Hội nghị QP ASEAN không né tránh các vấn đề nhạy cảm

Thế giớiThứ Năm, 07/10/2010 10:52:00 +07:00

Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) không né tránh bất kỳ vấn đề gì, nhưng sẽ không để diễn đàn này thành nơi tranh cãi của các nước.

Trả lời báo chí chiều 7/10, trung tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) không né tránh bất kỳ vấn đề gì, nhưng sẽ không để diễn đàn này thành nơi tranh cãi của các nước.

Chiều 7/10, Bộ Quốc phòng đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế thông tin về Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ nhất diễn ra tại Hà Nội vào 11-13/10.

Theo trung tướng Nguyễn Chí Vịnh (giữa), ADMM+ là một "cấu trúc an ninh đầy tiềm năng". Ảnh: Nguyễn Hưng. 

Hiện, đã có 15 trên tổng số 18 quốc gia dự hội nghị đã khẳng định cử bộ trưởng quốc phòng tham dự. Trong số 8 nước đối tác (gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Australia và New Zealand), ngoài Nga chưa khẳng định, bộ trưởng quốc phòng các nước còn lại sẽ đến Hà Nội vào tuần tới.

Theo trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Hội nghị ADMM+ lần đầu tập trung vào những vấn đề chung, chứ không đề cập tới các vấn đề cụ thể như tình hình trên bán đảo Triều Tiên, vấn đề biển Đông.

Theo ông, ADMM+ có những điểm đặc thù. Đây là diễn đàn tìm ra được những vấn đề chung, thách thức chung, những vấn đề có tính phổ biến để cùng hợp tác. Chính vì điều đó, chương trình nghị sự sẽ trao đổi về an ninh tới hợp tác thực tế. Đây là sự điểm đặc trưng, tạo ra sự khác biệt của ADMM+ với các diễn đàn an ninh khác.

"Trong hội nghị đầu tiên, Việt Nam mong muốn các nước dành nhiều thời gian bàn về tương lai của ADMM+. Trong tiến trình phát triển của ADMM+ sẽ lần lượt đề cập đến những vấn đề mà các nước quan tâm", tướng Vịnh cho biết.

Đại diện Bộ Quốc phòng cho rằng, với một cấu trúc an ninh đầy tiềm năng của ADMM+ thì điều quan trọng nhất trong kỳ họp sắp tới là làm sao để có bước khởi đầu suôn sẻ, định hướng đúng để hợp tác đem lại lợi ích, hòa bình, ổn định trong khu vực.

"Tôi không cho rằng hội nghị này nói riêng cũng như cơ chế hợp tác ADMM+ là một diễn đàn né tránh những vấn đề nhạy cảm. Tiến trình ADMM+ không né tránh bất kỳ vấn đề gì nhưng các bộ trưởng quốc phòng các nước ASEAN và đối tác đã đồng thuận với nhau là không để diễn đàn này thành nơi tranh cãi của các nước với nhau", trung tướng Vịnh nói.

Mặc dù không nằm trong chương trình, tuy nhiên, trước câu hỏi liên quan tới Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), trung tướng Vịnh phát biểu, Việt Nam mong muốn sớm có cuộc họp của các chuyên gia để sớm có COC. Trong các hội nghị ASEAN vừa qua, đặc biệt là Hội nghị cấp cao và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, ASEAN và Trung Quốc đã thống nhất tổ chức họp các nhóm để bàn việc xây dựng COC.

"Tôi nghĩ rằng việc xây dựng này không phải dễ dàng và nhanh chóng nhưng nếu chúng ta kiên trì và có thiện chí thì sẽ đến đích như nguyện vọng của các nước ASEAN", ông nói.

Trung Quốc và 10 thành viên của khối ASEAN ký Tuyên bố ứng xử về biển Đông (DOC) năm 2002, trong đó kêu gọi giải quyết các tranh cãi về chủ quyền của quần đảo Trường Sa bằng hòa bình và tránh mọi bước đi có thể dẫn đến xung đột. Biển Đông được cho là có trữ lượng dầu và khí thiên nhiên rất lớn. Đây cũng là tuyến đường biển bận rộn và vùng đánh bắt hải sản màu mỡ.

Bộ Quốc phòng khẳng định, Hội nghị ADMM+ lần đầu tiên có ý nghĩa chính trị và lịch sử quan trọng, đánh dấu bước khởi đầu cho một cơ chế hợp tác quốc phòng - an ninh mới trong cấu trúc an ninh khu vực đang nổi lên hiện nay. Trong chương trình nghị sự, các nước ASEAN xác định 5 lĩnh vực ưu tiên hợp tác gồm: an ninh biển, quân y, chống khủng bố và các hoạt động gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa.

Hội nghị lần này cũng sẽ chứng kiến việc ký thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương Việt Nam - Hàn Quốc và hàng loạt cuộc gặp song phương giữa các bộ trưởng.

Theo Nguyễn Hưng (Vnexpress)

Bình luận
vtcnews.vn