Thủy thủ Việt thoát khỏi tay cướp biển Somalia thế nào?

Thời sựThứ Ba, 24/07/2012 09:00:00 +07:00

(VTC News) – “Chưa định thần ra chuyện gì thì trước mắt bọn em đã có hơn 50 người, mang súng đến chỉ vào người và uy hiếp, chúng em chạy không kịp..."

(VTC News) – “Chưa định thần ra chuyện gì thì trước mắt bọn em đã có hơn 50 người, mang súng đến chỉ vào người và uy hiếp, chúng em chạy không kịp” – một thuyền viên kể lại.

PV VTC News có mặt tại sân bay Nội Bài (chiều 24/7) chứng kiến giây phút đoàn tụ với gia đình của 12 thuyền viên bị hải tặc Somalia bắt giữ (ngày 31/12/2010).

Những giọt nước mắt hòa cùng nụ cười hạnh phúc, niềm vui bên vòng tay của người thân như xua tan đi bao nỗi lo lắng, sợ hãi suốt 18 tháng đen tối mà các thuyền viên phải chịu đựng.

Chưa hết bàng hoàng, anh Lưu Đình Sơn (SN 1991, ở Thạch Ngàn, Con Cuông, Nghệ An) kể, ngày 31/12/2010, trong khi anh cùng một vài người đang sửa móc câu và làm công việc bình thường tại vùng biển ngoài khơi Madagascar (Ấn Độ Dương), bỗng xuất hiện con tàu lớn áp sát.
 Ạnh Lưu Đình Sơn trong cuộc trao đổi ngắn với PV.
“Chưa định thần thì trước mắt bọn em đã có hơn 50 người mang súng chĩa vào người uy hiếp, chúng em chạy không kịp” – anh Sơn kể lại.

Theo lời anh Sơn, sau khi bị khống chế, các thuyền viên bị những tên này đưa đến một nơi khác (không nhớ đường) rồi nhốt vào một căn phòng, còn tàu bị chúng kiểm soát.

Những ngày đầu bị giam cầm, cướp biển Somalia vẫn cho ăn nhưng rất ít, có khi đến 2 ngày chúng không cho ăn gì. Những ngày sau thì chúng bắt thuyền viên đi làm, sửa máy tàu cho chúng.

Nói đến đây anh Sơn nghẹn lời, giọt nước mắt chảy dài rồi ôm chầm lấy mẹ - người mà anh đã tưởng rằng sẽ không bao giờ gặp lại trong những tháng ngày bị cướp biển giam.

Còn anh Trần Minh Trí (SN 1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) vẫn thất thần khi nhớ lại cảnh bị cướp biển khống chế: “Những tên cướp biển rất to lớn, dữ dằn. Chúng có súng và thường xuyên uy hiếp nên chúng em rất sợ hãi”.

Anh Trần Minh Trí kể lại những ngày bị bắt giữ trong nỗi sợ hãi.
Trong thời gian 18 tháng bị cướp biển khống chế, 12 thuyền viên Việt Nam vẫn được cho liên lạc về nhà nhưng theo anh Trí mỗi lần gọi chỉ được 3-4 phút rồi tắt máy.

Những lần gọi về, mỗi thuyền viên khóc lóc thúc giục gia đình mau chóng vay mượn tiền mang ra công ty đưa đi xuất khẩu để chuộc về, nếu gia đình không làm theo, tất cả sẽ bị giết chết.

Bọn cướp biển Somalia cũng liên lạc, đòi khoảng 60 tỷ đồng tiền chuộc.

>> Video: Hải quân Nga tiêu diệt hải tặc Somalia

Anh Trần Văn Hùng (SN 1987, quê huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, khi mọi người bị cướp biển khống chế, chúng lục soát trên tàu. Phát hiện thuyền trưởng giấu 2 khẩu súng dưới khoang tàu, chúng trói ngược tay chân tất cả thuyền viên rồi treo người lên khoảng 30 phút thì hạ xuống.

Sau khi bắt giữ tàu có thuyền viên Việt Nam, bọn cướp biển vẫn đi bắt các tàu khác. Khoảng 15 ngày sau khi bị bắt, tàu bọn cướp bị hỏng, chúng về vịnh sửa rồi tiếp tục dồn thuyền viên lên tàu, tiếp tục đi cướp. 
Sau 10 tháng lênh đên trên biển, bọn cướp quay về vịnh, giam các thuyền viên vào một căn lều dựng bằng tôn.
Thuyền viên Lưu Đình Hùng.
Theo lời kể của anh Lưu Đình Hùng (SN 1990, ở huyện Nghi Lộc, Nghệ An) thì bọn cướp biển rất trẻ nhưng rất dữ, lúc nào cũng lăm lăm súng trên tay.

Ở vịnh, mỗi ngày các thuyền viên được cho 3-4kg gạo để nấu, khi nấu lên cơm có màu đất. Nước ngọt bọn cướp biển mang cho có mùi phân dê, uống xong ai cũng bị đi ngoài khiến sức lực càng thêm cạn kiệt.

Việc vệ sinh cũng rất khổ, mỗi khi ai đó muốn đi vệ sinh phải xin phép và đi rất hạn chế. Vì thiếu nước ngọt nên 2- 3 tháng mới được tắm một lần.

Ở vùng nắng nóng, nên nhiều thuyền viên bị mắc bệnh, nhưng phải bệnh thật nặng thì mới được cho thuốc.

Vẫn theo anh Hùng, 3 tháng gần nhất trước khi được giải cứu, tất cả bị lùa đến một gốc cây lớn rồi chúng cắm cành cây khoanh vùng, không được ai ra khỏi vòng cấm. Chúng phân thành các toán đứng canh gác nghiêm ngặt.

Đến khi máy bay rải tiền chuộc xuống biển chúng mới thả cho thuyền viên đi dọc bãi biển, cách khu vực của bọn chúng vài km, cho con tin ra 2 ca nô để đưa ra tàu của Trung Quốc.

Cũng trong buổi hội ngộ chiều nay, thuyền viên Nguyễn Văn Hải (SN 1992, ở Quỳnh Lưu, Nghệ An) kể, thời gian ở trên tàu chúng cho mỗi ngày ăn 2 bát cơm và cho đi vệ sinh 1- 2 lần dưới sự giám sát nghiêm ngặt.

Trong vòng 10 tháng từ khi bị bắt, cướp biển bắt các thuyền viên phải kéo canô, thỉnh thoảng chúng bắt thuyền viên gọi điện về yêu cầu người nhà cùng công ty quản lý sớm nộp tiền chuộc.

“Có lần, vì bắt thuyền trưởng gọi điện về đòi tiền chuộc, chúng trói chân tay vào nhau, kéo căng người ra. Thuyền trưởng phải đập đầu xuống sàn để máu chảy ra, mới được thả để gọi điện về nhà” - anh Hải nhớ lại trong hoảng sợ.
 Bà Trần Thị Lơ lúc đang ngóng trông người con trai bị cướp biển bắt giữ trở về.
Bà Trần Thị Lơ (mẹ của thuyền viên Vũ Văn Ba, SN 1991, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, lần gần đây nhất bà được nghe điện thoại của con là vào ngày 28/12 âm lịch (dịp Tết nguyên đán 2012), lần đó anh Ba gọi về và nói rằng đã 2 ngày không được ăn và đang rất hoảng loạn. Cuộc nói chuyện ngắn ngủi dù làm bà Lơ vui mừng khi biết con mình còn sống nhưng lại bất an vì con mình đang khổ sở.

Đối với những gia đình các thuyền viên khác, suốt 18 tháng trời đằng đẵng, người thân đã mòn mỏi, thậm chí nhiều gia đình đã tuyệt vọng về số phận 12 thuyền viên.

Chỉ đến ngày 16/7/2012, các gia đình 12 thuyền viên mới vỡ òa trong niềm vui sau cuộc điện thoại từ Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo, con họ đang còn sống và sẽ trở về trong nay mai.

Đến hôm nay, trong niềm hạnh phúc vỡ òa, các thuyền viên đã trở về an toàn bên gia đình, người thân, quê hương.

Nguyễn Dũng – Minh Chiến

Bình luận
vtcnews.vn