vào thế kỷ 19, khoảng 300.000 người Tây Ban Nha chết vì sốt vàng da. Trong thời kỳ cách mạng Haiti năm 1802, gần nửa đội quân Pháp bị chết vì sốt vàng da.

Đến thế kỷ 20, các nhà khoa học khám phá ra bệnh này do siêu vi trùng thuộc họ Flaviviridae gây ra. Bệnh lây truyền mạnh do muỗi, trong đó có loài muỗi Aedes aegypti, đốt người. Phương cách phòng chống là bằng vắc xin.

SXH là bệnh do muỗi vằn Aedes egypti truyền virus Dengue. Bệnh có thể xuất hiện quanh năm nhưng phát triển nhiều về mùa mưa, vì muỗi sinh sản nhanh trong mùa này. Bệnh hay gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 10 tuổi.

Khi virus vào cơ thể người, chúng tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Người bị SXH thường không có biểu hiện rõ ràng. Thời kỳ ủ bệnh nằm tầm 3 - 6 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 15 ngày. Triệu chứng người bệnh là đột ngột với sốt cao, người mệt mỏi rũ rượi, nhức đầu, đau sau hốc mắt, đau cơ (đau thắt lưng và đôi khi đau chân), thường kèm theo đau họng, buồn nôn, nôn mửa, đau vùng thượng vị và tiêu chảy.

Ở trẻ em, đau họng và đau bụng thường là những triệu chứng nổi trội. Hạ sốt xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 8 thường kèm biểu hiện xuất huyết nhẹ nhàng (chấm xuất huyết dưới da, nốt xuất huyết và chảy máu mũi). Sau khi hạ sốt thường xuất hiện ban dạng dát sẩn đa hình thái, đôi khi gây ngứa, đầu tiên ở thân mình và lan rộng theo hướng ly tâm đến các chi, mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân. Một số trường hợp có thể bệnh có thể tiến triển đến xuất huyết tiêu hóa và sốc.

Viêm não Nhật Bản cũng là một bệnh nhiễm trùng của hệ thần kinh trung ương mà tác nhân truyền bệnh là muỗi Culicinea tritaeniorhyunchus, thường có ở nông thôn. Trẻ em thường mắc bệnh nhiều hơn người lớn. Tỉ lệ tử vong của bệnh này nằm từ 7-33% nhưng tỉ lệ di chứng thì cao trên 33%. 80% bệnh nhân sống sót sau khi trải qua cơn cấp tính không có hy vọng hồi phục hoàn toàn. Các di chứng của bệnh thường là liệt dai dẳng, mất điều hòa trương lực, chậm phát triển trí tuệ và rối loạn tính cách.

Vì đây là bệnh do virus gây ra nên việc điều trị dựa vào điều trị triệu chứng và tiêm phòng là chủ yếu.

Bệnh sốt rét (còn có các tên gọi là bệnh sốt rét cơn, bệnh sốt rét rừng, bệnh sốt rét ngã nước) do kí sinh trùng sốt rét Plasmodium gây nên. Bệnh truyền nhiễm theo đường máu, chủ yếu do muỗi Anophen truyền bệnh, biểu hiện điển hình bằng những cơn sốt.

Bệnh này phát triển có chu kì: sơ phát, tái phát và có hạn định nếu không bị tái nhiễm. Bệnh gây miễn dịch đặc hiệu nhưng không tuyệt đối và là một trong những bệnh có thuốc điều trị đặc hiệu.


HL(Tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn