Xe buýt TP.HCM đang rệu rã và bị người dân 'chối bỏ'

Thời sựThứ Bảy, 11/06/2011 09:48:00 +07:00

(VTC News) - Xe đi kêu răng rắc như là sắp “sụp”. Hành khách đứng, ngồi trên xe rất khó chịu vì cánh cửa tự động ra vào của xe mãi không chịu mở ra...

(VTC News) – Phát triển các phương tiện vận tải hành khách công cộng là một trong những giải pháp mà TP.HCM đang chú trọng để giảm nạn kẹt xe. Thế nhưng, do đầu tư thiếu đồng bộ và cơ sở hạ tầng cho giao thông còn yếu nên xe buýt đã chưa được phát triển tương xứng với mong muốn.

Xe buýt xuống cấp, rệu rã

Vào một trưa hè đầu tháng 6 nắng oi ả, chiếc xe buýt số 150 (bến xe Chợ Lớn – Tân Vạn) tấp vào trạm ở đường Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh). Nhiều hành khách đứng, ngồi trên xe cảm thấy rất khó chịu vì cánh cửa tự động ra vào của xe mãi không chịu mở ra. Loay hoay mãi, nhân viên nhà xe mới tìm cách mở được chiếc cửa này.

Sau gần 10 năm hoạt động liên tục, những chiếc xe buýt ngày nào của TP.HCM nay đã và đang có dấu hiệu xuống cấp vì không được đầu tư. Anh Trần Văn Tuấn (Q.3), một hành khách thường xuyên sử dụng xe buýt làm phương tiện đi lại than phiền: Có những xe chạy khói bay mịt mù, máy lạnh hỏng, đi giữa trưa hè nóng như lửa đốt, xe đi kêu răng rắc như là sắp “sụp” đến nơi…

Chiếc xe buýt số 150 bị trầy xước, lủng lỗ phía cuối xe, không được như mong muốn của người dân TP. 

Cũng tương tự như vậy, SV Nguyễn Trần Phương Anh (trường ĐH KHXHNV TP.HCM) là một hành khách thường dung xe buýt để đi học từ nơi ở trọ của mình nói rằng em thường xuyên gặp phải những tài xế chạy xe buýt ẩu, phóng nhanh vô tội vạ, gặp ở gà, ổ voi cũng liên tục tăng ga, làm hành khách cứ “nhảy tưng tưng tại chỗ ngồi”.

“Xe thì xả khói đen mịt mù, ghế thì cứng làm khách ngồi đau hết người. Tài xế thì chạy như không biết trời đất…” – Phương Anh phàn nàn.

Hiện nay, trên nhiều tuyến đường ở TP.HCM, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh những chiếc xe buýt trông cũ mèm, sơn tróc lấy vẩy. Nhiều xe do bị va chạm thường xuyên nên phía đuôi xe trông móp méo, vỡ đèn, máy lạnh không hoạt động, khi xe tăng tốc thì khói bay mịt mù, tỏa ra người đi phía sau.

“Càng chạy, càng lỗ”

Đó là thông tin ông Phùng Đăng Hải – Tổng GĐ Liên Hiệp HTX vận tải TP.HCM, đơn vị quản lý hầu hết các tuyến xe buýt hiện có tại TP.HCM cho biết. Theo ông Hải, hiện trên toàn địa bàn, đơn vị này hiện có khoảng 1.000 đầu xe buýt đang hoạt động, trong đó 5 tuyến với khoảng 100 xe hoạt động theo dạng không nhận trợ giá từ nhà nước.

Vị đại diện của Liên Hiệp HTX vận tải TP.HCM cũng nói rằng hầu hết các tuyến không trợ giá đều chạy lộ trình rất dái, “ngốn” một lượng nhiên liệu cực lớn, nên trong bối cảnh giá nhiên liệu chưa có xu hướng giảm như hiện nay, dù vừa mới tăng giá tăng thêm 10% nhưng hiện hầu hết các DN vận tải xe buýt đang lâm vào cảnh “càng chạy, càng lỗ”.

“Nhiên liệu, giá phụ tùng xe, lương nhân viên cũng tăng khiến chất lượng dịch vụ xe buýt không thể nào nâng cấp được, vì giá vé không được tăng tương xứng. Mỗi lần đến hạn đăng kiểm là chúng tôi lại phải vội đi “mông má” lại các xe để vượt qua cuộc sát hạch” – ông Hải cho biết.

Một chiếc xe buýt tuyến số 26 đang bị xuống cấp nghiêm trọng. 

Một ví dụ cụ thể nhất mà ông Nguyễn Tấn Tạo – GĐ Liên hiệp HTX Sài Gòn đưa ra là tuyến xe buýt Thủ Đức – Dĩ An (Bình Dương) hay Long Trường – Suối Tiên (Q.9). Ngay sau đợt tăng giá vé (chỉ mới thêm 10%) vào cuối tháng 3 vừa qua, lượng hành khách đã giảm một cách rõ rệt.

“Hiện mỗi tháng, sau khi đã trừ các chi phí, các chủ xe vẫn còn phải bù lỗ khoảng 70 triệu đồng. Rất nhiều xe vẫn phải tiếp tục hoạt động cầm chừng” – ông Tạo bộc bạch.

"Tuyến nào lượng hành khách ổn định thì còn cầm cự được, chứ tuyến nào ế khách coi như xe đó chuẩn bị nằm trùm mền vì tiền vé thu về không đủ trang trải chi phí hoạt động của tuyến xe", ông Tạo rầu rĩ.


Đại diện cho Trung tâm vận tải hành khách công cộng TP.HCM thông tin: Trong năm 2011, kinh phí ngân sách của TP.HCM duyệt để bù lỗ cho xe buýt là 835 tỷ đồng. Do giá nhiên liệu tăng quá cao, sau đó Trung tâm đã làm đề án gửi lãnh đạo TP đề nghị duyệt bổ sung 348 tỷ đồng. Thế nhưng, trên thực tế vẫn chưa đủ để tái tạo đầu tư cho xe buýt.


Chi phí để duy trì hoạt động tăng cao, thu không đủ chi, kinh phí đầu tư nâng cấp xe còn hạn chế, DN hoạt động cầm chừng, hành khách than phiền về chất lượng dịch vụ rất nhiều - Đó là lí do mà hàng loạt chiếc xe buýt tại địa bàn TP.HCM đang trở nên rệu rã, người dân đang ngày càng trở nên xa rời dần phương tiện vận tải này.


Bài, ảnh:Việt Dũng – Kiều Phong


Bình luận
vtcnews.vn