"Chúng tôi không làm thay nhiệm vụ của CSGT"

Thời sựThứ Năm, 03/11/2011 05:12:00 +07:00

(VTC News) - “Việc chúng tôi đưa kỹ sư ra điều hành giao thông không phải để làm thay nhiệm vụ của CSGT..."

(VTC News) - Đó là khẳng định của TS. Doãn Minh Tâm – Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT, sau ba ngày thực hiện thí điểm đưa kỹ sư khoa học ra điều khiển giao thông tại một số điểm ùn tắc ở Hà Nội.

Cuộc thí nghiệm đưa kỹ sư ra điều khiển giao thông tại một số điểm nóng trên tuyến đường Láng trong 3 ngày qua của Viện KHCN GTVT đã có thành công bước đầu, hành động này được đa số người dân đồng tình ủng hộ.

Để tìm hiểu kỹ hơn, VTC News đã có buổi trao đổi với TS. Doãn Minh Tâm là chủ nhiệm của đề tài “Nghiên cứu cơ sở khoa học để xây dựng quy định về phân làn ô tô, xe máy.”

Trước nhiều ý kiến cho rằng, việc đưa các kỹ sư ra điều khiển giao thông của viện và đã đạt được thành công thể hiện sự “lỗi thời” về phương pháp điều hành giao thông của CSGT, ông Tâm nói: “Việc chúng tôi đưa kỹ sư ra điều hành giao thông không phải để làm thay nhiệm vụ của CSGT. Chúng tôi cũng chưa có ý kiến gì về phương pháp của họ. Đợt thí nghiệm này chỉ kéo dài một tuần, để chứng minh luận điểm khoa học, sau đó bàn giao lại cho phường sở tại để tiếp tục xin thí nghiệm ở các điểm ‘nóng’ khác”.

Công việc của các kỹ sư đang được nhân dân hết sức quan tâm.

Theo ông Tâm, trước khi nhận nhiệm vụ điều khiển giao thông, các kỹ sư đã được CSGT tập huấn căn bản về nghiệp vụ, nên khi làm việc rất chuyên nghiệp. “Kỹ sư chúng tôi mặc trang phục bảo hộ lao động của ngành, cầm cờ đỏ, sử dụng còi và hiệu lệnh chứ không sử dụng gậy như CSGT. Qua đây, chúng tôi muốn tạo ra một hình ảnh thân thiện, mong nhận được đồng cảm, ủng hộ của nhân dân đối với nỗ lực của chúng tôi”.

Ông Tâm cho rằng, nguyên nhân số một gây nên tình trạng quá tải, ùn tắc là do “dòng xe hỗn hợp”. Theo đó, hầu hết lái xe ô tô đều thực hiện nghiêm chỉnh Luật giao thông. Còn xe máy thì phức tạp, tỷ lệ người đi xe máy nắm luật giao thông kém, có người không học luật cũng điều khiển. Xe đạp, xe đẩy bán hàng rong… đều không học luật mà vẫn đi trên con đường ấy.

"Người đi bộ cứ thấy hở là vắt ngang qua… mặt đường hiện nay dành chung cho tất cả loại phương tiện nên tiềm ẩn ùn tắc, cản trở lẫn nhau từng giây từng phút. Và cái này bộc lộ khi lưu lượng xe tăng lên, nếu vắng xe thì không có vấn đề gì” – TS Tâm nói.


Ông Tâm cho rằng, việc bịt ngã tư thể hiện sự bất lực của cơ quan quản lý trước tình trạng ùn tắc giao thông. Ông Tâm đưa ra ba nguyên tắc để giải quyết ùn tắc: Một là, phải chấp nhận hạ tầng giao thông hiện tại, vì vấn đề “cải tạo hạ tầng cơ sở là vấn đề hàng chục năm, nhưng vấn đề bây giờ là phải giải quyết chứ không thể dậm chân tại chỗ như thế này, nên phải biết chấp nhận để khắc phục”.

Hai là, khi đưa ra giải pháp, phải có sự nghiên cứu khảo sát, nắm bắt quy luật lưu thông của dòng xe.

Ba là, phải xác định nguyên nhân chính gây ra ùn tắc, “ở đây chúng tôi xác định nguyên nhân chính là do dòng xe hỗn hợp, tự do đi lại, không ai chịu nhường ai” – TS Doãn Minh Tâm khẳng định.


Xuất phát từ nguyên tắc đó, Ông Tâm cho rằng, giải pháp tốt nhất hiện tại là phải có người điều khiển tại các nút giao thông. “CSGT điều khiển giao thông là thực hiện pháp luật, chúng tôi thực hiện trên tinh thần tự nguyện, mong tìm được sự ủng hộ của nhân dân để tình hình giao thông ở Hà Nội sớm được cải thiện. Xong đợt này, chúng tôi sẽ tổng kết, gửi văn bản báo cáo đến các cơ quan, ban ngành của Hà Nội, cho phép chúng tôi tiếp tục thí điểm tại các điểm tuyến khác nữa” – TS Doãn Minh Tâm cho hay.

Nguyễn Dũng – Lãng Hoàng
Bình luận
vtcnews.vn