Ngoại trưởng Serbia làm Chủ tịch Đại Hội đồng LHQ

Thế giớiThứ Bảy, 09/06/2012 10:57:00 +07:00

Ngày 8/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Ngoại trưởng Serbia, Vuk Jeremic làm Chủ tịch Đại hội đồng khóa 67.

Theo phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc, ngày 8/6, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu Ngoại trưởng Serbia, Vuk Jeremic làm Chủ tịch Đại hội đồng khóa 67.


Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 thành viên đã buộc phải bước vào một cuộc bỏ phiếu kín bầu chủ tịch sau khi các thành viên Đông Âu không đạt được đồng thuận trong việc lựa chọn ông Jeremic hay Đại sứ Litva tại Liên hợp quốc Dalius Cekuolis.

Kết quả, ông Jeremic, 36 tuổi và là Ngoại trưởng Serbia 5 năm qua, đã giành được 99 phiếu bầu so với 85 phiếu dành cho Đại sứ Litva.

Phát biểu trước Đại hội đồng sau khi được bầu làm chủ tịch, ông Jeremic cho biết Serbia là một quốc gia nhỏ, đang phát triển và không thuộc liên minh quân sự hay chính trị nào.

Ông bày tỏ vinh dự khi nhận được sự tin tưởng của các quốc gia thành viên đã bầu ông làm chủ tịch một cơ quan đại diện, hoạch định chính sách và giám sát chính của Liên hợp quốc.


Ông Jeremic từng theo học tại hai trường đại học danh giá hàng đầu thế giới là Cambridge (Anh) và Harvard (Mỹ). Ông sẽ thay Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 66 Nassir Abdulaziz Al-Nasser, người Qatar, và bắt đầu vai trò mới của mình khi Đại hội đồng Liên hợp quốc triệu tập khóa họp thường niên quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới vào giữa tháng 9 tới.

Ngoại trưởng Serbia, Vuk Jeremic. (Nguồn: Reuters) 

Ông Jeremic đề xuất chủ đề thảo luận cấp cao tại Đại hội đồng khóa 67 sắp tới sẽ tập trung vào vấn đề "dàn xếp và giải quyết các tranh chấp và tình hình quốc tế bằng biện pháp hòa bình."

Quy tụ tất cả 193 thành viên của Liên hợp quốc, Đại hội đồng là diễn đàn thảo luận đa phương về hàng loạt vấn đề quốc tế liên quan do Hiến chương Liên hợp quốc quy định.

Đại hội đồng họp tập trung thường niên từ tháng 9-12 hàng năm và tiến hành các phiên họp liên quan khi có yêu cầu.

Chức Chủ tịch Đại hội đồng được giữ luân phiên giữa các nhóm khu vực tại Liên hợp quốc. Thông thường, các nhóm sẽ đề cử một ứng cử viên duy nhất không gây tranh cãi.

Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1991 Đại hội đồng Liên hợp quốc phải bỏ phiếu bầu chủ tịch.

Theo Vietnam+

Bình luận
vtcnews.vn