Nghe “đại gia gàn” nói về phí hạn chế ô tô

XeThứ Hai, 26/03/2012 12:59:00 +07:00

(VTC News) - Hạn chế ô tô, là kìm hãm sự phát triển của thị trường, kìm hãm nền công nghiệp ô tô, kéo theo đó làm kìm hãm sự phát triển của đất nước.

(VTC News) - Phí hạn chế ô tô, đã sai ngay từ cái tên rồi. Hạn chế ô tô, tức là kìm hãm sự phát triển của thị trường, kìm hãm sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và kéo theo đó làm kìm hãm sự phát triển của đất nước.


Trong lần nói chuyện với “đại gia gàn” Bùi Xuân Hải, tức Hải “Đồ Cổ” – doanh nhân một thời đất Cảng, ông khẳng định: “Muốn kinh tế đất nước phát triển, có hai nút thắt quan trọng nhất cần gỡ bỏ, đó là vốn hóa quỹ đất và giải phóng nền công nghiệp sản xuất ô tô”. Ông đã viết vô số đề án tỉ mỉ phân tích về hai “nút thắt” này.

Ông Bùi Xuân Hải: "Nền công nghiệp ô tô là tiền để của công nghiệp vũ khí, tên lửa, vệ tinh, vũ trụ..." 

Theo ông, chính sách của nước ta, phân biệt đất ruộng, vườn, ao, rừng, thổ cư… thì chính chúng ta đã hạ thấp giá trị của “tấc đất tấc vàng”. Đất được biến thành phương tiện sản xuất, được cầm cố ngân hàng huy động vốn, thì sẽ tạo ra nguồn vốn khổng lồ phục vụ sản xuất. Đất được giải phóng, thì đất nước ta sẽ có thêm hàng vạn tỷ phú.

Giải phóng nền sản xuất ô tô: Giảm các loại thuế, phí, thì thị trường ô tô sẽ phát triển. Nhiều người sử dụng ô tô thì các nhà sản xuất nước ngoài sẽ đem công nghệ sản xuất ô tô vào Việt Nam. Ngành sản xuất ô tô trong nước cũng sẽ cạnh tranh lành mạnh để cùng khởi sắc.

Chúng ta bảo hộ, co hẹp thị trường, thì nước ngoài không muốn đầu tư vào, còn trong nước dựa vào ưu tiên nên cũng không muốn phát triển. Các doanh nghiệp trong nước cứ mua phụ tùng về lắp ráp, rồi bán, đỡ nhọc óc mà dễ kiếm ăn hơn không? Điều này lý giải vì sao Công ty Ford đầu tư vào Hải Dương 10 năm trước thế nào, thì giờ vẫn thế, không phát triển, không mở rộng được thêm tý nào.

Theo ông Hải, nền công nghiệp sản xuất ô tô còn quan trọng hơn cả sản xuất máy bay, tên lửa, tàu vũ trụ… Sản xuất ô tô phát triển, sẽ thúc đẩy công nghiệp điện tử, luyện kim, nhựa, cao su, chế tạo máy… tạo ra hàng ngàn nhà máy sản xuất phụ trợ, tạo việc làm cho hàng triệu người.

Nền công nghiệp phụ trợ phát triển, thì ô tô sẽ rẻ, chúng ta sẽ xuất khẩu được ô tô (như Thái Lan) và chúng ta mới có cơ may trở thành công xưởng của thế giới.

Nền công nghiệp ô tô phát triển, sẽ thúc đẩy công nghệ thông tin, viễn thông, hàng không, tên lửa, vệ tinh, vũ trụ… Và như vậy, đất nước mới có cơ hội cất cánh, mới hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa.

Trong khi chúng ta không mở “nút thắt”, thì lại đi thắt cổ luôn nền công nghiệp ô tô, triệt tiêu luôn cái động lực phát triển kinh tế, mà tất cả các nước tư bản đều coi trọng.

Thu được từ chiếc Kia morning này 20 triệu đồng tiền phí hạn chế, thì chúng ta thất thu 300 triệu đồng tiền các loại thuế, phí, vì người dân không mua nó nữa. 

Tôi hỏi ông Hải “Đồ Cổ”: “Nếu sản xuất ô tô nhiều, bán rẻ, thì làm gì có chỗ đỗ ô tô, nói gì đến việc lưu thông?”. Ông Hải xua tay: “Đó là việc của ngành giao thông. Ngành giao thông phải lo việc đó. Đấy không phải việc của ngành công nghiệp”.

Theo ông Hải, nếu nền công nghiệp ô tô phát triển, đất nước giàu có, thì việc trả nợ cho những con đường bằng ODA, bằng vốn vay khác, bằng vốn hóa quỹ đất, sẽ rất đơn giản.

Phí hạn chế ô tô, đã sai ngay từ cái tên rồi. Hạn chế ô tô, tức là kìm hãm sự phát triển của thị trường, kìm hãm sự phát triển của nền công nghiệp ô tô và kéo theo đó làm kìm hãm sự phát triển của đất nước.

Hiện tại, để một chiếc ô tô lăn bánh, Nhà nước đã thu về vài trăm triệu, thậm chí vài tỷ đồng với siêu xe, một khoản tiền không nhỏ. Nhưng chỉ vì mức phí mấy chục triệu đồng, người dân không mua ô tô nữa, thì coi như Nhà nước đã mất một cục to. Bộ GTVT đang trình một đề án “thả con cá sộp để bắt con săn sắt”. Chưa kể, nó đang đẩy xã hội vào một mớ bòng bong khó khăn khi vô vàn liên lụy kéo theo.

Dương Phong
Bình luận
vtcnews.vn