Trung Quốc lại dùng 'bài' cũ ở Biển Đông

Thế giớiThứ Sáu, 13/07/2012 07:27:00 +07:00

(VTC News)– Trung Quốc lại dùng 'bài' đàm phán song phương về những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.

(VTC News) – Trung Quốc cũng không đưa ra bất cứ cam kết chắc chắn nào ngoại trừ những lời lẽ kêu gọi hòa bình theo luận điệu “nghe đã nhàm” kiểu như các bên cần “xây dựng lòng tin lẫn nhau” và “hợp tác chặt chẽ hơn.”

Hôm 12/7, Ngoại trưởng Mỹ và Trung Quốc đã cùng tỏ ý sẵn sàng hợp tác về nhiều vấn đề ở Châu Á, trong đó bao gồm nỗ lực hòa giải tranh chấp chủ quyền ngày càng căng thẳng ở Biển Đông - vùng biển giàu tài nguyên và đang dần được quân sự hóa.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì cho biết trong bối cảnh quan hệ hai nước đang có nhiều khởi sắc, Bắc Kinh đã sẵn sàng cùng Washington ‘mở rộng mối quan hệ, tôn trọng lẫn nhau, chung sức giải quyết các vấn đề nhạy cảm và thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực.”
Trước đó, đại diện Nhà Trắng cũng đã lên tiếng kêu gọi các bên có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cần hết sức kiềm chế để cùng nhau thảo luận đi tới một giải pháp hòa bình đa phương, ‘không chèn ép, không đe dọa, cũng như không cưỡng chế bằng quân sự”.
 Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì
Cũng theo bà Clinton, Washington không hề có bất cứ tuyên bố nào về chủ quyền đối với khu vực Đông Nam Á và cũng sẽ không ‘can thiệp’ vào nội bộ tranh chấp giữa các bên. 
“Tuy nhiên, chúng tôi quan tâm tới vấn đề tự do hàng hải, sự ổn định và hòa bình trong khu vực cũng như việc thi hành luật quốc tế và thương mại hợp pháp trên Biển Đông”, Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh.
Về phía Trung Quốc, mới đây, Ngoại trưởng Dương Khiết Trì lại dùng 'bài' cũ khi nói Bắc Kinh sẽ tham gia đàm phán (song phương) với các nước láng giềng về bộ quy tắc ứng xử để giải quyết tranh chấp khi ‘điều kiện đã chín muồi’.
Thái độ này của Trung Quốc được báo giới Mỹ đánh giá là ‘thiếu thiện chí’ sau khi Bắc Kinh đã một mực tuyên bố chủ quyền lãnh hải và có nhiều hành động ‘khiêu khích’ đối với một số quốc gia cùng có tranh chấp trong khu vực. 
 Hình ảnh một tàu hải giám của Trung Quốc
Cụ thể như vụ đụng độ tàu Philippines ở bãi đá Scarborough, việc thành lập thành phố Tam Sa để quản lý hành chính hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, cùng với việc ngang nhiên mời thầu quốc tế thăm dò 9 lô dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thậm chí mới đây, Trung Quốc còn tiếp tục ‘hâm nóng’ căng thẳng với Nhật Bản khi cho 3 tàu tuần tra hoạt động gần quần đảo Senkaku (hay còn gọi là đảo Điếu Ngư) đang là tâm điểm tranh chấp giữa hai nước. 
Sự việc khiến Nhật Bản rất bất bình. Vì vậy, ngay sau khi buộc những tàu này rời khỏi khu vực, Tokyo đã triệu tập khẩn cấp đại sứ Trung Quốc tới để phản đối hành động mang tính ‘gây hấn’ của Bắc Kinh.
Sau những diễn biến trên, vấn đề căng thẳng khu vực xoay quanh tranh chấp ở Biển Đông tiếp tục trở thành đề tài ‘nóng’ trong các cuộc thảo luận tại hội nghị cấp cao ASEAN kéo dài 5 ngày (tính từ 9/7) với sự tham gia của 10 nước thành viên cùng đại diện đến từ Châu Âu, Mỹ và Trung Quốc.
Các nước trong khối bao gồm cả Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện bộ quy tắc ứng xử mới - là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm giải quyết các tranh chấp trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hiệp quốc về luật biển. 
 Quang cảnh bên trong hội nghị cấp cao ASEAN tổ chức ở Phnom Penh (Campuchia)
Điều mà ASEAN mong đợi chính là sự nhất trí của Trung Quốc để bộ quy tắc này sớm được triển khai. Tuy nhiên, thoạt đầu Bắc Kinh còn né tránh đề cập tới vấn đề tranh chấp Biển Đông vì cho rằng nó không nằm trong nội dung thảo luận của hội nghị. 
Sau đó, trước nỗ lực của các nước còn lại, Trung Quốc cũng không đưa ra bất cứ cam kết chắc chắn nào ngoại trừ những lời lẽ kêu gọi hòa bình theo luận điệu “nghe đã nhàm” kiểu như các bên cần “xây dựng lòng tin lẫn nhau” và “hợp tác chặt chẽ hơn.”
Trong bối cảnh này, các nhà phân tích nhận định Mỹ đang phải cố tìm cách cân bằng giữa hai chiến lược then chốt ở Châu Á: một mặt ủng hộ các nước đồng minh như Nhật Bản, Philippines và Việt Nam, mặt khác cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc – đất nước đang nắm giữ vai trò quan trọng ở Châu Á và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới (sau Mỹ).
Hiện tại, việc Bắc Kinh và Washington cùng tuyên bố sẽ hợp tác để giải quyết các vấn đề nhạy cảm ở Châu Á có trở thành hiện thực hay không còn là điều chưa ai dám chắc. 
Chỉ biết rằng, trên thực tế, mặc dù đã trải qua vô số các cuộc họp bàn, thảo luận xoay quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền muôn thuở giữa Trung Quốc với các nước trong khu vực, Washington và Bắc Kinh vẫn chưa thể đi tới một giải pháp cuối cùng.
 Trung Quốc một mực khẳng định chủ quyền trên vùng biển giàu tài nguyên với thuyết 'đường lưỡi bò' vi phạm lãnh hải của nhiều nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam
Việt Nam cùng các nước ASEAN và Trung Quốc từng ký tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông vào năm 2002. Theo đó, các quốc gia đã cam kết tôn trọng quyền tự do hàng hải trong khu vực, giải quyết tranh chấp ôn hòa và tôn trọng các thỏa thuận quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về luật biển năm 1982.

Hạ Giang
Bình luận
vtcnews.vn