TT Hàn đã nói gì dưới hầm ngầm ở Điện Cheong Wa Dae?

Thế giớiThứ Tư, 15/12/2010 10:50:00 +07:00

(VTC News) - Sau gần 3 tuần Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc đã bắt đầu tổ chức tập trận trong tình hình căng thẳng.

(VTC News) - Văn phòng hầm ngầm dưới lòng đất của Điện Cheong Wa Dae đã quyết định, "nếu Bắc Triều Tiên tiến hành nã pháo lần thứ ba thì sẽ sử dụng máy bay chiến đấu ném bom". Sau đợt nã pháo lần hai của Bắc Triều Tiên, máy bay chiến đấu F-15K đã được khởi động chờ lệnh.

Tờ “Nhật báo Triều Tiên” - Hàn Quốc đưa tin, người phát ngôn của Tổng thống Hàn quốc đã nói về sự kiện Bắc Triều Tiên nã pháo đảo Yeonpyeong rằng: "Từng đưa ra quyết định nếu Bắc Triều Tiên tiếp tục nã pháo lần thứ ba sau đợt nã pháo lần 1 và 2 thì sẽ điều động máy bay chiến đấu tiến hành ném bom".

Người phát ngôn này cho biết, Văn phòng hầm ngầm dưới lòng đất của Điện Cheong Wa Dae đã quyết định, "nếu Bắc Triều Tiên tiến hành nã pháo lần thứ ba thì sẽ sử dụng máy bay chiến đấu ném bom". Sau đợt nã pháo lần hai của Bắc Triều Tiên, máy bay chiến đấu F-15K đã được khởi động chờ lệnh.

Khi Bắc Triều Tiên tiến hành đợt nã pháo lần hai, Tổng thống Lee Myung-bak đã nhiều lần hỏi có thể điều máy bay chiến đấu ném bom hay không. Nhưng Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc đã trả lời, nếu chiến tranh lớn xảy ra, thì phải chịu tốt thất rất lớn về người, vì vậy ông đã không đưa ra quyết định. Điều này cũng có nghĩa là, lúc đó quân đội Hàn Quốc không đề nghị ứng phó tích cực.


Quân đội Hàn Quốc (ảnh minh hoạ). 

Tờ “Thời báo Trung Quốc” của Đài Loan cho biết, phía quân đội Hàn Quốc tiến hành tập trận bắn đạn thật đồng bộ trên biển từ ngày 13-17/12 trên vùng biển Hoàng Hải ở phía tây, biển Nhật Bản ở phía đông và vùng biển phía nam bán đảo Triều Tiên, tổng cộng có 27 địa điểm, nhưng địa điểm thao diễn đều không nằm ở vùng biển nhạy cảm sát Bắc Triều Tiên.

Viện Nghiên cứu Hải dương Hàn Quốc đã phát đi lời cảnh báo về hàng hải rằng, địa điểm tập trận bắn đạn thật của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc gồm có 15 địa điểm gần quần đảo Geliefei ở vùng biển phía Tây, còn vùng biển phía Đông và phía Nam lần lượt là 6 địa điểm.

Lời cảnh báo này còn cho biết, cuộc tập trận bắn đạn thật ở gần quần đảo Deji vùng biển phía Tây sẽ kéo dài đến ngày 19/12, nhưng không có kế hoạch tập trận bắn đạn thật ở vùng biển gần “5 hòn đảo vùng biển phía tây” sát Triều Tiên như đảo Paekyong và Yeonpyeong.

Mỹ - Hàn bắt tay đối phó với "mối đe dọa Bắc Triều Tiên"?


Mạng báo "Bưu điện Washington" - Mỹ đưa tin, Bắc Triều Tiên cảnh báo có thể sử dụng chiến tranh hạt nhân để đe dọa Hàn Quốc. Ngày 13/12, Bắc Triều Tiên cảnh báo rằng, hợp tác quân sự Mỹ - Hàn có thể gây ra chiến tranh hạt nhân tại khu vực này.

Sau gần 3 tuần Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong, Hàn Quốc đã bắt đầu tổ chức tập trận trong tình hình căng thẳng nam bắc Triều Tiên tăng cao.

Hàn Quốc có kế hoạch bắt đầu tiến hành tập trận hải quân bắn đạn thật từ ngày 13/12 tại 27 địa điểm. Trong tình hình phía Hàn Quốc có 2 binh sĩ, 2 người dân bị thiệt mạng do Bắc Triều Tiên nã pháo vào đảo Yeonpyeong gây ra, thì cuộc tập trận quy mô lớn lần này của Hàn Quốc được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm.

Một quan chức của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc đã cố gắng làm giảm tầm quan trọng của cuộc tập trận này. Ông nói, cuộc tập trận lần này được tiến hành theo thông lệ, sẽ không tiến hành ở khu vực phụ cận biên giới tranh chấp phía tây, nơi xảy ra sự kiện đấu pháo tháng trước.

Bắc Triều Tiên đã tiến hành lên án gay gắt đối với Hàn Quốc, tố cáo Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản bắt tay để gây sức ép với Bình Nhưỡng. Báo “Tin tức Lao động” của Bắc Triều Tiên bình luận, chính việc hợp tác Mỹ - Nhật - Hàn đã thúc đẩy leo thang tình hình căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, ngày 13 tại Seoul các quan chức quân sự Hàn - Mỹ đã tổ chức hội đàm quân sự trong 1 ngày, thảo luận vấn đề Triều Tiên và các vấn đề khác.

Khi bắt đầu hội đàm, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Michael Schiffer nói: "Mỹ và Hàn Quốc sát canh bên nhau để đối mặt với các hành động khiêu khích mới nhất của Bắc Triều Tiên".

Hãng Yonhap của Hàn Quốc ngày 13 cho biết, từ ngày 13/12, Hàn Quốc và Mỹ bắt đầu đàm phán về các vấn đề an ninh, bao gồm kế hoạch thành lập một ủy ban chung để ngăn chặn hiệu quả các mối đe dọa từ chương trình hạt nhân và vũ khí hủy diệt khác của Bắc Triều Tiên.

Trong tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, Hội nghị Sáng kiến Chính sách An ninh Hàn - Mỹ (SPI) lần thứ 27 đã được tổ chức vào ngày 13/12. Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính sách của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc Zheng Guangri (Trương Quang Nhật) và Trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh châu Á - Thái Binh Dương là Michael Schieffer đã chủ trì hội đàm tại Seoul.

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng hàng năm giữa Mỹ và Hàn Quốc được tổ chức vào tháng 10 đã đồng ý thành lập Ủy ban này. "Mở rộng răn đe" có nghĩa là Mỹ có thể cung cấp vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật, khả năng tấn công thông thường và phòng ngự tên lửa để bảo vệ Hàn Quốc khi nước này bị Bắc Triều Tiên tấn công.

Đây là lần đầu tiên Mỹ cùng với một đồng minh không thuộc NATO thành lập uỷ ban này.

Trong thời gian tổ chức Hội nghị SPI, Hàn Quốc và Mỹ có dự kiến sẽ tái khẳng định cam kết của họ, đó là nếu Bắc Triều Tiên tấn công Hàn Quốc một lần nữa, Hàn - Mỹ chắc chắn sẽ đáp trả.

Từ năm 2005, Hàn Quốc và Mỹ đã định kỳ tổ chức hội đàm SPI để thảo luận về các vấn đề quân sự và quốc phòng. Mỹ có khoảng 28.500 quân đóng tại Hàn Quốc để hỗ trợ nước này chống lại các mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên.

Bắc Triều Tiên sẵn sàng đàm phán với Mỹ

Tờ “Nhật báo Trung ương” của Hàn Quốc ngày 13/12 dẫn lời một quan chức Seoul ngày cho hay: "Một quan chức Trung Quốc nói với chúng tôi rằng, Bình Nhưỡng tấn công đảo Yeonpyeong vì Hàn Quốc liên tục tổ chức tập trận thách thức họ, mặc dù họ đã nhiều lần cảnh báo Hàn Quốc. Phía Bình Nhưỡng cho biết, nếu Hàn - Mỹ không tổ chức các cuộc tập trận này, họ sẽ không nã pháo vào đảo Yeonpyeong".

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. 

Tuy nhiên, vị quan chức này nói, Bắc Triều Tiên nói với Trung Quốc rằng, nếu Mỹ chấm dứt chính sách thù địch đối với CHDCND Triều Tiên, từ đó tạo ra điều kiện cho cuộc đàm phán, thì họ sẽ cùng đàm phán với Mỹ.

Sau sự kiện đấu pháo, người phụ trách các vấn đề đối ngoại, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc đã có chuyến thăm đến Bình Nhưỡng. Hàn Quốc và Mỹ yêu cầu Bắc Triều Tiên xin lỗi về một loạt các hành động khiêu khích trong đó có sự kiện nã pháo đảo Yeonpyeong gần đây.

Theo tờ “Thành báo” của Hồng Kông ngày 13/12, để giảm bớt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, phía Trung Quốc lại một lần nữa đề nghị đàm phán khẩn cấp các trưởng đoàn Hội đàm sáu bên, nhưng phía Nhật Bản giữ thái độ thận trọng, cho biết không quan tâm về việc "lấy đối thoại để đổi đối thoại", Bắc Triều Tiên thì tỏ ra rất tích cực, cho hay nếu 5 nước đều tham dự, Bắc Triều Tiên sẽ tham dự hội nghị.

Trưởng đoàn Hội đàm sáu bên vấn đề hạt nhân Triều Tiên phía Nhật Bản, Cục trưởng Cục Châu Á - Bộ Ngoại giao Nhật Bản, Kenichiro Sasae mới vừa có chuyến thăm đến Bắc Kinh, hội đàm với Đặc phái viên vấn đề bán đảo Triều Tiên của chính phủ Trung Quốc là Vũ Đại Vĩ.

Vũ Đại Vĩ đã giới thiệu về nội dung hội đàm giữa Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc và lãnh đạo cao nhất Bắc Triều Tiên Kim Jong Il, đồng thời tiếp tục đề nghị tổ chức đàm phán khẩn cấp các trưởng đoàn Hội đàm sáu bên, để làm giảm tình hình căng thẳng bán đảo Triều Tiên do sự kiện nã pháo đảo Yeonpyeong gây ra, nhưng Kenichiro Sasae luôn giữ thái độ thận trọng đối với vấn đề này.

Sau hội đàm, Kenichiro Sasae cho biết: “Đàm phán khẩn cấp cần phải có bầu không khí và sự chuẩn bị cần thiết nhằm đạt được kết quả nhất định. Trong hội đàm, tôi đã cho biết là không hứng thú gì việc “lấy đối thoại đổi lấy đối thoại”.

Tuy nhiên, quan chức này cũng tiết lộ rằng ông đã nói với phía Trung Quốc rằng, Nhật đã đạt được đồng thuận với Mỹ và Hàn Quốc về tiền đề của đối thoại, tức là Bắc Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hóa nếu muốn đối thoại đa phương.

Khánh Hưng(Theo Tân Hoa Xã)

Bình luận
vtcnews.vn