Sơn lại màu xe, DN taxi sẽ tốn hàng trăm tỷ đồng

Kinh tếThứ Sáu, 27/08/2010 09:26:00 +07:00

Hàng trăm doanh nghiệp taxi trong cả nước hiện đang hốt hoảng vì quy định của bộ Giao thông vận tải: mỗi hãng taxi chỉ được phép đăng ký một màu sơn thống nhất.

Hàng trăm doanh nghiệp taxi trong cả nước hiện đang hốt hoảng vì quy định của bộ Giao thông vận tải: mỗi hãng taxi chỉ được phép đăng ký một màu sơn thống nhất thay vì được đăng ký nhiều màu sơn như trước đây. Điều này cũng có nghĩa là các doanh nghiệp sẽ phải tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng để “tút” lại sơn và xin cấp lại đăng ký cho hàng vạn chiếc xe vốn đã được đổi màu.


Theo ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội, chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, sẽ có khoảng 7000 taxi phải sơn và đăng ký lại xe 
Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Quốc Bình, chủ tịch Hiệp hội vận tải taxi Hà Nội bức xúc: đây là một quyết định hết sức vô lý, gây khó cho doanh nghiệp. Bởi thực hiện theo đúng quy định trên, thì chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, sẽ có khoảng 50% số taxi (tổng số taxi là 14.000 xe) của các doanh nghiệp sẽ phải sơn và đăng ký lại xe.

“Với chi phí khoảng hơn 10 triệu đồng/xe thì các doanh nghiệp sẽ phải tiêu tốn khoảng 70 tỷ đồng cho việc này”, ông Bình tính toán.

Theo ông Bình, việc bộ Giao thông vận tải cho rằng, quy định trên là giúp quản lý tốt, để người dân phân biệt xe của các hãng với nhau là không đúng, vì phân biệt các hãng taxi là dựa vào logo, số điện thoại, chứ không phải là màu. “Nên ngay sau khi Thông tư ra đời, hiệp hội đã có văn bản gửi bộ GTVT đề nghị bỏ quy định trên, nhưng không được chấp thuận”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, đến nay, mặc dù đã bị các cơ quan chức năng thúc giục thực hiện qui định này nhưng các doanh nghiệp taxi trên địa bàn Hà Nội vẫn đang chờ đợi vào sự xem xét lại của cơ quan quản lý nhà nước.

Khoản 1 điều 33 về Đăng ký màu sơn, biểu trưng (Thông tư 14) nói rõ: Trước khi đưa xe vào khai thác doanh nghiệp, hợp tác xã phải thực hiện đăng ký một màu sơn thống nhất giữa các xe của doanh nghiệp, hợp tác xã.

“Việc thống nhất về màu sơn là lãng phí khủng khiếp và không giải quyết được mục tiêu ngăn chặn taxi “dù” và nhái nhãn hiệu của các hãng có thương hiệu. Vấn đề cốt lõi là việc các cơ quan chức năng thực hiện việc xử lý đối với các trường hợp vi phạm như thế nào”- ông Bình bày tỏ.

Ông Tạ Long Hỷ, giám đốc taxi Vina Sun, kiêm chủ tịch hiệp hội taxi TP.Hồ Chí Minh cũng nêu quan điểm: không nhất thiết phải sơn lại toàn bộ xe mà chỉ một phần nào đó như các vạch bên thân, lườn xe là đủ để nhận biết màu đặc trưng.

Tuy nhiên, ông Hỷ nói số lượng này (số doanh nghiệp taxi có xe 2 màu khác nhau) ở TP.Hồ Chí Minh không nhiều vì từ hồi Nghị định 110, các doanh nghiệp taxi lớn như Mai Linh, Vina Sun, Sài Gòn tourist… khi đặt xe từ nhà cung cấp đã thống nhất màu sơn giống nhau.

Chiều cùng ngày, trao đổi qua điện thoại với PV, phó tổng cục trưởng tổng cục Đường bộ (bộ GTVT), ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng, có thể các doanh nghiệp taxi “hiểu chưa đúng” nên bức xúc.

Dẫu vậy, khi được hỏi theo ông điểm nào dễ gây hiểu nhầm cho doanh nghiệp thì ông Quyền chỉ nói, tới đây bộ GTVT sẽ tổ chức tập huấn để hướng dẫn các doanh nghiệp cụ thể.

Vậy có khả năng phải tạm hoãn thực hiện điểm này như các doanh nghiệp kiến nghị? - “Đến giờ phút này chúng tôi chưa đặt ra vấn đề sửa đổi hay tạm thời ngừng thực hiện điểm này trong thông tư”, ông Quyền nhấn mạnh.


Theo Sài Gòn tiếp thị



Mời Quý độc giả chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và hiến kế để
Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa
Bấm vào đây để viết ý kiến, hoặc gửi về email
[email protected] 


Bình luận
vtcnews.vn