Cựu đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam nói gì về Biển Đông?

Thế giớiChủ Nhật, 29/07/2012 06:00:00 +07:00

(VTC News) - Cựu đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam, ông Tề Kiến Quốc nói, Việt Nam được Mỹ ủng hộ về Biển Đông, nhưng cũng sẽ không bị Mỹ 'giật dây'.

(VTC News) - Cựu đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam, ông Tề Kiến Quốc nói, Việt Nam được Mỹ ủng hộ về Biển Đông, nhưng cũng sẽ không bị Mỹ 'giật dây'.

>> TRUNG QUỐC LEO THANG GÂY HẤN TRÊN BIỂN ĐÔNG

Cựu đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, ông Tề Kiến Quốc 
Ông Tề Kiến Quốc từng là Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam từ năm 2000 đến năm 2005. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ, ông Tề về nước và giữ chức Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu châu Á ở nước này.

Hôm 26/7, ông Tề trả lời phỏng vấn tờ Hoàn Cầu thời báo, sau hàng loạt những động thái gây hấn của Trung Quốc ở Biển Đông.

VTC News xin trích lược giới thiệu bài phỏng vấn này.

- Sau khi Mỹ và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mối liên kết giữa hai nước ngày càng tăng lên. Theo ông, yếu tố nào dẫn đến điều này?

Việt Nam và Mỹ chính thức bình thường hóa quan hệ năm 1995, tới nay đã là 17 năm. Khách quan mà nói, phải mất một thời gian ngắn để hai nước có mối quan hệ nồng ấm như hiện nay. Tôi xin lấy ví dụ về hai mặt kinh tế và chính trị.

Về mặt kinh tế, Mỹ gỡ bỏ cấm vận Việt Nam năm 1994, nhưng đến tận năm 2000, hai nước mới ký hiệp định thương mại.

Về chính trị, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới Việt Nam cũng trong năm 2000 với kỳ vọng nâng tầm hợp tác giữa hai quốc gia. Đây cũng là năm tôi tới Việt Nam trong vai trò Đại sứ Trung Quốc ở đây.


Tuy nhiên, ông Bill Clinton khi tới Việt Nam đã nói rất nhiều về dân chủ, dân quyền và không được phía Việt Nam chia sẻ quan điểm.

Những điều này cho thấy, quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam từ năm 1995 tới năm 2000 diễn ra khá lạnh nhạt.

Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong chuyến thăm Việt Nam năm 2000 

Năm năm sau, hai bên kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Thủ tướng Phan Văn Khải tới thăm Mỹ. Đây là lần đầu tiên sau khi kết thúc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, một nhà lãnh đạo Việt Nam tới Mỹ.

Tôi cho rằng, đây mới thực sự là dấu hiệu cho thấy hai nước chính thức bình thường hóa quan hệ.


Một năm sau đó, Tổng thống Mỹ Bush tới Việt Nam trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao APEC ở Hà Nội, xác nhận việc Mỹ bình thường hóa thương mại vĩnh viễn với Việt Nam. Từ đó về sau, mối quan hệ Việt – Mỹ ngày càng nồng ấm rõ rệt.


Việt Nam có vị thế địa lý chiến lược trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Họ coi Việt Nam là người bạn mới cực kỳ quan trọng. 

 
Nếu nói đâu là nguyên nhân, tôi cho rằng đó chính là việc Mỹ điều chỉnh chiến lược ngoại giao, trên cơ sở hai bên cùng có lợi.


- Theo ông, hai nước đã có đạt được những lợi ích gì từ sau năm 2005?

Chiến lược ngoại giao của Mỹ là muốn quay trở lại châu Á – Thái Bình Dương, ngoài những đồng minh truyền thống như Nhật, Hàn Quốc, Australia, Philippines, Thái Lan, họ cũng rất muốn có thêm người bạn mới.

Việt Nam có vị thế địa lý chiến lược trong chính sách ngoại giao của Mỹ. Họ coi Việt Nam là người bạn mới cực kỳ quan trọng. 

Với Mỹ, việc đạt được lợi ích kinh tế không quá quan trọng, cốt yếu là tận dụng được vị trí chiến lược trọng yếu của Việt Nam.

Với Việt Nam, họ đã đạt được nhiều lợi ích từ phía Mỹ, cả về chính trị và kinh tế. Việt Nam hy vọng Mỹ gỡ bỏ dần ‘diễn biến hòa bình’, ủng hộ Việt Nam ở Biển Đông.

Hiện tại, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất và mang lại giá trị thăng dư lớn nhất cho Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc 7 năm liên tiếp là nước xuất khẩu nhiều nhất sang Việt Nam. Nếu so sánh, lợi nhuận từ xuất khẩu sang Mỹ vẫn kém số tiền nhập siêu từ Trung Quốc.

Về việc, liệu hai nước đã đạt được tất cả những gì họ muốn ở nhau, tôi thấy khó mà nói hết được. Phải phân tích từng vấn đề cụ thể. Việt Nam có thể đạt được điều gì? Đó là khoa học kỹ thuật tiên tiến, nguồn tiền đầu tư, thậm chí là sự ủng hộ của Mỹ ở Biển Đông.

Với Mỹ, vị trí chiến lược của Việt Nam có vai trò cực quan trọng trong việc mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Cụ thể là Mỹ muốn đưa tàu chiến tới vịnh Cam Ranh.

Tuy nhiên, một quan chức Bộ Quốc phòng Việt Nam từng nói với tôi: “Sau khi hải quân Nga rút toàn bộ khỏi vịnh Cam Ranh năm 2004, nơi này sẽ không bao giờ được cho hải quân nước thứ 3 thuê”.

Tôi cho rằng Việt Nam sẽ làm đúng lời đã nói, Mỹ sẽ không có hy vọng đưa tàu chiến vào vịnh Cam Ranh.

- Mỹ thường xuyên phê phán vấn đề chính trị Trung Quốc, trong khi không tiếc lời ca ngợi Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về việc này?

>> Tranh chấp Biển Đông dưới góc nhìn báo chí phương Tây 
Cách làm của Mỹ với Trung Quốc và Việt Nam có cái giống và không giống nhau.

Giống ở chỗ, Mỹ khác biệt về chế độ chính trị với hai nước trong xã hội chủ nghĩa.

Biểu hiện cụ thể của việc này chính là cái mà Trung Quốc gọi là “Mỹ hóa, chia rẽ hóa” trong khi Việt Nam gọi là “Diễn biến hòa bình”.


Khác ở chỗ, Mỹ coi Việt Nam là đối tác, trong khi coi Trung Quốc là đối thủ. Về mặt chính trị, Mỹ đang thúc đẩy TPP (Trans – Pacific Partnership Agreement - Thỏa thuận hợp tác xuyên Thái Bình Dương) và đàm phán với 9 nước. Việt Nam có trong danh sách được kêu gọi, trong khi Trung Quốc không được mời.

Tôi cho rằng Trung Quốc phải cực kỳ thận trọng với việc này, khi mà cả Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đang tham gia đàm phán. Chúng ta cần nghiên cứu kỹ, không thể phản đối ầm ĩ, bừa bãi. Nếu đạt được TPP, nghĩa là Mỹ đang tạo ra WTO (Tổ chức thương mại thế giới) thứ hai.

- Có quan điểm cho rằng, Mỹ đang muốn lợi dụng việc ủng hộ Việt Nam ở Biển Đông để “diễn biến hòa bình”, và Mỹ muốn đạt được điều mà họ đã thất bại trong chiến tranh Việt Nam?


Có thể thấy là, Mỹ muốn thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam là điều không thể. Ngược lại, Việt Nam rất cảnh giác với “diễn biến hòa bình”. 

 
Tôi không đồng ý quan điểm này, bởi không thể đồng nhất sự khác biệt chính trị và mối quan hệ hai nước.

Có thể Mỹ muốn điều đó, nhưng họ gần như không có khả năng làm được, bởi đây là vấn đề sinh tử tồn vong với Việt Nam.


Những nỗ lực của Mỹ trong việc xúi giục bạo động, lập khu tự trị đều bị Việt Nam dập tắt.

Tôi nhớ là tháng 11 năm ngoái, báo Quân đội Nhân dân của Việt Nam liên tiếp có bài viết, nhắc nhở người Việt Nam cần cảnh giác với những mưu đồ kích động dân chủ, dân quyền.

Có thể thấy là, Mỹ muốn thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam là điều không thể. Ngược lại, Việt Nam rất cảnh giác với “diễn biến hòa bình”. 

- Mỹ và Trung Quốc đều đã có chiến tranh với Việt Nam, điều này ảnh hưởng thế nào tới chính sách ngoại giao của nước này?

Hai cuộc chiến đó không giống nhau. Việt Nam đánh Mỹ vì Mỹ xâm lược nước họ, đây là cuộc chiến giành độc lập, chủ quyền dân tộc. Còn cuộc chiến với Trung Quốc chỉ là xung đột biên giới.

Trong cuộc chiến chống Mỹ, cứu nước, chủ tịch Mao Trạch Đông từng nói: “700 triệu người dân Trung Quốc là sự hậu thuẫn kiên cường của Việt Nam, lãnh thổ rộng lớn của Trung Quốc là hậu phương tin cậy của Việt Nam”.

Mỗi năm, đến ngày Giải phóng miền Nam, lãnh đạo Việt Nam đều nhắc tới sự giúp đỡ chân thành của Trung Quốc. Chúng ta có hơn 1.400 liệt sĩ hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam. Chính quyền và người dân Việt Nam đều chăm sóc, bảo vệ rất tốt cho những ngôi mộ liệt sĩ Trung Quốc.

Tất nhiên, chiến tranh biên giới với Trung Quốc có ảnh hưởng lớn đến chính sách ngoại giao của Việt Nam. Hiến pháp nước này năm 1980 viết: “Mỹ là kẻ thù số một của Việt Nam. Trung Quốc là kẻ thù nguy hiểm trực tiếp của Việt Nam”. Đến năm 1991, khi Việt – Trung bình thường hóa quan hệ, câu này đã được xóa đi.


Hiện tại, Việt Nam vẫn kiên trì chiến lược ngoại giao: Độc lập tự chủ, hòa bình hợp tác phát triển, tích cực quốc tế hóa, đa phương hóa.

 
- Ông nhận định thế nào về chính sách ngoại giao trọng điểm của Việt Nam trong tương lai?


Hiện tại, Việt Nam vẫn kiên trì chiến lược ngoại giao: Độc lập tự chủ, hòa bình hợp tác phát triển, tích cực quốc tế hóa, đa phương hóa.

Đầu thế kỷ 21, Việt Nam đặt ra 3 ưu tiên phát triển: phát triển quan hệ với quốc gia láng giềng, phát triển quan hệ truyền thống với các nước bạn bè truyền thống, phát triển quan hệ với các nước lớn.


Tôi còn nhớ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương từng nói: “Trung Quốc là nước duy nhất thích hợp với 3 ưu tiên phát triển của Việt Nam”. Tuy nhiên, sau này do có tranh chấp lãnh hải, cách nói này rất ít xuất hiện.

Hiện nay, Việt Nam đang có quan hệ rất tốt với các nước láng giềng. Bước phát triển tiếp theo sẽ là quan hệ tốt với các quốc gia lớn như Nga, Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc v.v. Đặc biệt là Mỹ, quan hệ giữa hai nước nồng ấm lên trông thấy.  

Văn Việt(lược dịch)

Bình luận
vtcnews.vn