VTC khám phá để chinh phục

Tổng hợpThứ Bảy, 05/02/2011 01:25:00 +07:00

(VTC News) - Cùng với việc nâng cao chất lượng và đưa ra giá thành sản phẩm - dịch vụ hợp lý, VTC luôn tạo cho khách hàng cảm giác cần phải được khám phá...

(VTC News) - Cùng với việc nâng cao chất lượng và đưa ra giá thành sản phẩm - dịch vụ hợp lý, VTC luôn tạo cho khách hàng cảm giác cần phải được khám phá và sở hữu những sản phẩm, dịch vụ mới, hiện đại bậc nhất thế giới.

Đó là chia sẻ của TS. Lê Văn Khương - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Truyền thông Đa phương tiện VTC, trực tiếp phụ trách Khối Dịch vụ Truyền hình VTC nhân dịp Xuân mới về hướng đi chiến lược của Khối để tiếp tục khẳng định vị trí và thương hiệu trong thời điểm thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt hiện nay.


Tăng chất lượng, nâng cao hậu mãi

- Thưa ông, có thể nói trong thị trường truyền hình đang cạnh tranh sôi động hiện nay, VTC vẫn là nhà cung cấp dịch vụ khẳng định được thương hiệu. Thành công này của VTC là nhờ những yếu tố nào?

- Thị trường dịch vụ truyền hình hiện nay đang có sự cạnh tranh hết sức gay gắt và các doanh nghiệp phải biết sử dụng các thủ thuật kinh doanh. Nhưng với VTC, các tiêu chí và cũng là thủ thuật hàng đầu chính là chất lượng của sản phẩm dịch vụ, liền đó là giá thành, bởi giá thành sản phẩm hợp lý thì mới có thể được khách hàng ưa chuộng.

Một yếu tố nữa rất quan trọng: Chính sách chăm sóc khách hàng và hậu mãi, kèm theo đó là những chương trình khuyến mại, bảo hành, bảo trì. Thực tế là một hàng hoá, tốt, rẻ nhưng sẽ không thể tồn lại bền vững trên thị trường nếu sau khi mua về, có xảy ra hỏng hóc mà khách hàng không biết kêu ai.

Riêng về lĩnh vực truyền hình, trong thị trường này có nhiều đối thủ, nhưng mỗi nhà cung cấp dịch vụ đều có chiến lược riêng. VTC quan tâm đầu tiên là chất lượng của sản phẩm. Với chiến lược đó, chúng tôi luôn tâm niệm phải "đi tắt đón đầu".


Thời gian qua, khi các nhà cung cấp dịch vụ khác làm truyền hình analog thì chúng tôi làm truyền hình số với mong muốn cung cấp cho khán giả nhiều kênh truyền hình hơn, có những dịch vụ khác tốt hơn.Tiếp đó, chúng tôi nghiên cứu triển khai HD để nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh. Và đến nay, khi 1 số đơn vị khác bắt đầu cung cấp truyền hình HD thì chúng tôi triển khai truyền hình 3 chiều (3DTV).

Chính những điều đó đã tạo cho khách hàng cảm giác cần phải được khám phá. Đó cũng là yêu cầu đối với bất cứ loại hình dịch vụ nào. Điều này đồng thời đáp ứng được đặc tính của người tiêu dùng, luôn muốn sở hữu những sản phẩm, dịch vụ mới.

- Cùng với việc nâng cao công nghệ, VTC tự đánh giá đâu là điểm nhấn khác biệt về nội dung để thu hút khán giả, thưa ông?

- Còn vấn đề rất quan trọng nữa là chất lượng nội dung. Có thể nói một trong những thành công của VTC là chất lượng nội dung các kênh truyền hình. Chúng tôi có những kênh truyền hình chuyên biệt phục vụ mọi đối tượng, như kênh thể thao, kênh phim truyện, kênh ca nhạc, kênh thiếu nhi và gần đây là kênh chuyên về phòng chống thảm họa, thiên tai (VTC14), kênh dành riêng cho nông dân (VTC16).

Chúng tôi đánh giá đó chính là yếu tố tạo sự khác biệt đối với các hệ thống truyền hình khác, nó phá vỡ suy nghĩ ăn sâu vào nhiều khán giả VN khi cho rằng truyền hình trả tiền đơn thuần là phát các kênh truyền hình quốc tế, thì chúng tôi có nhiều kênh dành cho các lớp khán giả riêng.

Về chất lượng nội dung, chúng tôi luôn đi tìm kiếm những chương trình đặc biệt, hấp dẫn, như thể thao, sự kiện về văn hoá giải trí,… để phục vụ khán giả, tạo nên sức hấp dẫn riêng cho các kênh truyền hình của VTC.

Với các kênh truyền hình quốc tế, chúng tôi đầu tư rất lớn cho việc mua bản quyền, phục vụ cho hệ thống truyền hình trả tiền để cung cấp cho khán giả. Thời gian vừa qua, chúng tôi đã phát sóng những kênh truyền hình rất hấp dẫn như HBO HD, ESPN HD, Discovery HD,… và đã nhận được hưởng ứng ích cực của các khán giả.

- Thành công rất nhiều, nhưng có điểm nào truyền hình VTC chưa làm được và nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

- Thẳng thắn mà nói thì khán giả luôn có rất nhiều nguyện vọng, như muốn được xem nhiều kênh truyền hình hơn, với chất lượng cao hơn, xem nhiều sự kiện hay hơn nữa,… Tuy nhiên, triển khai thực tế, chúng tôi vấp phải một số những hạn chế cả về chủ quan lẫn khách quan. Trong đó, phải kể tới sự đầu tư, thủ tục đầu tư và chính sách đầu tư chưa theo kịp nhu cầu phát triển, vì VTC là DN nhà nước nên không thể vượt qua khuôn khổ của quy định của Nhà nước được.

Bên cạnh đó còn phải kể tới sự chưa vào cuộc thực sự của cơ quan quản lý trong 1 số vấn đề thuộc về cạnh tranh, để sự cạnh tranh không lành mạnh có cơ hội phát tác. Thực tế, có sự độc quyền trong sự phân phối 1 số nội dung chương trình truyền hình ở VN mà Nhà nước không kiểm soát, dẫn đến những việc 1 nhà cung cấp dịch vụ độc quyền phân phối sản phẩm mặc dù anh ta không có phương tiện để phân phối sản phẩm đó. Việc cạnh tranh, độc quyền này rõ ràng có vấn đề. Và đó chính là kẽ hở trong pháp lý, sự bất cập trong quản lý nhà nước đối với ngành nghề mới là truyền hình trả tiền.

Tôi hi vọng năm 2011, sau khi các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ truyền hình trả tiền ở VN chính thức ban hành sẽ tháo gỡ được những vướng mắc của các doanh nghiệp, bởi đó không chỉ là mong mỏi của riêng VTC mà của chung các nhà khai thác dịch vụ ở VN và hơn nữa là đảm bảo quyền lợi cho người xem.

Vì sao dịch vụ truyền hình khó giảm giá?

- Thời gian vừa qua, VTC đưa ra 1 loạt các gói kênh mới, với tổng số kênh lên tới con số gần 100, kèm theo nhiều chương trình khuyến mãi. VTC đề cao khả năng chi trả của khán giả?

- Chúng tôi đã chủ động chia thành nhiều gói kênh khác nhau để phù hợp với đa số tầng lớp khán giả. Nếu không muốn trả thuê bao hàng tháng, khán giả có thể sử dụng đầu thu mặt đất với 28 kênh, chỉ đòi hỏi đầu tư 1 lần ban đầu.

Các khán giả khá hơn có thể đầu tư mua gói SD cơ bản của VTC với giá là 60 ngàn đồng/tháng hoặc hơn nữa là cả hai gói SD với 70 kênh. Nếu gia đình có tivi hỗ trợ HD, có thể lựa chọn trong số các gói dịch vụ HD, đặc biệt, có gói cung cấp lên tới gần 100 kênh trong đó có 4 kênh HD VIP rất hấp dẫn.

Như vậy, tuỳ theo nhu cầu và khả năng của khán giả, chúng tôi đều sẵn sàng cung cấp được dịch vụ. Tôi cho rằng sự linh hoạt đó góp phần làm nên sự thành công của VTC, thu hút được khán giả và cạnh tranh với các đối thủ khác.

VTC luôn quan niệm cần phải cạnh tranh theo hướng cung cấp các dịch vụ, sản phẩm tốt nhất, làm tốt nhất trong khả năng của mình, thay vì có những hành động cạnh tranh không đẹp nhằm hạ uy tín đối thủ. Và đó cũng là 1 trong những yếu tố góp phần vào sự phát triển bền vững của VTC.

- Nhiều khán giả thắc mắc lý do nào khiến giá cung cấp các chương trình truyền hình hầu như không giảm, thưa ông?

- So với mặt bằng của thị trường hiện nay, giá cả dịch vụ của VTC không cao, mà ngược lại, rất phù hợp với khán giả. Thực tế là chúng tôi luôn phải chịu sự cân bằng giữa đầu vào và đầu ra của sản phẩm. VTC phải bỏ ra nhiều triệu đôla để mua bản quyền giải Ngoại hạng Anh, nhưng khán giả VN không chấp nhận mua dịch vụ ở giá tương đương mà chúng tôi phân phối.


Ngay như ở Thái Lan, khi muốn xem giải Ngoại hạng Anh, khán giả phải bỏ ra 100 USD/năm. Các nước khác cũng vậy, chi phí thuê bao có thể lên tới 30 – 40 USD/tháng.

Hầu hết khán giả lại không sẵn sàng bỏ ra số tiền đó nhưng vẫn đòi hỏi được sử dụng dịch vụ. Điều đó làm nên sự mất cân bằng, khi chúng tôi đi mua sản phẩm ở nước ngoài với giá tương đương trong khu vực, nhưng khi phân phối dịch vụ này, chúng tôi lại không được bán với giá tương đương.

- Khán giả thắc mắc như vậy là bởi hầu như giá các dịch vụ khác có xu hướng giảm?

- Hiện nay, phần nhiều các sản phẩm truyền hình cung cấp cho khán giả đều từ nguồn nhập khẩu. Và các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền đang đi mua sỉ, rồi bán lẻ dịch vụ. Khi mua, chúng tôi mua bằng đồng đôla và giá mua này thay đổi rất nhiều theo thị trường.

Ngược lại, trong nước, chúng tôi chỉ cần nhích giá lên thì người dân lập tức phản đối, bởi cho rằng mặt bằng chúng với các dịch vụ khác viễn thông, như điện thoại,… đều đang giảm giá. Nhưng thực tế, giá xăng dầu, vàng, sữa, thuốc tây,… liên tục tăng theo giá đôla, dịch vụ truyền hình cũng trong cơn lốc đó nhưng lại phải khoanh tay trụ giá. Đây là bài toán đau đầu các nhà cung cấp dịch vụ, làm mất đi sự cân bằng giữa đầu vào và đầu ra của sản phẩm.

Khán giả thắc mắc vì sao chúng tôi không giảm giá dịch vụ, nhưng họ chưa hiểu rõ rằng khi chúng tôi giữ nguyên giá bán đã là giảm giá dịch vụ rồi, bởi nếu quy đổi theo tỷ giá đôla thì giá dịch vụ phải tăng gấp 1,4 – 1,5 lần so với cách đây 2 năm. Không những thế, chúng tôi còn kèm theo các dịch vụ khuyến mãi liên tục, dành nhiều ưu đãi cho khách hàng.

Chỉ mong cạnh tranh bình đẳng

- Hoạt động trong thị trường cạnh tranh ngày càng gay gắt, và các doanh nghiệp ngoài Nhà nước ra đời nhiều hơn. Ông có cho rằng dịch vụ truyền hình của VTC sẽ gặp khó khi luôn phải tuân theo các quy chuẩn của DN nhà nước?

- Hiện nay có những mô hình mang hình thái truyền hình tư nhân, nhưng ở pháp luật VN lại chưa có chế tài liên quan.

Đáng lẽ, khi đưa ra sản phẩm phục vụ người dân, DN phải đặt yếu tố người dân và phổ cập dịch vụ lên hàng đầu, nhưng ngược lại, họ đưa ra quy định không có tiền lệ ở VN, như tăng giá dịch vụ lên cao để ép NTD phải trả giá cao, tạo cơ chế độc quyền,… Không chỉ riêng VTC, mà nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ truyền hình trả tiền khác đều chờ đợi Chính phủ sớm ban hành quy định về kinh doanh truyền hình trả tiền mới trong năm 2011. Khi đó, các DN sẽ được cạnh tranh bình đẳng và quyền lợi của người dân sẽ được nâng cao hơn.

Ở bất cứ ngành nghề kinh doanh nào, không chỉ riêng ngành phát thanh - truyền hình, đều cần vai trò quản lý, điều tiết của Nhà nước. Tuy nhiên, đặc thù hơn, với các cơ quan báo chí, đảm nhiệm trọng trách tuyên truyền, lại càng không thể không có sự can thiệp của cơ quan quản lý nhà nước.

Tôi nghĩ càng phải làm ngay, làm nhanh. Bởi sự cạnh tranh không bình đẳng sẽ giúp sức cho truyền hình tư nhân và truyền hình có yếu tố nước ngoài rất có lợi thế, bởi trong cùng thị trường, đơn vị này phải tuân thủ theo những hành lang pháp lý rất cụ thể, chặt chẽ, bài bản của Nhà nước. Ngược lại, các công ty tư nhân và công ty nước ngoài lại có chính sách rất linh động. Vì thế, họ nhanh hơn, chủ động hơn và có những chiêu bài kinh doanh mà các DN nhà nước như chúng tôi không làm được, tạo nên sự thiệt thòi đối với DN nhà nước khi tham gia thị trường này.

- Trong năm 2011, VTC gấp rút hoàn thiện hồ sơ để trở thành Tập đoàn. Là 1 trong 3 khối trụ cột của VTC, ông có thể tiết lộ Khối Dịch vụ Truyền hình đặt mục tiêu phát triển như thế nào?

- Trong hoạt động của VTC, Khối Dịch vụ Truyền hình có 2 sự đóng góp. Chúng tôi tham gia trực tiếp vào lĩnh vực kinh doanh của VTC, mang lại hiệu quả về doanh số, lợi nhuận và công ăn việc làm cho CBNV,… Ngoài ra, chúng tôi còn là công cụ truyền thông hữu hiệu cho những dịch vụ của VTC và góp phần tạo thương hiệu của VTC.

Do đó, tôi cho rằng không thể đánh giá và định hướng lĩnh vực truyền hình của VTC giống như 1 ngành nghề kinh doanh, mà cần nhìn nhận nó ở góc độ khác, vừa mang lại hiệu quả kinh doanh và cũng hỗ trợ các lĩnh vực khác trong tổng thể Tổng Công ty VTC, mà sau này là tập đoàn VTC trong việc nâng cao thương hiệu cũng như phổ cập quảng bá cho các dịch vụ khác. Mục tiêu của chúng tôi là phát triển bền vững cả ba yếu tố trong lĩnh vực truyền hình: thiết bị và giải pháp truyền hình, nội dung truyền hình và dịch vụ truyền hình.

Tôi cũng cho rằng đây là mô hình rất hợp lý, vì nếu chúng ta độc lập tác chiến từng lĩnh vực thì không thể cộng hưởng được sức mạnh. Vì thế, dù khi lên Tập đoàn, các đơn vị được chủ động, nhưng luôn theo hướng hợp lực, cộng tác, có sự bổ trợ lẫn nhau giữa các lĩnh vực hoạt động của VTC.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ly, Ảnh: Hồ Quang

Bình luận
vtcnews.vn