Hành trình 30 năm Hải đội tàu ngầm đầu tiên VN

Thế giớiThứ Năm, 14/11/2013 02:38:00 +07:00

Trong suốt 30 năm qua, những con người của Hải đội 182 đều cho rằng đó là những năm tháng không thể nào quên.

Trong suốt 30 năm qua, những con người của Hải đội 182 đều cho rằng đó là những năm tháng không thể nào quên.

Năm 1985, đội ngũ thủy thủ khung tàu thứ hai cũng lên đường sang Riga. Tháng 6/1986, từ Riga trở về, đơn vị đóng quân tại căn cứ Cam Ranh (Khánh Hòa). Đến năm 1987, Hải đội ngừng hoạt động. Sự tồn tại ngắn ngủi của Hải đội 182 khiến những câu chuyện về kíp sĩ quan và thủy thủ tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam dường như đã rơi vào quên lãng. Nhưng Hải đội 182 ghi dấu ấn của mình ở vị trí mở đầu cho lịch sử tàu ngầm Việt Nam. Trong suốt 30 năm qua, những con người của Hải đội 182 đều cho rằng đó là những năm tháng không thể nào quên.
Tầm nhìn chiến lược
Trong ký ức của những thành viên Hải đội 182, sự ra đời của Hải đội gắn liền với Tư lệnh Hải quân Giáp Văn Cương. 
Tất cả vẫn nhớ mãi hình ảnh vị Đô đốc Tư lệnh trong ngày tiễn đoàn thủy thủ sang Riga năm 1984, ông nói: “Nếu chúng ta không có vũ khí đủ mạnh, chúng ta sẽ không thể bảo vệ được vùng biển Tổ quốc”. 
Tư lệnh Giáp Văn Cương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đưa kíp thủy thủ đi đào tạo 

Nghĩ đến tàu ngầm từ thời điểm nước nhà còn rất khó khăn, đó là tầm nhìn xa của vị Tư lệnh đầu tiên Hải quân Nhân dân Việt Nam Giáp Văn Cương. Với quan điểm Hải quân Việt Nam không thể thiếu các binh chủng không quân, tàu mặt nước và tàu ngầm, Tư lệnh Giáp Văn Cương đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đưa kíp thủy thủ đi đào tạo. Khi chưa có tàu ngầm trong tay, ông Cương đã tính đến việc cần thiết phải sớm phát triển một binh chủng tàu ngầm trong hải quân.  
Thuyền trưởng Phạm Tân vẫn nhớ câu nói rất giản dị, gần gũi nhưng đầy quyết tâm của Tư lệnh: “Anh Tân, anh Khuê (Trung tướng Trần Quang Khuê, Nguyên Hải đội trưởng Hải đội 182, Phó Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam hiện nay), từ giờ anh nào nói Việt Nam không cần tàu ngầm là tôi cắt lưỡi!”. Việc đưa những gương mặt xuất sắc sang huấn luyện tại Liên Xô ngay cả khi Việt Nam chưa hề xây dựng được cơ sở hạ tầng cho tàu ngầm cũng là một bước chuẩn bị đầy táo bạo thời ấy. 
Trong nhiều lần đến thăm Hải đội, Đô đốc, Tư lệnh Giáp Văn Cương đặc biệt quan tâm lực lượng tàu ngầm. Ông Nguyễn Thiện Toản, Hải đội phó Chính trị, dùng từ “tha thiết” khi nhắc đến tình cảm Tư lệnh Giáp Văn Cương dành cho 182. “Hải đội mới xây dựng, ngoài lực lượng là những người được tuyển chọn tốt, còn lại hầu như không có gì. Nhưng Tư lệnh Giáp Văn Cương đã đến thăm chúng tôi ba lần, khi tập luyện ở Bãi Cháy, trước ngày sang Riga và khi chúng tôi đang học tại Riga”, thuyền trưởng, đại tá Phạm Tân kể. 
Thuyền phó số 1, Đại tá Đinh Hải Huy nói trong suốt thời gian tồn tại của Hải đội, sự kiện ông nhớ nhất là vào năm 1985, Tư lệnh Giáp Văn Cương đến Riga thăm các thủy thủ. “Tư lệnh căn dặn chúng tôi phải tranh thủ thời cơ học tập để làm chủ con tàu, làm tiền đề phát triển lực lượng hải quân nói chung và binh chủng tàu ngầm nói riêng sau này”. 
Thuyền phó số 2 Trần Văn Thịnh kể lại trong ngày ấy, Tư lệnh xuống bãi tàu nơi neo con tàu 613 mà thủy thủ đoàn đang theo học. Trên bãi lúc đó còn có những con tàu 641 và nhiều loại khác hiện đại, thuộc thế hệ mới hơn. 
Ông Cương nói: “Bây giờ các đồng chí phải học và phải vận hành tốt 613, nhưng tương lai là phải nghĩ tới sử dụng cái kia (chỉ những con tàu hiện đại)”. Ông Tân kể, chính Tư lệnh là người có tiếng nói quyết định để ông làm thuyền trưởng tàu ngầm, sang Riga đào tạo với lý do đơn giản: “Tôi không đào tạo thuyền trưởng được”.
Bài học từ hải đội 182
Được tuyển chọn kỹ lưỡng, được đào tạo bài bản, được đánh giá cao, lại chưa thể xuống tàu trên Biển Đông, chưa được sử dụng các kiến thức đã học để bảo vệ vùng biển Tổ quốc vào những năm cuối thập kỷ 80, đó là nỗi tiếc nuối, day dứt lớn nhất của những người lính Hải đội 182. Nhưng Hải đội 182 đã đặt những viên gạch đầu tiên trong quá trình xây dựng lực lượng đặc biệt số 1 của Hải quân Việt Nam. Trong ngày kỷ niệm 30 năm thành lập Hải đội (1-6-2012), Thuyền trưởng tàu số 1, Đại tá Phạm Tân khẳng định: “Lịch sử vẫn phải có như vậy. Chúng ta không có gì hối tiếc”.
Những thủy thủ tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô (cũ) 

Nói về vai trò của Hải đội 182, tại lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hải đội 182, Trung tướng Trần Quang Khuê chỉ rõ: “Tuy thời gian tồn tại không nhiều nhưng có thể nói đã Hải đội 182 để lại những ấn tượng sâu sắc. Việc tổ chức Khung tàu ngầm 182 đi học, tuy chưa được xuống tàu nhưng đã tích lũy những kinh nghiệm quý báu để sau này chúng ta xây dựng lực lượng tàu ngầm”.
Như Đại tá Trần Văn Thịnh nói: “Công tác tuyển chọn, đào tạo nhân lực cho tàu ngầm khi đó là mẫu mực”, việc tuyển chọn, đào tạo sĩ quan, chiến sĩ tàu ngầm hiện nay cũng kế thừa nhiều yếu tố từ những kinh nghiệm trước đây. Và có một điều mà tất cả kíp tàu đầu tiên vẫn nhắc đến, đó là khi nhận lệnh, sĩ quan, chiến sĩ Hải đội 182 đều lên đường mà không hề đòi hỏi hay thắc mắc điều gì. “Khi đó chúng tôi chưa có chính sách gì cả, nhận lệnh là đi”, Đại tá Đinh Hải Huy nói. Ngoại trừ chế độ ăn uống được ưu tiên, không ai trong số những người lính tàu ngầm ngày ấy có một chế độ đặc biệt nào khác. 
Ngày sang Riga, ông Vũ Hồng Hảo, ông Phạm Hồng Sâm mới chỉ là những chiến sĩ 20 tuổi, chưa có gia đình, tiền lương gửi lại đơn vị. Các ông trở về đúng lúc đổi tiền, số tiền giữ trong gần hai năm chỉ còn lại một phần ba. Nhưng lúc ấy, hành trang ông Hảo, ông Sâm mang về là rất nhiều sách vở, bản vẽ tích cóp từ những lần vào thư viện mật. 
Những thủy thủ tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam 

Lúc ở sân bay, hành lý quá cước, ông Hảo bỏ lại cả đường trắng - thứ rất quý thời đó, quần áo, cả mấy quyển nhật ký với bao nhiêu nhớ nhung dành cho người yêu, để giữ lại những quyển sổ ghi chép. “Tôi cứ nghĩ sau này sẽ có thể dùng đến”, ông Hảo đầy tiếc nuối. 
“Chúng tôi học vì nhiệm vụ với đất nước, và được truyền dạy tất cả kinh nghiệm, kiến thức, từ những người thầy Liên Xô khi đó coi chúng tôi là đồng chí thật sự”, ông Lưu Phương Bình, Ngành trưởng ngành 3 radar nói. Trở về từ Riga, ông Bình mang theo một bộ cờ vua do các sĩ quan Liên Xô tặng, đề dòng chữ nắn nót: “Kính tặng các sĩ quan tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam, để kỷ niệm những ngày tháng phục vụ cùng nhau. Các sĩ quan tàu ngầm Xô-viết. 22/12/1985”. 
Có rất nhiều bài học, mà sau hơn 30 năm, kíp thủy thủ vẫn thuộc nằm lòng, thậm chí nhắm mắt lại họ đều có thể hình dung ra vị trí máy móc bố trí trên tàu. Sự cống hiến vô tư, không tính toán, không đòi hỏi đã không chỉ làm nên một kíp tàu được đánh giá cao, mà còn là bài học cho những thế hệ tàu ngầm sau này. “Xây dựng đào tạo lực lượng quan trọng là con người. Phải là những người biết cống hiến cho sự nghiệp chung một cách vô tư, người ta mới có thể tiếp thu tốt nhất”, Đại tá Đinh Hải Huy nhận định.
Ông Đinh Hải Huy, từ vị trí Thuyền phó số 1 của kíp tàu đầu tiên Hải đội 182, trở thành Trung đoàn trưởng đầu tiên Trung đoàn tàu ngầm 196. Ông nói, những gì học được từ những năm tháng huấn luyện là vốn quý để ông tiếp tục trong công việc, “Nhận nhiệm vụ mới tôi không bỡ ngỡ, vì trước đó, mình đã được đào tạo rồi”.
 Năm 2001, ông Huy tiếp tục tham gia giảng dạy và sau này là Trưởng bộ môn Chiến thuật tàu ngầm - Khoa Chiến dịch chiến thuật thuộc Học viện Hải quân. 
Ông Huy cũng tham gia biên soạn cho giáo trình Chiến thuật tàu ngầm hiện đang sử dụng tại Học viện. “Gen” tàu ngầm của ông Huy còn truyền cả sang thế hệ sau, người con thứ ba của ông Huy, cũng đang công tác tại Lữ đoàn tàu ngầm hiện nay. 
Đại tá Lê Mạnh Hùng, Thuyền trưởng kíp tàu số 2 sang Trung tâm huấn luyện Riga, giờ là Giám đốc trung tâm huấn luyện tuyển chọn sĩ quan tàu ngầm. Đại tá Phạm Tân, đại tá Trần Văn Thịnh tham gia khảo sát, tham mưu trong việc đặt mua tàu ngầm lớp Kilo hiện tại.
Trung tướng Trần Quang Khuê nhận định: “Từ kinh nghiệm tổ chức xây dựng huấn luyện 182, chúng ta tiến đến xây dựng Lữ đoàn tàu ngầm mà chúng ta đang chuẩn bị rất khẩn trương. Từ kinh nghiệm của 182, khi xây dựng Lữ đoàn chúng ta đã tính đến khả năng đồng bộ hơn”. 
“Cùng với hoạt động mua tàu Kilo, chúng ta tổ chức các khung đi nhận, khi sang học tập tại Nga, có cả chỉ huy cơ quan Lữ đoàn, cơ quan kỹ thuật cấp trên, trung tâm huấn luyện tàu ngầm cũng đi huấn luyện ở đây”, ông Khuê cho hay. 
Hơn 30 năm cho một hành trình. Đại tá Đinh Hải Huy trầm ngâm: “Từ 682 đến 182 rồi những đơn vị về sau, chúng ta đã đi một chặng đường tương đối dài”. 
Những chiếc tàu ngầm đầu tiên chuẩn bị về Việt Nam, đối với riêng kíp thủy thủ Hải đội 182, còn có một ý nghĩa đặc biệt. Mong mỏi của tướng Giáp Văn Cương năm xưa và sự chờ đợi hơn 30 năm của kíp thủy thủ Hải đội 182 đã sắp thành hiện thực. Nói như Đại tá Huy, “đã thực hiện được nguyện vọng mong muốn của cán bộ chiến sĩ, những người xây dựng lực lượng tàu ngầm đầu tiên”. 
Trong tương lai, Việt Nam sẽ có lữ đoàn tàu ngầm hiện đại. Hình như không phải là ngẫu nhiên, chiếc tàu ngầm đầu tiên sẽ về Việt Nam - lớp Kilo, Proekt 636, mang tên Hà Nội, lại có số hiệu HQ-182. 
Và điều quan trọng hơn cả là những con tàu “chỉ để bảo vệ vùng biển của Việt Nam, gồm thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải của Việt Nam, không có mục đích sử dụng nào khác” - như Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, trong lần tham dự Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt-Trung lần thứ tư ngày 5-6 tại Bắc Kinh đã khẳng định.
(Hết)

TheoPhương Mai/ Thời nay
Bình luận
vtcnews.vn