4 “bài toán khó” đang chờ Nội các Nhật Bản giải quyết

Thời sự quốc tếThứ Bảy, 12/06/2010 08:00:00 +07:00

(VTC News) - Chính quyền mới cũng sẽ phải quan tâm đến việc cải cách hệ thống an sinh xã hội và xây dựng hệ thống nhận dạng ID của người đóng thuế.

(VTC News) - Ngày 4/6, với 313 phiếu ủng hộ trên 477 phiếu hợp lệ, Hạ viện Nhật Bản đã nhất trí bầu ông Naoto Kan, người đã từng giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính trong nội các của Thủ tướng Yukio Hatoyama, làm Thủ Tướng thứ 94 của Nhật Bản. Tuy nhiên, khi ngồi trên ghế Thủ tướng, hẳn ông Naoto Kan cũng không dễ dàng gì khi tiếp nhận “những di sản” từ người tiền nhiệm Hatoyama.

 

Thứ nhất, xử lý “các di sản” còn tồn tại 

Trước khi Hatoyama từ chức, Chính phủ Nhật Bản đã trình dự luật về cải cách ngành bưu điện lên Thượng viện vào ngày 31/5, nhưng khi Thủ tướng Hatoyama từ chức đã phủ bóng đen lên triển vọng thông qua dự luật về vấn đề này. Hiện dự luật này vẫn chưa được thảo luận ở Ủy ban về các vấn đề chung. Nhiều khả năng việc tái cấu trúc Tập đoàn Bưu điện Nhật Bản và tăng hạn mức tối đa phí dịch vụ bảo hiểm và tiết kiệm bưu điện sẽ tạm thời được gác lại.  

Nội các mới của Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan sẽ phải giải quyết nhiều vấn đề nan giải do người tiền nhiệm Hayoyama để lại. 

Chính quyền mới cũng sẽ phải quan tâm đến việc cải cách hệ thống an sinh xã hội và xây dựng hệ thống nhận dạng ID của người đóng thuế được đưa ra từ trước. Đây là một nhân tố quan trọng để cải thiện môi trường thuế trước khi tăng thuế tiêu dùng nhằm góp phần khôi phục sự lành mạnh tài chính của Chính phủ.
 

Tiếp đó là nghiên cứu xây dựng một hệ thống thu phí đường cao tốc mới. Trong nội bộ của DPJ, nhiều người lo ngại rằng việc rà soát lại hệ thống thu phí đường cao tốc chỉ có thể dẫn tới việc tăng phí - điều trái với cam kết tranh cử của DPJ trong cuộc bầu cử Hạ viện vào cuối tháng 8/2009 là xóa bỏ việc thu phí đường cao tốc.  

Ngoài ra, nội các mới cũng phải đối mặt với vấn đề trợ cấp cho học sinh, nâng độ tuổi miễn học phí từ tới lớp 9 đến tới lớp 12... Như vậy chính phủ mới sẽ phải chi ngân sách rất lớn trong khi đang nhấn mạnh sẽ siết chặt một số tổ chức, cắt giảm chi tiêu, nhưng rốt cuộc thì siết chặt được một phần nhưng lại phải chi gấp nhiều lần nên bài toán thâm hụt vẫn chưa tìm thấy lối thoát.  

Thứ hai, khôi phục uy tín của DPJ 

Khôi phục uy tín của Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) cũng là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. 

Ngoài việc xử lý các di sản mà người tiền nhiệm đã để lại, tân Thủ tướng Kan chắc chắn sẽ phải làm rất nhiều việc để khôi phục uy tín của DPJ và xây dựng đảng này thành một đảng trong sạch sau khi các cựu lãnh đạo của đảng, trong đó có cựu Thủ tướng Hatoyama và cựu Tổng Thư ký Ichiro Osawa, đều bị dính líu tới các vụ bê bối quỹ chính trị. 
 

Nhiệm vụ quan trọng nhất của tân Thủ tướng là lấy lại niềm tin của cử tri, vốn đã sứt mẻ nhiều trong 8 tháng cầm quyền của Cựu Thủ tướng Hatoyama, và dẫn dắt DPJ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới, dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 11/7.  

Vấn đề hiện nay đối với Chính phủ mới là làm thế nào để đạt được một số thành tựu đáng kể trong khoảng thời gian ngắn từ nay tới trước cuộc bầu cử Thượng viện. Trước đó, để thắng cử trong năm 2009, đường lối, chính sách của đảng DPJ mang nhiều màu sắc mị dân. Nhưng hiện tại, khi thực hiện các cam kết đã hứa, họ gặp rất nhiều khó khăn.  

Bên cạnh đó, tân Thủ tướng Kan sẽ phải nỗ lực để điều hành một chính phủ mới một cách độc lập hơn và ít chịu ảnh hưởng của ông Osawa, nhân vật quyền lực nhất ở đảng cầm quyền này, trong khi vẫn phải khôi phục sự đoàn kết trong nội bộ đảng - vốn đã rạn nứt nhiều sau cuộc bầu cử vừa qua.  

Có thể nói Tổng thư ký Osawa Đảng DPJ là “bộ não” sắp xếp tất cả những vấn đề thuộc về bầu cử và giúp DPJ giành thắng lợi vào tháng 9 năm 2009.  

Thứ ba, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết  nợ công 

Giải quyết nợ công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nhất của Nội các lãnh đạo mới của Nhật Bản. (Ảnh minh hoạ). 

Ngày 8/6, Tân Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan tuyên bố chính quyền mới của ông sẽ ưu tiên tập trung tái thiết nền kinh tế trì trệ trong suốt nhiều năm qua. Trong đó, tái thiết nền tài chính quốc gia là một điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản, song Kan cũng thừa nhận "việc khôi phục sức khỏe của nền tài chính" là một "thách thức lớn nhất" đối với chính phủ mới.
 

Tính đến cuối năm tài khóa 2009 (kết thúc ngày 31/3/2010), nợ công của Nhật Bản ở mức cao kỷ lục, 882.920 tỷ Yên, tăng 36.430 tỷ Yên so với năm tài khóa trước. Với mức cao như vậy, hiện Nhật Bản là nước “nặng gánh” nhất trong khu vực các nước công nghiệp phát triển. 

Trước tình hình nợ công của Nhật Bản đang chiếm gần 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Chính phủ mới chắc chắn sẽ phải sớm công bố một kế hoạch tài chính mới mang tính đột phá để thể hiện khả năng quản lý ngân sách của mình. Khung tài chính trung hạn sẽ đưa ra các con số dự báo về các khoản chi và thu ngân sách trong vòng 3 năm tới.  

Trên cơ sở khung tài chính trung hạn này, Nhật Bản muốn tận dụng cơ hội tham gia hội nghị thượng đỉnh G8 và G20 ở Canađa từ ngày 25 đến 27/6 để công bố lộ trình mới nhằm khôi phục sự lành mạnh về tài chính của họ. Mục đích của Chính phủ Nhật Bản là làm tăng giá trị trái phiếu mà Chính phủ Nhật Bản dự định phát hành để bù đắp thâm hụt ngân sách vượt xa so với nguồn thu từ thuế.  

Thứ tư, cân bằng các mối quan hệ đối ngoại 

Thách thức đối ngoại trước mắt và cũng là lớn nhất mà nhà lãnh đạo mới N.Kan phải vượt qua, đó là cân bằng mối quan hệ với Mỹ, một đồng minh then chốt của Nhật Bản ở bên kia Đại Dương sau "sự cố" Futenma. Đây là vấn đề vô cùng hóc búa, phải hàn gắn quan hệ với Mỹ - đồng minh thân cận nhất của Nhật Bản nhưng cũng phải làm yên lòng cử tri Nhật Bản.  

Lực lượng quân đội Mỹ tại căn cứ trên đảo Okinawa. (Ảnh minh hoạ). 

Quan hệ giữa hai nước vốn đã bị sứt mẻ nhiều trong thời gian qua do vấn đề di chuyển căn cứ không quân Futenma của quân đội Mỹ ở tỉnh Okinawa. Cựu Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hirofumi Hirano cho rằng: “Sau khi nghiên cứu kỹ thất bại của cựu Thủ tướng Hatoyama trong việc theo đuổi chủ nghĩa lý tưởng về vấn đề Futenma, chắc chắn Kan sẽ có cách tiếp cận thực dụng hơn”. 
 

Thủ tướng Kan cũng khẳng định sẽ tôn trọng các thỏa thuận gần đây giữa Tokyo và Washington trong việc di chuyển căn cứ không quân Futenma tại Okinawa. Mặc dù nhấn mạnh rằng nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản là quan hệ đồng minh với Mỹ nhưng Thủ tướng Kan cũng không quên khẳng định quan hệ với Trung Quốc là quan trọng.  

Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên trên cương vị Thủ tướng, ông Naoto Kan đang có kế hoạch chọn Trung Quốc làm điểm dừng chân đầu tiên.Ông Kan cũng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi mục tiêu thành lập Cộng đồng Đông Á, cùng với 3 mục tiêu chính sách khác của người tiền nhiệm là: giảm 25% lượng khí thải nhà kính vào năm 2020 so với năm 1990; giảm quyền lực của chính quyền trung ương và trao thêm quyền cho các địa phương; tăng cường các dịch vụ công.  

Trong bối cảnh đầy thách thức, con đường phía trước của tân Thủ tướng Nhật Bản N.Kan có quá nhiều chông gai. Giải quyết vấn đề nợ công không phải một sớm một chiều và cũng không ai dám chắc rằng khi Naoto Kan khẳng định sẽ tôn trọng thỏa thuận với Washington về căn cứ thủy quân lục chiến, ông sẽ không phải chịu nhiều sức ép như người tiền nhiệm.  

Niềm tin vào DPJ sau những gì mà đảng này thể hiện trong hơn 8 tháng qua cũng như những bất ổn trên chính trường hiện nay đang được xứ sở mặt trời mọc dõi theo. Liệu nó có thể chấm dứt sau khi ông N.Kan lên kế nhiệm và liệu nội các mới có thể vượt qua những thách thức đang sẵn chờ ở phía trước? Tất cả mới chỉ là bắt đầu.

Lê Dũng

 

Bình luận
vtcnews.vn