Sức đề kháng của quân đội Libya mạnh đến đâu?

Thế giớiChủ Nhật, 20/03/2011 02:03:00 +07:00

(VTC News) - Đứng trước nguy cơ bị xâm chiến từ nước ngoài bằng rất nhiều máy bay chiến đấu hiện đại chính quyền của ông Gaddafi sẽ đáp lại ra sao.

(VTC News) - Đứng trước nguy cơ bị xâm chiến từ nước ngoài bằng rất nhiều máy bay chiến đấu hiện đại (khoảng vài trăm chiến đấu cơ), chính quyền của ông Gaddafi sẽ chống chế như thế nào, liệu quân đội của ông có thể trụ nổi bao lâu là một vấn đề đang được rất nhiều chuyên gia phân tích quan tâm, tìm hiểu. Dưới đây là một số thông tin sơ bộ về tiềm lực và thực lực của quân đội Libya.

Quân đội Libya có gần 80.000 người, trong đó gần 1/2 là lính nghĩa vụ. Vũ khí chủ yếu của họ có nguồn gốc từ Liên Xô, ngoài ra còn có cả vũ khí của cộng hòa Czech, Pháp, Italia và một số quốc gia khác.

Một khẩu đội cao xạ phòng không của quân đội Libya. 

Cụ thể, Libya có hơn 800 chiếc xe tăng (200 chiếc Т-72М1, số còn lại là những xe tăng lạc hậu), 120 hệ thống tên lửa đường đạn chiến thuật đã cũ, chỉ có Elbrus (Scud) và Luna-M là đáng tin cậy hơn. Libya có rất nhiều pháo, đặc biệt là pháo phản lực.

Về không quân và phòng không. Không quân Libya khá mạnh và đông (400 máy bay chiến đấu, 7 máy bay ném bom tầm xa Tu-22B, 140 trực thăng các loại, trong đó có 35 trực thăng tấn công Mi-24) nhưng vũ khí trang bị đã cũ, đồng thời kinh nghiệm và trình độ kỹ năng bay của nhiều phi công là rất kém do thái độ và ý thức học tập, huấn luyện không tốt, lại thiếu tính cọ sát thực tế.

Cũng như không quân, hệ thống phòng không của Libya khá mạnh, nhưng đã lạc hậu. Lực lượng tiến công chủ lực là 8 tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm xa S-200VE có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở cự ly 250 km. Ngoài ra, Libya còn có 3 lữ đoàn tên lửa phòng không S-125 và 5 lữ tên lửa phòng không S-75 đã lạc hậu và hơn 100 hệ thống tên lửa phòng không cơ động như: Kvadrat, Osa và Strela của Liên Xô và Crotale của Pháp.

Ngoài Lục quân, Libya còn có 5 lữ đoàn Vệ binh Jamihiria, 1 lữ đoàn Cận vệ cách mạng và 1 lữ đoàn Vệ binh 32. Chính các đơn vị này cùng với 6 tiểu đoàn biệt kích do các chuyên gia nước ngoài huấn luyện là những đơn vị trung thành nhất với ông Gaddafi và cũng là những đơn vị có khả năng chiến đấu nhất của quân đội Libya hiện nay.

Binh lính của các đơn vị này chủ yếu lấy từ những người đồng hương và cùng bộ tộc với nhà lãnh đạo Libya. Riêng lực lượng vệ sĩ riêng của Gaddafi, theo một số nguồn tin, là do các chuyên gia Belarus huấn luyện và đào tạo.

Bên cạnh đội quân biên chế trong quân đội của ông Gaddafi còn có cả những binh lính da đen. Đó chính là các lính đánh thuê của lực lượng Lê dương Hồi giáo al-Failaka al-Islamiya (Islamic Legion hay Islamic Pan-African Legion) có quân số 7.000-15.000.

Họ được trả lương rất cao, tuyển từ Chad, Nigeria, Mali, Sudan, có cả người Arab từ Ai Cập, Algeria, Tunisia, thậm chí từ Pakistan và nhiều nước khác. Số binh lính này trước khi lâm trận cũng được các chuyên gia nước ngoài huấn luyện và đào tạo.

Theo số liệu trên thì quân số của quân đội Libya không đông. Tuy được biên chế, trang bị khá nhiều binh khí kỹ thuật, song phần lớn số vũ khí này đã lạc hậu, hiệu quả tác chiến không cao do công tác bảo quản, cất giữ không tốt.

Như vậy, trong lúc quân đội của ông Gaddafi chưa kịp nâng cấp, hiện đại hóa quân đội của  mình mà bị các máy bay chiến đấu hiện đại của Mỹ và phương Tây tấn công thì sẽ không thể chống cự được lâu.

Trước đó, có thông tin cho rằng, gần đây quân đội Libya đã có kế hoạch hiện đại hóa mạnh vũ khí trang bị. Gaddafi muốn mua của Nga các hệ thống tên lửa phòng không Buk-М1-2E, Tor-М2E và kể cả S-300PMU-2, mua 20 tiêm kích tối tân Su-35, máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130.

Lục quân Libya dự định hiện đại hóa các xe tăng Т-72М1 lên mức gần với tăng Т-90S, cũng như mua xe tăng Т-90SA. Họ cũng đã đặt hàng 3 tàu tên lửa Projekt 1241.8 Molnya trang bị tên lửa Uran-E và dự kiến đặt mua 2 tàu ngầm Projekt 636М Kilo.

Tuy nhiên, cuộc bạo loạn và những biện pháp trừng phạt áp đặt sau khi cuộc bạo loạn nổ ra đã cản trở các kế hoạch này. Chắc hẳn lúc này, khi mà các cuộc không kích của kẻ thù đang đến gần, ông Gaddafi mới thấy sự cần thiết phải đẩy nhanh tiến trình nâng cấp và hiện đại hóa quân đội.

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn