Thêm nhiều bệnh nhân nhập viện vì dùng Đông y bừa bãi

Bệnh và thuốcThứ Hai, 29/03/2010 11:18:00 +07:00

Vừa bổ, vừa rẻ lại mang một nhãn hiệu “Đông y” nên nhiều người thi nhau mua về dùng mà vô tình đã trở thành nạn nhân của dị ứng, ngộ độc thuốc.

Vừa bổ, vừa rẻ lại mang một nhãn hiệu “Đông y” nên nhiều người thi nhau mua về dùng mà vô tình đã trở thành nạn nhân của dị ứng, ngộ độc thuốc.

Người phù vì thuốc hoàn

Với mong muốn được tăng cân, da dẻ hồng hào chị Nguyễn Ngọc L. (Đông Cơ, Tiền Hải, Thái Bình) đã đi chợ và rinh cho mình một gói thuốc hoàn 300g về uống. Dùng chưa được mấy hôm người chị bắt đầu nổi mẩn và phát ban.

Không phải càng dùng nhiều thuốc đông y càng tốt. Có người đã bị ngộ độc, phồng rộp cả người vì dùng Đông y bừa bãi. Ảnh minh hoạ 

Không chỉ có chị L. mà con gái của chị sau khi uống thuốc điều kinh của một bà lang trong xã cũng bị tương tự giống chị. Hai mẹ con lại dắt nhau lên bệnh viện để chữa trị vì vết mẩn ngày càng to và mọng nước như nốt thuỷ đậu.

Tiến sĩ Trần Văn Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca bệnh nhân bị dị ứng với thuốc Đông y. Nhiều trường hợp bị nặng phổng rộp hết cả người.

Chị Bùi Thị Ng. (Quế Võ, Bắc Ninh) đi khám bệnh khi da toàn thân đã nổi mụn nước, ngứa da và có triệu chứng tiêu chảy. Theo tìm hiểu, trước đó chị Ng. đã uống mấy gói thuốc bột trị tàn nhang và tăng cân của người em gái gửi từ Bình Phước về.

Chị Ng. thú thực đã dùng được khá lâu, trước đó dùng thấy hiệu nghiệm lắm ăn khoẻ, ngủ ngon, nám và tàn nhang mờ hẳn nên chị gửi em mua thêm cho một ít về dùng để trị khỏi hẳn nám da. Khỏi đâu không thấy bây giờ chị lại rước thêm bệnh vào người.

Bác Ngô Thị M. (Hương Khê, Hà Tĩnh) bị bệnh viêm khớp dạng thấp. Khi nghe có người giới thiệu một thầy lang tận Văn Chấn, Yên Bái chữa bệnh rất hiệu nghiệm. Không ngại xa xăm, cách trở bác đến tận nơi lấy thuốc.

Sau khi dùng được vài tuần thì người bác bắt đầu bị phù, phù từ chân rồi lên đến mặt lan sang toàn thân và có khả năng bị suy thận. Sau khi đi khám bệnh bác sĩ cho biết bác bị ngộ độc với thuốc bột mà bác đã mua của thầy lang đó.

Thuốc Đông y bị bỏ ngỏ

Theo Thầy thuốc nhân dân, bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng - Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam để xảy ra những trường hợp bị dị ứng, ngộ độc thuốc Đông y như trên có 3 nguyên nhân chính.

Hiện nay, thị trường thuốc Đông y Việt Nam đang bị bỏ ngỏ, các cơ quan chức năng chưa kiểm tra đúng mức nên việc sản xuất không an toàn và kém hiệu quả.

Có nhiều bài thuốc sản xuất không theo bài bản của Đông y. Trong một bài thuốc có quân, thần, tá, sứ nhưng hiện tại bây giờ có nhiều người sản xuất ra những bài thuốc vô nghĩa bệnh nhân uống không có hiệu quả và gây ra biến chứng.

Nhiều trường hợp mang danh Đông y nhưng thiếu đạo đức hành nghề nên khi làm thuốc bột bán cho bệnh nhân họ pha thuốc tân dược gây sốc cho bệnh nhân. Nếu chỉ dùng thuốc Đông y không có thể không gây ra hậu quả nhưng khi thuốc Tân dược lẫn với Đông dược ở trường hợp nào đó có thể gây phản ứng. Trên nguyên tắc Đông y là Đông y không được pha Tây y nhưng để mong đạt hiệu quả nhanh của bài thuốc nên pha trộn bừa bãi.

Nhiều người lầm tưởng Đông y thuốc nào cũng bổ nên uống một cách lung tung không theo hướng dẫn của bác sĩ, lạm dụng uống quá nhiều nên có thể gây ra ngộ độc.

Theo ý kiến của Tiến sĩ Hoàng Hữu Hảo, Trưởng Khoa Da liễu Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, các dược chất y học hiện đại thường bị lạm dụng và trộn vào thuốc hoàn thuốc tễ, thuốc bột là nhóm thuốc chống viêm. Việc sử dụng thuốc này trong điều trị có thể gây ra hậu quả xấu trong một thời gian ngắn do không kiểm soát được sự tương tác và chuyển hoá của các dược chất trong cơ thể.

Nếu dùng thuốc Đông y không đúng sẽ gây ra các biểu hiện của ngộ độc thuốc như buồn nôn, đau bụng, ỉa chảy, mẩn ngứa trên da. Dị ứng thuốc Tây y hay Đông y thường gặp ở những người có cơ địa dị ứng, bệnh lý ở các cơ quan chống độc của cơ thể như gan, thận, những người có tình trạng rối loạn tiêu hoá kéo dài, bệnh tim, bệnh phổi mạn tính dễ làm cho ngộ độc nặng hơn.

Nhiều bệnh nhân bị dị ứng nặng sau khi đưa vào Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương thường được kết hợp cả phương pháp điều trị cổ truyền lẫn hiện đại như chống shock, chống dị ứng, tăng cường thải độc, bảo vệ chức năng gan, thận. Hầu hết các bệnh nhân sau khi bị ngộ độc hoặc dị ứng thuốc do lam dụng Đông y đều không gặp biến chứng gì sau điều trị.


Theo Khoa học và Đời sống
Bình luận
vtcnews.vn