400 lính thủy đánh bộ của Mỹ chuẩn bị đổ bộ vào Libya?

Thế giớiThứ Sáu, 04/03/2011 08:00:00 +07:00

(VTC News) – Gần 400 lính thủy đánh bộ của Mỹ đã được điều động tới căn cứ quân sự Suda trên đảo Crete của Ai Cập để chuẩn bị tiến vào Libya.

(VTC News) – Gần 400 lính thủy đánh bộ của Mỹ đã được điều động tới căn cứ quân sự Suda trên đảo Crete của Ai Cập để chuẩn bị tiến vào vùng biển của Libya trên các tàu quân sự của Hải quân Mỹ. 

 
Tiểu đoàn lính thủy đánh bộ đầu tiên được điều động từ căn cứ quân sự ở Bắc California vào ngày 2/3 bằng máy bay. Số binh lính này sẽ được bố trí trên hai chiếc tàu quân sự của Hải quân Mỹ hiện đang nằm trên Địa Trung Hải.

Số binh lính này được điều động trong khuôn khổ chiến dịch điều chuyển lực lượng trong khu vực, đồng thời thực hiện nhiệm vụ viện trợ nhân đạo cũng như các nhiệm vụ khẩn cấp khác khi có tình huống xấu xảy ra ở Libya.

Theo tiết lộ từ người đại diện cơ quan báo chí căn cứ quân sự Suda, số lính thủy đánh bộ được điều động đến sẽ triển khai trên tàu đổ bộ Kearsarge và tàu Ponce của Hải quân Mỹ. Hai chiếc tàu chiến này đã đi qua kênh đào Suez để vào Địa Trung Hải và hiện đang áp sát bờ biển của Libya.

Ngoài số lính thủy đánh bộ mới chuyển đến, trên tàu đổ bộ Kearsarge còn có khoảng 800 lính thủy đánh bộ khác cùng một số phương tiện tác chiến mặt đất, máy bay trực thăng và các thiết bị y tế cần thiết khác để vừa thực hiện nhiệm vụ viện trợ nhân đạo vừa có thể tiến hành các chiến dịch quân sự khi cần thiết.

Hiện nay, phía NATO vẫn khẳng định chưa có ý định gì đối với Libya trong khi Mỹ đã lên kế hoạch và vạch ra nhiều phương án khác nhau. Nếu cần thiết phải sử dụng vũ lực, Mỹ sẽ sử dụng cả các tàu chiến của Hạm đội số 5 và số 6 kết hợp với tàu sân bay Enterprise, tàu đổ bộ Kearsarge, tàu Ponce và một số tàu chiến khác từ Địa Trung Hải và Biển Đỏ.

Ngoài Mỹ, hiện nay còn có Pháp cũng điều động tàu quân sự tới khu vực gần bờ biển của Libya với ý định duy nhất là thực hiện sứ mệnh viện trợ nhân đạo – khẳng định của Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy.

Một thành viên khác của NATO là Anh hiện cũng đã sẵn sàng triển khai máy bay tiêm kích Eurofihter Typhoon trên đảo Cyprus ở Địa Trung Hải để kiểm soát và ngăn chặn các đợt không kích của Không quân Libya vào dòng người biểu tình chống đối – tuyên bố của Thủ tướng Anh Cameron.

Trước nguy cơ đe dọa can thiệp quân sự từ bên ngoài, Tổng thống Libya Muammar Gaddafi tuyên bố, Libya sẽ bắt đầu một cuộc chiến tranh thực sự nếu Mỹ và NATO can thiệp vào công việc nội bộ của nước này.

 
Ngày 3/3 Libya đã tiếp tục mở cuộc không chiến mới nhằm vào khu vực đang bị lực lượng nổi dậy chiếm đóng và kiểm soát, trong đó có thành phố Brega ở phía Đông Libya với quyết tâm giành lại quyền kiểm soát và ổn định tình hình chính trị trong nước tránh để các thế lực bên ngoài kiếm cớ can thiệp. Đây là trung tâm công nghiệp dầu mỏ của Libya.

Trong khi tình hình chính trị nội bộ ở Libya vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, Tòa án hình sự quốc tế đã bắt đầu mở chiến dịch điều tra về sự kiện đang diễn ra ở Libya trong đó tập trung vào vấn đề nhân quyền và số dân thường thiệt mạng trong các cuộc xung đột vừa qua.

Trong khi đó, Trung Quốc đã lên tiếng về tình hình tại Libya hiện nay. Bắc Kinh kêu gọi tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Libya và Liên Hợp Quốc cần hành động trước khả năng NATO sẽ can thiệp quân sự vào quốc gia này.

Ngày 3/3, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Khương Du cho biết: “Về tình hình Libya, chúng tôi tin rằng các cuộc thảo luận giữa những cơ quan có liên quan của Liên Hiệp Quốc sẽ có lợi cho việc tái lập sự ổn định ở Libya”.

Khi được hỏi về quan điểm của Trung Quốc trước khả năng xảy ra các cuộc tấn công quân sự hoặc thiết lập một vùng cấm bay, bà Khương Du nói: “Chúng ta cần tôn trọng chủ quyền và sự thống nhất lãnh thổ của Libya”.

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)

 

 

Bình luận
vtcnews.vn