Sưng vù, chảy máu mắt vì... xông hơi

Bệnh và thuốcThứ Bảy, 27/03/2010 06:18:00 +07:00

(VTC News) - Tin và làm theo một số kinh nghiệm chữa bệnh dân gian thiếu khoa học, nhiều bệnh nhân đã vô tình tự làm mình mù mắt, bỏng mắt nặng.

(VTC News) - Tin và làm theo một số kinh nghiệm chữa bệnh dân gian thiếu khoa học, nhiều bệnh nhân đã vô tình tự làm mình mù mắt, bỏng mắt nặng trước khi đến được Viện Mắt TƯ.

Bệnh viện Mắt Trung ương đã từng tiếp nhận không ít trường hợp bị đau mắt đỏ nhưng lại tự ý xông mắt để hy vọng nhanh khỏi hơn, nhưng cuối cùng lại phải vào viện cấp cứu vì bỏng mắt.

Xông mắt bằng lá tre, hoa cúc mới tốt cho sức khoẻ của đôi mắt. Ảnh minh hoạ 

Điển hình là một nữ bệnh nhân ở Hà Nội, 40 tuổi, nhập viện trong tình trạng mắt sưng vù, chảy máu ở lòng trắng, bề mặt lòng đen bỏng và bị phù. Mắt bệnh nhân còn có nước chảy ra như khi bỏng bị vỡ lớp da bảo vệ. Bệnh nhân rất đau, mắt không mở được. "Lúc đó chúng tôi phải đưa bệnh nhân đi cấp cứu, rửa sạch mắt bằng hoá chất, dùng thuốc lành sẹo bôi trơn mắt" - BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết.

BS Cương kể lại, qua điều tra, được biết, bệnh nhân bị đau mắt đỏ. Tuy nhiên, do sốt ruột vì chữa bằng tây y lâu quá, chị đã lấy 3 lá trầu không bỏ vào cốc nước nóng, xong rồi úp mắt vào đó. "Cẩn thận" hơn, chị còn lấy phễu úp lên cốc nước nóng để hơi nóng bay vào tập trung vào mắt. Hậu quả là chị vừa bị bỏng do sức nóng từ hơi nước lẫn bị bỏng do tinh dầu có trong lá trầu không.

Ngoài ra, bệnh viện Mắt TW còn tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị bỏng mắt do xông nước nóng có thêm một ít cao con hổ, dầu cù là, dầu gió... Nhất là thời điểm từ tháng 5 đến tháng 10, khi dịch đau mắt đỏ thường hay xuất hiện. Có hai nguyên nhân dẫn tới bỏng mắt là do sức nóng từ hơi nước và từ tinh dầu.

BS Cương lý giải: "Thông thường khi xông mắt, hơi nóng bay lên làm tăng tuần hoàn máu, tạo cảm giác dễ chịu ngay tức thì, mắt đỡ căng cứng, khó chịu. Nhìn có cảm giác quang hơn. Nhưng khi mới xông có ngay cảm giác thoải mái nên nhiều người càng muốn nóng hơn, căn chỉnh nhiệt không chuẩn nên dẫn tới bị bỏng. Thông thường, sau 2 đến 3h sau khi xông, nhiều người đã bưng mắt đến nhập viện rồi. Rất may là chưa có trường hợp nào mù loà vì xông".

Liên quan đến việc sử dụng kinh nghiệm dân gian trong việc điều trị các bệnh về mắt, BS Cương cho biết thêm, cách đây vài năm, bệnh viện đã từng điều trị cho người tự chữa mắt bằng cách giã nát con nhái rồi đắp vào mắt cho mát. Tác dụng chưa thấy đâu nhưng những ấu trùng sán có trong nhái đã ngay lập tức chui vào mắt, sán theo đường máu lên não dẫn tới đau đầu, chóng mặt, động kinh thậm chí tử vong. Có bệnh nhân khi khám ở mắt thì thấy nang sán lẫn ở dịch kính, nếu quá nhiều có thể gây mù. Những bệnh nhân này ngay lập tức được chuyển tới Viện Sốt rét ký sinh trùng Trung ương để tiếp tục chữa trị.

Cũng có người nhập viện vì đánh mộng thịt bằng búp tre đầu thật nhọn, đánh thật mạnh dẫn tới viêm loét giác mạc và hậu quả đau xót là bị mù. Có người bị quyền mi, lông mi quặp vào, lại lấy thanh tre hơ nóng và kẹp lông mi như "nướng chả". Sức nóng từ thanh tre đã làm thối và rụng mi.



Hiền Lê

Bình luận
vtcnews.vn