GS, KTS Nguyễn Thế Bá chia sẻ về giao thông Hà Nội

Thời sựThứ Tư, 18/08/2010 01:34:00 +07:00

(VTC News) - “Giao thông nói chung và GTĐT đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà ta gần như buông lỏng. Ta vẫn thiếu định hướng và chưa tìm ra được giải pháp".

(VTC News) - “Một số cán bộ chuyên về giao thông đô thị thì họ không phát huy được thế mạnh, mà chỉ làm theo những ý kiến của các nhà quy hoạch. Theo tôi, chiến lược phát triển giao thông đô thị của chúng ta chưa tốt và chưa dứt khoát”, Nhà giáo Nhân dân, GS.TSKH, KTS Nguyễn Thế Bá, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Thiết kế đô thị nông thôn cho biết.

Nhắc đến giao thông đô thị tại Hà Nội nhiều người tham gia giao thông đặt ra câu hỏi, vì sao giao thông không theo kịp sự phát triển của kinh tế xã hội? Chính điều này đã làm ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế của thủ đô Hà Nội. Vậy đâu là giải pháp để “giải cứu” giao thông đô thị nội đô? Để hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với Nhà giáo Nhân dân, GS.TSKH, KTS Nguyễn Thế Bá, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Thiết kế đô thị nông thôn.

 

- Với cương vị là một nhà quy hoach, quản lý giao thông vận tải, xin ông cho biết cảm nghĩ về hệ thống giao thông hiện nay của Hà Nội?

 

Giao thông nói chung và giao thông đô thị đang là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng mà ta gần như buông lỏng. Ta vẫn thiếu định hướng và chưa tìm ra được giải pháp thực tế. Thời kỳ những năm 60, 70 ở thế kỷ trước, sự phát triển đô thị ở ta chưa diễn ra mạnh mẽ nên ta chưa thấy rõ những vấn đề về giao thông.

 

Bức xúc về giao thông lúc ấy chủ yếu xoay quanh phương tiện giao thông cá nhân là xe đạp. Trong quy hoạch, chúng tôi phải giải quyết vấn đề giữa phương tiện giao thông cá nhân là xe đạp và giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện… nhưng ngày đó rất ít.  Sau khi đất nước thống nhất, chúng ta chứng kiến giai đoạn giao thông phát triển ồ ạt, và đặc biệt là giao thông cá nhân mà ở đây tôi muốn nói là xe máy. Ta đã có dự kiến giảm bớt lượng xe máy và thậm chí có thời kỳ cương quyết không cho loại phương tiện này phát triển nhưng sau đó ta lại bỏ mà theo tôi thì vì mục đích kinh tế nhiều hơn. Chính hiện tượng ấy vẫn còn tồn tại đến ngày nay mà chúng ta vẫn chưa có một lời giải đầy đủ cho bài toán.

 

Giao thông đô thị là bộ xương sống của đô thị ấy, còn những phương tiện giao thông như những mạch máu đưa những người dân từ địa điểm này tới địa điểm khác. Những cái đó mà hỗn loạn thì không thể có một đô thị tốt và chúng ta đang nằm trong tình trạng ấy. Có một điều chúng ta làm tốt là giữ được mạng lưới ô tô buýt, cho dù nó không phát triển tốt.

 

Một số cán bộ chuyên về giao thông đô thị thì họ không phát huy được thế mạnh, mà chỉ làm theo những ý kiến của các nhà quy hoạch. Theo tôi, chiến lược phát triển giao thông đô thị của chúng ta chưa tốt và chưa dứt khoát!


 Nhà giáo Nhân dân, GS.TSKH, KTS Nguyễn Thế Bá, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Thiết kế đô thị nông thôn. Ảnh:TS

 

- Theo như ông thì vấn đề này thuộc về tầm nhìn của lãnh đạo ngành giao thông hay nhà quản lý đô thị?

 

Thực chất không phải lãnh đạo nào cũng hiểu về giao thông, nhưng giao thông là vấn đề không phải quá khó hiểu. Đôi chân của chúng ta đi nên nếu đi bộ thì ta hiểu nó như thế nào, đi xem đạp thế nào, xe máy thế nào, đi ô tô buýt hay đi tàu điện thì như thế nào? Các đồng chí lãnh đạo không thể không hiểu mà nếu có không hiểu thì ít ra chỉ cần đi 1 tháng trong thành phố là ai cũng có thể hiểu. Theo tôi, chỉ có điều là chúng ta chưa đặt vấn đề này một cách thực sự nghiêm túc, chúng ta không giải quyết những vấn đề giao thông đô thị một cách kiên quyết và cụ thể. Hệ thống giao thông đi theo phương tiện.

 

Nếu xe máy là một đường đi bộ bình thường nhưng nó cũng phải có tuyến của nó. Ô tô cá nhân lại khác hay xe đạp lại khác. Các nước khác họ có sự phân biệt rất rõ. Ví dụ: Hà Lan họ đi xe đạp, ô tô buýt hay xe điện. Như vậy, chúng ta phải ấn định phương tiện nào là thích hợp nhất. Theo tôi phương tiện giao thông cá nhân không phải là hay đối với giao thông đô thị, nhất là khi mật độ dân đông. Bởi vậy, phương tiện giao thông tập thể bao giờ cũng phải chiếm một tỉ lệ cao hơn thì ta mới giải phóng được vấn đề đường sá, cũng như quan hệ giữa nơi này với nơi khác.

 

- Chúng ta đang có chủ trương xây hệ thống tàu điện trên cao cũng như tàu điện ngầm. Theo ông đó có phải là giải pháp giải quyết tình trạng giao thông hiện nay của Hà Nội không?

 

Tất cả những phương tiện giao thông hiện nay ở đô thị, mà đặc biệt như hệ thống tàu điện thì các nước khác cũng đã sử dụng và điều đó cũng không hề mới mẻ. Vấn đề là chúng ta đưa vào ứng dụng như thế nào cho thích hợp với từng loại hình đô thị và đối với từng nước một. Như ở Việt Nam cũng cần phải xem xét. Hệ thống metro có thể là tiện thật nhưng tổ chức đô thị phải rất chặt chẽ, bởi các điểm ga của nó là xa nhau, vấn đề kỹ thuật hay vấn đề xây dựng cũng rất tốn kém và mất nhiều thời gian, vấn đề kiểm tra kỹ thuật cũng khó khăn.

 

Giao thông đô thị của Hà Nội càng lộ rõ vấn đề khi trời mưa. Ảnh: TS 


Vấn đề xây dựng tàu điện ngầm hay trên cao, tôi rất hoan nghênh vì từ trước tới giờ đó không phải là phương tiện mới, nhưng người ta thường giải quyết trong những đoạn đường ngắn. Qua những bức xúc về vấn đề giao thông, tôi thấy việc làm hệ thống tàu điện giao thông chính là một bước đột phá mà chúng ta thực hiện là tốt. Khí hậu chúng ta cũng thích hợp và phương tiện giao thông này có độ tiện lợi cao. Đây là một giải quyết hợp lý cho vấn đề giao thông đô thị Việt Nam. 


- Có ý kiến cho rằng, vì thiếu kinh phí mà Hà Nội không thể xây dựng được hệ thống giao thông như tàu điện ngầm hay tàu điện trên cao. Sau vài năm nữa cứ với tình trạng này thì giao thông sẽ tiếp tục ách tắc. Theo đánh giá của ông thì phải chăng do thành phố Hà Nội chưa quan tâm hay là do thiếu kinh phí?

 

Theo tôi, bất kỳ một đô thị nào đã xây dựng là rất tốn kém. Nhưng các kinh phí để xây dựng đô thị như kinh phí hạ tầng là rất cao, trong đó có giao thông và khi chúng ta lập quy hoạch thì không thể không nói tới điều đó.

 

Đã là một đô thị có quy hoạch thì không thể nói là vì không có kinh phí nên chúng ta không làm. Vì nhu cầu của cuộc sống, nhu cầu sản xuất và nhu cầu phát triển đô thị, nên chúng ta phải giải quyết được tất cả mọi vấn đề từ việc làm, đời sống sinh hoạt… Vì vậy, không nên đổ lỗi cho kinh phí mà cũng không nên đổ lỗi cho khó khăn này khó khăn nọ. Vấn đề là trí tuệ chúng ta nghĩ chưa cao và chưa theo kịp phát triển chung của xã hội hay nhu cầu phát triển của đô thị.

 

- Thưa ông. Ông nghĩ sao nếu Hà Nội tiến hành xã hội hóa nguồn kinh phí xây hệ thống tàu điện trên cao và tàu điện ngầm bằng việc doanh nghiệp bỏ vốn, Hà Nội bỏ đất nhằm giảm tải ngân sách nhà nước?

 

Tôi cho điều này là quá tốt! Hiện nay, Nhà nước ta đang thực hiện những việc tương tự. Có những doanh nghiệp có kinh phí thì ta nên cho họ đầu tư để phát triển. Chúng ta nên hoan nghênh việc này và phải mạnh dạn thực hiện những ý tưởng mới.

 

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Kiên Cường

Bình luận
vtcnews.vn