Sóc Trăng: Rắn độc xuất hiện khắp nơi cắn chết 4 người

Sức khỏeThứ Sáu, 07/05/2010 09:23:00 +07:00

Người dân ở địa phương cho biết, nhiều loài rắn lạ đã xuất hiện trong các khu dân cư, bò vào cả trong phòng làm việc, phòng ngủ.

Người dân ở địa phương cho biết, nhiều loài rắn lạ đã xuất hiện trong các khu dân cư, bò vào cả trong phòng làm việc, phòng ngủ. Có những ngày, người dân địa phương bắt được hàng chục con loại lớn.

Loại rắn xuất hiện ở vùng này được xác định là rắn hổ mang. 
Từ đầu năm đến nay, tại xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng có tới 10 người bị rắn độc cắn, trong đó 4 người đã tử vong. Hiện tượng bất thường này khiến nhiều người dân lo lắng, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất.

Nạn nhân đầu tiên là chị Trần Thị Lẽn, bị rắn cắn chết ngày 23/1 trong lúc đang đi hái rau ngoài vườn. Gần đây nhất là trường hợp em Trần Thị Diễm Thúy (16 tuổi) bị rắn lạ cắn chết cách đây khoảng 1 tháng, trong khi chặt lá dừa nước.

Người dân ở địa phương cho biết, nhiều loài rắn lạ đã xuất hiện trong các khu dân cư, bò vào cả trong phòng làm việc, phòng ngủ. Có những ngày, người dân địa phương bắt được hàng chục con loại lớn.

Ông Phan Văn Thức, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã An Thạnh Nam cho biết, Sở Y tế Sóc Trăng đã liên hệ với Trại rắn Đồng Tâm (tỉnh Tiền Giang) nhờ giúp đỡ xác định loại rắn và cách chữa trị, đồng thời địa phương cũng có biện pháp hỗ trợ những nạn nhân bị rắn cắn: “Trại rắn Đồng Tâm đã cử cán bộ phối hợp với bệnh viện huyện khảo sát qua vết rắn cắn, xác định loài rắn độc và tìm cách chữa trị. Huyện đã trích 20 triệu đồng để mua thuốc trị rắn cắn, đưa về trung tâm  y tế huyện và xã. Các nhà chuyên môn đã hướng dẫn người dân cách chữa trị ban đầu. Địa phương cũng đã hỗ trợ tiền và thuốc cho các nạn nhân”.

Theo bác sỹ Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm tỉnh Tiền Giang, loại rắn tấn công nhiều người dân ở Sóc Trăng thời gian qua là rắn hổ mang, được xếp vào một trong những loài rắn rất độc. Điều đáng lo ngại là, nhiều người dân không biết cách sơ cứu, đưa lên trạm y tế mà lại tìm đến các thầy lang ở địa phương, nên không những không hiệu quả mà còn gây nguy hiểm đến tính mạng.

Theo bác sỹ Trần Văn Hoàng, hiện đã có 2 kháng huyết thanh đối với 2 loài rắn thường xuất hiện ở Đồng bằng sông Cửu Long là rắn hổ mang và rắn lục đuôi đỏ. Từ năm 2003, thuốc trị rắn cắn đã được đưa vào sử dụng tại trung tâm y tế ở các địa phương. Vì vậy, khi bị rắn cắn, nếu người nhà phát hiện kịp thời cần có biện pháp sơ cứu ban đầu, và đưa nạn nhân đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất, để hạn chế tử vong. Bác sỹ Trần Văn Hoàng, Phó Giám đốc Trại rắn Đồng Tâm tỉnh Tiền Giang khuyến cáo: “Nếu bị rắn cắn, người bệnh cần phải được băng bó vết thương, rửa vết thương để loại bỏ bớt chất độc. Sau đó,  rạch vết thương để hút máu độc. Sau khi sơ cứu ban đầu, cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến trung tâm y tế gần nhất để được cứu chữa kịp thời”.

Theo các nhà khoa học, nguyên nhân xuất hiện nhiều rắn ở khu dân cư có thể là do năm nay nước mặn dâng cao hơn so với nhiều năm trước, khiến cho hang ổ của loài rắn bị ngập, nhiều loài rắn ở đây mất nơi cư trú, vì vậy chúng lên nơi cao hơn để sinh sống và tấn công người.

Trước tình hình này, người dân địa phương một mặt cần nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng tránh; mặt khác cũng không nên hoang mang, lo lắng, đồn thổi thông tin thất thiệt, gây ảnh hưởng đến cộng đồng.


Theo VOV
 

Bình luận
vtcnews.vn