Thêm một trẻ phải tạo hình khuôn mặt vì bị chó cắn

Sức khỏeThứ Ba, 09/02/2010 05:45:00 +07:00

(VTC News) – Bé Trần Văn Danh, 3 tuổi đã bị một con chó táp vào mặt khi đùa giỡn lúc chó đang ăn. Hậu quả là bé phải nhập viện, phẫu thuật tạo hình lại vùng mặt

(VTC News) – Bé Trần Văn Danh, 3 tuổi, trú tại Đồng Tháp đã bị một con chó táp vào mặt khi đùa giỡn lúc chó đang ăn. Hậu quả là bé phải nhập viện, phẫu thuật tạo hình lại vùng mặt.

BS Nguyễn Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa răng hàm mặt, BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho PV VTC News biết thông tin trên vào chiều ngày 9/2/2010.

Bé Trần Văn Danh mới 3 tuổi, quê quán Đồng Tháp, trọ tại quận 3 TPHCM. Hôm 5/2 vừa qua, khi cả bố và mẹ đều đi làm, bé Danh ở nhà chung với người chủ nhà trọ. Khi thấy chó đang ăn, bé Danh chạy đến đùa giỡn cùng với chú chó này.

Vì tưởng bé Danh tranh phần ăn của mình nên chú khuyển nói trên đã táp vào một phần mặt của bé, ở bên má trái. Ngay sau đó, bé Danh được chuyển đến BV Nhi đồng 1. 21h cùng ngày, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật.

Các BS khoa răng hàm mặt – BV Nhi đồng 1 đã tiến hành phẫu thuật tạo hình lại vùng mặt và chống nhiễm trùng vết thương cho bệnh nhân.

Cho dù vẫn còn phải mang băng bó vết thương sau phẫu thuật, nhưng bé Danh vẫn rất tươi cười khi phóng viên chụp hình (ảnh: N.D) 

Khi tiếp xúc với VTC News vào chiều 9/2, bé Danh đã không còn khóc, hoàn toàn tỉnh táo bình thường, đã có thể cười nói chuyện rất thoải mái cho dù trên má các vết phẫu thuật vẫn còn phải băng lại do chưa lành lặn.

Mẹ của bé Danh cho biết chú chó cắn vào mặt bé Danh trước nay vẫn rất hiền, và là giống chó bình thường,

Theo BS trưởng khoa răng hàm mặt thì từ trước tới nay, BV Nhi đồng 1 điều trị khá nhiều trường hợp bệnh nhi bị chó cắn vào mặt, và các trường hợp đều phải điều trị khá lâu trong bệnh viện.

BS Đẩu cũng đưa ra lời khuyến cáo, những chủ nhân có nuôi chó cần tiến hành chích ngừa dại cho vật nuôi của mình. Nếu có xảy ra việc bị chó cắn, cần tiến hành vào BV cấp cứu ngay (để tránh các biến chứng về sau), tiến hành chích ngừa phòng dại, tiến hành chích ngừa bệnh uốn ván (nếu cần).

Thông thường, vào thời điểm giáp tết (trước tết, sau tết) hoặc vào thời điểm mùa hè nắng nóng thường xảy ra khá nhiều tình trạng có bệnh nhân bị chó cắn, nhất là các bệnh nhi, vì trong thời điểm đó các bé thường đã được nghỉ học, mà người lớn thường rất bận rộn với công việc.

“Trẻ em bị chó cắn thông thường đều rất nguy hiểm, phụ huynh không nên để cho trẻ tiếp xúc với chó, nhất là khi chúng đang ăn hoặc đang ngủ… Vì trẻ thấp nên khi bị chó tấn công thường rơi vào vùng mặt, gây ra các hậu quả khó lường, nguy cơ biến chứng nặng, để lại các ảnh hưởng về mặt thẩm mỹ của khuôn mặt…” – BS Đẩu lên tiếng cảnh báo.

Để hạn chế các trường hợp tương tự có thể xảy ra, phụ huynh phải xích chó lại, cần dùng “rọ” để khóa mõm của chó, cần tiến hành chích ngừa và kiểm soát các hành động của chó. Song song đó, cần tập cho trẻ cần nhận thức được việc không nên trêu chọc chó (nhất là khi chúng đang ăn, ngủ hoặc đang trong thời kì hoặc mới sinh nở).

Việt Dũng

Bình luận
vtcnews.vn