Mưu sinh nhọc nhằn của người nhặt rác thải

Pháp luậtThứ Tư, 07/09/2011 06:54:00 +07:00

(VTC News) - Những năm trước đây, việc nhặt rác mang lại cho họ một khoản thu nhập tương đối...

(VTC News) - Những năm trước đây, việc nhặt rác mang lại cho họ một khoản thu nhập tương đối. Nhưng năm nay, việc làm ít, giá cả, chi phí sinh hoạt, tiền phòng trọ… ngày một tăng cao, những vất vả cõng trên lưng họ ngày càng nhiều hơn.

Những bước chân không mỏi

8h sáng, bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội) đã bắt đầu đông đúc tấp nập bởi số lượng xe cộ và hành khách ra vào bến đang ngày một tăng lên. Cậu bạn đi cùng tôi vừa vứt vỏ chai nước vào thùng rác ngay cạnh đó, lập tức một người phụ nữ dáng vẻ gầy gò, đeo khẩu trang che kín khuân mặt chạy ngay lại cầm chiếc vỏ chai đó bỏ vào túi bóng trong đó đã có sẵn khá nhiều vỏ chai, bìa giấy… rồi lặng lẽ bước đi.

Một người nhặt rác trên đường Phạm Văn Đồng 

Tôi theo tìm để gặp, hỏi ra mới biết: Chị tên là Xuân, quê ở Phú Thọ, ra Hà Nội đã được 2 năm, lúc mới đầu chị đi làm nghề bán hàng rong, rồi đi làm phu hồ với mấy người cùng quê, nhưng do công việc vất vả nên chị đành phải về đây đi nhặt rác kiếm sống.

Đồ nghề của chị cũng khá đơn giản, với một chiếc túi bóng lớn, chị đi quanh bến xe xem có những chiếc chai lọ, non bia, bìa giấy… mà khách vứt đi thì nhặt về để đem bán phế liệu.

Chị cho biết: Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng chị lại bị bệnh tật triền miên không phụ giúp chị được nhiều, trong khi đứa con gái đầu năm nay lên lớp 12 chuẩn bị thi đại học, nếu chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng thôi thì không đủ nên chị giao công việc ở nhà cho các con ra đây tìm việc làm.

Trung bình mỗi ngày chị cũng kiếm được từ 70.000 đến 80.000 đồng từ việc bán phế liệu. Trừ tiền ăn, ở, chi phí sinh hoạt, mỗi tháng chị cũng dành dụm được khoảng gần 2 triệu để gửi về quê lo thuốc thang cho chồng với tiền học hành của các cháu.

Chị Xuân, người nhặt rác tại bến xe Mỹ Đình 

“Làm cái nghề này thì cũng không nặng nhọc gì cho lắm nhưng mà phải đi lại nhiều nên cũng hơi mệt, có hôm tôi bị ốm tưởng không đi làm nổi nhưng mà cứ nghĩ đến các con ở nhà nên đành phải cố gượng dậy để làm”, chị Xuân nói.

Chiếc áo lao động cũ đã ướt đẫm mồ hôi, người đàn ông tên Đức quê ở Xuân Trường, Nam Định rời khỏi đống rác trên đường Xuân Thủy ( Q. Cầu Giấy) với vẻ mặt rầu rĩ bởi sau một thời gian tìm kiếm, anh vẫn chưa thấy thứ gì có thể bán được.

Anh Đức cho biết: Sau mỗi vụ mùa, anh gửi con cho bà nội chăm sóc hộ, còn anh cùng với vợ lên đây để kiếm sống, vợ chồng anh trọ ở đường Xuân La – Xuân Đỉnh, công việc của anh bắt đầu từ 4h chiều tới 11h đêm, anh đạp xe quanh các trục đường chính ở Q.Cầu Giấy, hễ thấy có bãi rác nào là anh ghé vào tìm kiếm bất cứ thứ có thể bán được như là chai, nhựa, bia non, giấy vụn… mỗi ngày làm việc quần quật anh cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng, còn những ngày trời mưa thì kiếm được ít hơn.

Anh Đức quê ở Nam Định, người có thâm niên trong nghề nhặt rác 

Anh Đức chia sẻ: “Tôi làm nghề này đã được hơn 10 năm, làm cái nghề này cũng dư giả hơn một chút so với ở nhà cấy ruộng một năm được 2 vụ mùa thì không ăn thua”.

Trăm mối nguy hiểm


Nhặt rác là một nghề không mấy nặng nhọc, nhưng thường xuyên phải tiếp  xúc với môi trường ô nhiễm, nơi ủ chứa rất nhiều mầm bệnh, trong khi phương tiện bảo hộ của những người nhặt rác chỉ duy nhất có một chiếc khẩu trang, thậm chí có người trong lúc làm việc còn không cả đeo khẩu trang.
Theo anh Đức, làm nghề này đụng chạm với dân nghiện là chuyện bình thường như cơm bữa, về đêm bọn chúng ngang nhiên, chích hút, vật vã ngay trên vỉa hè, nhưng rất hiếm khi bọn chúng cản trở công việc của anh vì chúng cũng biết được hoàn cảnh của người phải đi đêm nhặt từng đồng lẻ trong bãi rác để kiếm sống.

Vào ban đêm, ngoài dân nghiện còn có đất cho bọn đạo chích kiếm ăn. Anh Đức cho biết: Trong lúc đi làm, anh thường xuyên gặp phải những tên đạo chích đột nhập vào nhà dân trộm đồ, nhưng anh cũng vờ đi coi như chưa từng nhìn thấy gì, vì nếu nói ra thì anh sợ bị bọn chúng trả thù, cũng có lúc, bọn chúng gọi anh bán luôn những thứ vừa trộm cắp được nhưng anh từ chối không mua.

“Mua những thứ không làm mà có thì mua làm gì, nếu mua cho bọn chúng thì chả khác nào mình cũng là người ăn trộm”, anh Đức thật thà.

Còn với chị Xuân, ngoài thời gian nhặt rác ở bến xe ra thì vào buổi tối chị thà làm thêm một công việc khác chứ nhất định không chịu đi nhặt rác vào ban đêm bởi theo chị thì: “Ra bến xe còn có người nọ người kia chứ đi đêm thì chỉ có một mình ai biết đó là đâu, toàn những dân tứ xứ ở khắp nơi, tôi cũng sợ lắm”.

Nhặt được đồ nhưng… không biết trả ai

Anh Đức cho biết, trong những lúc bới rác thi thoảng anh nhặt được một số giấy tờ của người dân như: Giấy đăng kí xe, bằng lái xe, chứng minh thư… mà bọn trộm cắp lấy hết tiền rồi vứt đi nhưng anh cũng không biết của ai, không có địa chỉ để trả lại cho họ. Đôi khi có số điện thoại ở đó thì anh gọi điện cho người ta tới lấy.

“Tôi cũng muốn cho họ xin lại, nhưng không có số điện thoại, chả nhẽ mình lại tìm đến tận nhà người ta để trả lại, không khéo họ lại khi ngờ mình là người ăn trộm thì cũng chết, nên đôi khi tôi cầm lên xem xong rồi lại vứt xuống!”, anh Đức nói.

Đằng xa, bỗng có người dân cầm túi rác to vứt xuống lề đường, anh Đức vội vàng đạp xe đến với le lói hy vọng…

Công Luật
Bình luận
vtcnews.vn