Vì sao Obama vội vã "tháo thân" khỏi Afghanistan?

Thế giớiThứ Tư, 13/07/2011 01:29:00 +07:00

(VTC News) – Kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan về quy mô và tốc độ đều vượt qua kế hoạch ban đầu của quân đội Mỹ và dự đoán của báo giới. Vì sao vậy?

(VTC News) – Kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan mà TT Mỹ Obama tuyên bố gần đây về quy mô và tốc độ đều vượt qua phương án rút quân trong kế hoạch ban đầu của quân đội Mỹ và dự đoán của báo giới. Vì sao có cuộc "tháo thân" vội vàng như vậy?

Ngày 22/6, trong bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố kế hoạch rút quân năm nay chia thành 2 đợt: đợt 1, bắt đầu từ tháng 7, Mỹ rút khoảng 5000 quân; đợt 2, trước cuối năm năm nay, tiếp tục rút 5000 quân, tổng số rút khoảng 10000 quân. Cũng theo kế hoạch này, trước mùa hè năm 2012, Mỹ sẽ rút 23000 quân, đến mùa hè 2012 tổng cộng rút khoảng 33000 quân. Năm 2014, Mỹ sẽ giao toàn bộ quyền kiểm soát an ninh cho chính phủ Afghanistan, hơn nữa thiết lập quan hệ đối tác với chính phủ Afghanistan.

Cuối năm 2009, Obama điều động thêm 33000 quân Mỹ đến Afghanistan tập trung tấn công Taliban và Al-Qaeda để thay đổi tình hình Taliban liên tục khiêu khích, đồng thời tăng cường luyện tập cho quân đội an ninh Afghanistan.

Như vậy, mặc dù số lượng quân đội Obama tuyên bố rút khỏi Afghanistan lần này vừa bằng với số binh sĩ ông đã hạ lệnh điều động thêm, nhưng về quy mô và tốc độ đều đã vượt qua phương án rút quân trong kế hoạch ban đầu của quân đội Mỹ và dự đoán của báo giới. Điều này phản ánh chính phủ Obama đang đối mặt với áp lực kinh tế thâm hụt ngân sách và áp lực chính trị từ quốc hội và người dân.


Áp lực chính trị

Chiến tranh Afghanistan khiến Mỹ trong 10 năm phải trả giá bằng 443 tỉ USD và hơn 1500 sinh mạng. Hiện nay, tình hình kinh tế Mỹ khó khăn, tỉ lệ thất nghiệp tăng cao và cái chết của Bin Laden khiến ngày càng nhiều người Mỹ chất vấn có nên tiếp tục đốt 10 tỉ USD mỗi tháng tại Afghanistan.

Binh sĩ Mỹ tại Afghanistan đoàn tụ với gia đình 

Ngày 21/6, kết quả điều tra dân ý do Trung tâm Nghiên cứu Pew Mỹ công bố cho thấy, 56% người Mỹ ủng hộ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan, đây là tỉ lệ cao nhất từ khi trung tâm nghiên cứu này bắt đầu điều tra. Trong tình hình này, Đảng Cộng hòa luôn ủng hộ hành động của quân đội Mỹ tại nước ngoài cũng thay đổi chủ kiến, trong đó 60% ủng hộ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan. Lời kêu gọi từ trong nước là nhân tố quan trọng mà Tổng thống Mỹ Obama đang nước rút trên con đường tái đắc cử không thể không nghĩ đến.

Hạ viện Mỹ từng tổ chức bỏ phiếu vào tháng 5, kêu gọi Obama đưa ra thời gian biểu quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan. Mặc dù cuối cùng nghị quyết không được thông qua với tỉ lệ số phiếu là 204/215, nhưng đã cho thấy rút quân là yêu cầu bức thiết trong nội bộ Mỹ. Ngoài ra, có khoảng 1/4 thượng nghị sĩ viết thư cho Obama yêu cầu nhanh chóng rút quân. Ngay cả một số người trong Đảng dân chủ của Obama cũng cảm thấy bất mãn đối với chính sách Afghanistan của Obama.

Hạ nghị viên Đảng Dân chủ tại bang Ohio Dennis Kucinich, người phản đối chiến tranh tại Iraq và Afghanistan, cũng phản đối Mỹ tham gia hành động quân sự của NATO tại Libya đã lớn tiếng chỉ trích: “Kinh tế trong nước rối loạn, Mỹ còn tìm chiến tranh trên thế giới”.


Áp lực kinh tế

Thâm hụt ngân sách khổng lồ và nợ quốc gia cũng là “nỗi đau” của chính phủ Obama. Hiện nay, các cuộc hội đàm của hai đảng Mỹ về vấn đề nâng cao giới hạn an toàn của nợ công tiến triển rất chậm chạp, đặc biệt là tồn tại bất đồng tương đối lớn về vấn đề thu thuế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner: “Giới hạn an toàn nợ công phải được điều chỉnh trước ngày 2/8".

Mấy ngày trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Timothy F. Geithner tuyên bố: "Giới hạn an toàn nợ công phải được điều chỉnh lên trước ngày 2/8, nếu không chính phủ Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy hiểm vi phạm nợ công, điều này sẽ gây nên hậu quả nghiêm trọng đối với uy tín quốc gia và chỉnh thể nền kinh tế Mỹ”.

Ngoài ra, quan điểm của Hội nghị Cục Dự trữ Liên bang Mỹ kết thúc ngày 22/6 cũng bi quan hơn trước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cho biết: “Khó khăn kinh tế Mỹ phải đối mặt có thể lớn hơn so với dự kiến trước đây”; đồng thời điều chỉnh giảm dự kiến tăng trưởng kinh tế Mỹ trong hai năm 2011, 2012 và điều chỉnh tăng dự kiến tỉ lệ thất nghiệp.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ dự kiến năm 2011 và năm 2012, kinh tế Mỹ tăng trưởng lần lượt là 2,7% - 2,9% và 3,3% - 3,7%, thấp hơn so với 3,1% - 3,3% và 3,5% - 4,2% dự kiến vào cuối tháng 4; dự kiến tỉ lệ thất nghiệp trong hai năm 2011 và 2012 là 8,6% - 8,9% và 7,8% - 8,2%, cao hơn so với 8,4% - 8,7% và 7,6% - 7,9% dự kiến trước đó.

Dự kiến tỉ lệ lạm phát của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ cũng tăng lên, dự kiến năm 2011 chỉ số giá tiêu dùng cá nhân không bao gồm giá lương thực và năng lượng tăng 1,5% - 1,8%, cao hơn so với dự kiến 1,3% - 1,6% vào tháng 4.


Tổng thống Obama: “Hiện nay là lúc phải tập trung tinh lực xây dựng đất nước Mỹ”. 

Do đó, trong tình hình lời kêu gọi yêu cầu chính phủ tiết kiệm tiền ngày càng mạnh mẽ ngay trong Quốc hội Mỹ, hành động rút quân khỏi Afghanistan vừa xoa dịu lòng dân vừa tạo điều kiện cho Obama tiết kiệm tiền để cứu vớt nền kinh tế, tạo việc làm và đảm bảo an toàn cho con đường tái đắc cử.

Trong bài phát biểu rút quân, Obama tuyên bố: "Giờ là lúc phải tập trung tinh lực xây dựng nước Mỹ”.

Hiện nay, rất nhiều người Mỹ tin tưởng rằng chi phí quân sự khổng lồ cho chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Iraq là gánh nặng ngân sách của chính phủ Mỹ. Hơn nữa, hiện nay kinh tế Mỹ đang đấu tranh giữa phục hồi và suy thoái. Chính sách Iraq và Afghanistan đi theo ý nguyện của nhân dân có tác dụng tích cực đối với con đường tái đắc cử của Obama.


Áp lực tranh cử


Vấn đề chiến tranh Afghanistan đã trở thành đề tài thảo luận của cuộc tranh cử Tổng thống năm 2012. Nguyên Thống đốc bang Massachusetts Willard Mitt Romney - người được cho là đang dẫn đầu cuộc đua giành chức tổng thống Mỹ vào năm 2012 - tuyên bố: "Chỉ có người Afghanistan mới có thể tự giành độc lập cho mình”. 

Cựu Thống đốc bang Massachusetts Willard Mitt Romney: “Chỉ có người Afghanistan mới có thể giành độc lập cho mình”.  

Nguyên Thống đốc bang Utah Jon Huntsman mới tuyên bố tranh cử cũng nhấn mạnh: “Nếu tôi làm Tổng thống, tôi sẽ nhanh chóng rút quân khỏi Afghanistan, tập trung tinh lực xây dựng đất nước”. Ông đả kích mạnh mẽ kế hoạch rút quân của Obama, chỉ trích “rút quân quá chậm”và cho rằng hành động của rút quân có thể tiến hành tích cực hơn nữa.

Ông Jon Huntsman tuyên bố trên truyền hình: “Chiến tranh Afghanistan đã kéo dài 1 năm 50 ngày. Chúng ta đã giúp đỡ chính quyền Karzai mở rộng bầu cử dân chủ, đánh tan Taliban, đánh đuổi Al-Qeada. Tôi cho rằng sang năm có thể mở rộng quy mô rút quân khỏi Afghanistan, bởi 1/6 quân phí của chúng ta đang lãng phí tại chiến trường Afghanistan”.

1/6 quân phí của Mỹ đang "lãng phí" tại chiến trường Afghanistan 

Tờ The Guardian của Anh có bài phân tích chỉ ra, Obama có thể giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử vào năm 2012 hay không, trên một mức độ nhất định phụ thuốc phản ứng của cử tri đối với kế hoạch rút quân của quân đội Mỹ tại Afghanistan. Chiến tranh Afghanistan là cuộc chiến tranh Mỹ tham gia lâu nhất, đặc biệt là sau khi thủ lĩnh Al-Qeada Bin Laden bị quân đội Mỹ bắn chết, cử tri bắt đầu lớn tiếng chất vấn quân đội Mỹ có cần tiếp tục đóng quân tại Afghanistan hay không.

Vấn đề kinh tế có thể quyết định ứng cử viên có thể làm Tổng thống hay không. 3 trong số 5 Tổng thống tiền nhiệm của Obama đều phải rút lui vì không xử lí tốt vấn đề kinh tế, dân sinh. Đặt chính sách ngoại giao lên trên vấn đề dân sinh trong nước để hi vọng đạt được nhiều phiếu bầu, Obama có vẻ như đã đánh bạc trong cuộc đua tổng tuyển cử vào năm tới.

Đón xem tiếp kỳ sau: Taliban, al-Qaeda và "phép chia" của Hội đồng Bảo an

Sáng Nguyễn(Dịch)
Nguồn: Xinhua

Bình luận
vtcnews.vn