Bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Thời sựThứ Bảy, 30/07/2011 05:55:00 +07:00

(VTC News) - Tối 30/7, bão đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sau khi càn quét tại Thanh Hóa, Nghệ An. Một người thiệt mạng do điện giật.

(VTC News) - Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 21 giờ tối 30/7, có một người ở Nghệ An bị thiệt mạng vì bị điện giật.

* Ấn F5 để liên tục cập nhật...

Chiều tối 30/7, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Theo Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, tính đến 21 giờ tối 30/7, có một người ở Nghệ An bị thiệt mạng vì gió thổi đổ cột điện vào người khiến ông bị điện giật.

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Đường đi cơn bão chiều 30/7. Ảnh: Trung tâm KTTV Trung ương 

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ở vịnh Bắc Bộ đêm nay (30/7) còn có có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Thanh Hóa

Chiều 30/7, tại Thanh Hóa đã có gió, triều cường và mưa nguồn làm nước ở hạ nguồn sông Mã lên rất cao, đoạn đê xung yếu Đò Đại xã Quảng Hưng, Thành phố Thanh Hóa có nguy cơ bị sạt lở.

Đến 18 giờ ngày 30/7, đã có 20.000 người dân tại các vùng có nguy cơ nguy hiểm của Thanh Hoá đã được di chuyển đến nơi an toàn.

Đến 20h, trên địa bàn Thanh Hoá có mưa to và gió khá lớn.


Biển Tĩnh Gia (Thanh Hoá) đã dậy sóng khá cao từ chiều tối 30/7. 

Ông Nguyễn Trọng Hải - Chánh VP BCH PCLB tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Chúng tôi đã huy động các lực lượng công an, bộ đội, dân quân các đơn vị giúp dân trong việc di dời đến nơi tránh trú an toàn. Cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành đều vào cuộc một cách tích cực để ứng phó  với bão số 3. Hiện tại, Sở Công thương Thanh Hoá cũng đã dự trữ lương thực và một số mặt hàng thiết yếu đề phòng tình trạng bão lũ chia cắt các vùng dân cư.

Sở GTVT, Bộ đội Biên phòng tỉnh này cũng đã chuẩn bị 188 ô tô tải, 60 máy xúc, 5 cần cẩu, 1 tàu thuỷ công suất 74CV, 233 nhà bạt, 101 ca nô, xuồng máy… sẵn sàng đối phó với những tình huống xấu.

Trưa 30/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp
đến Thanh Hoá chỉ đạo công tác phòng, chống bão.


Lúc 16h30, thực hiện mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Giám đốc Công an tỉnh, Ban Chỉ huy Quân sự thành phố và Công an thành phố đã điều động hàng trăm cán bộ chiến sĩ, phối hợp với lực lượng dân quân tự vệ xã Quảng Hưng và các phương tiện tại chỗ kè chống sạt lở đê phía sông.

Để hạn chế thiệt hại từ cơn bão số 3, trưa 30/7, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã trực tiếp vào Thanh Hoá chỉ đạo công tác phòng, chống bão.

Nhiều tàu thuyền của ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hoá)
đã vào nơi trú ẩn an toàn.
Ảnh: Trần Đông

Đến 16h cùng ngày, toàn bộ 8.568 tàu thuyền với 28.500 lao động của tỉnh Thanh Hoá đã được kêu gọi vào nơi trú ẩn an toàn. Hiện tại, 8.107 phương tiện đã về trú ẩn an toàn tại các bến trong tỉnh. Số tàu còn lại đang trú ẩn tại các khu vực tránh trú bão các tỉnh bạn. Hiện các tàu cá trên đều đã liên lạc với gia đình và chính quyền địa phương.

8 ngư dân cùng hai tàu cá của người dân xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) bị hỏng trên đường vào tránh bão từ tối 29/7 đã được Bộ đội Biên phòng tỉnh này điều tàu ra cứu hộ, thay chân vịt và sửa chữa kịp thời. Hiện hai tàu cá trên đã vào bờ trú ẩn an toàn vào đầu giờ chiều 30/7.

800 tàu cá đã trú ẩn an toàn tại cảng cá Lạch Bạng,
huyện Tĩnh Gia (Thanh Hoá). Ảnh: Trần Đông


Tại cảng cá Lạch Bạng huyện Tĩnh Gia lúc 16h đã có 800 tàu thuyền vào trú ẩn, trong đó có 200 tàu thuyền của ngư dân các tỉnh như: Quảng Ngãi, Bình Định, Nghệ An, Hà Tĩnh, Phú Yên....

Tỉnh Thanh Hoá cũng cử các cán bộ chủ chốt của tỉnh "nằm vùng" tại các địa phương ven biển để trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, tránh bão Nock - Ten.

Nghệ An

Trước thông tin cơn bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp Nghệ An, để kịp thời chỉ đạo phòng chống bão số 3 nhằm giảm bớt thiệt hại về người và tài sản, chiều nay (30/7), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát - Trưởng Ban phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn Trung ương đã đi kiểm tra tình hình thực tế tại Nghệ An.

Ngay sau khi đến Nghệ An, đoàn đã đến huyện Quỳnh Lưu. Theo dự báo thì bão số 3 sẽ đổ bộ vào Nghệ An, tâm bão đi qua huyện Quỳnh Lưu và Diễn Châu. Theo phương án của tỉnh, sẽ có 4.947 hộ với 17.999 nhân khẩu của 5 huyện, thị xã phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Ngư dân Nghệ An trên đường về tránh bão  Ảnh: Huy Cung

Đến 14 giờ chiều 30/7, các huyện, thị xã đã di dời 100% số hộ dân ra khỏi vùng có nguy cơ nguy hiểm cao. 4.268 phương tiện tàu thuyền đã vào nơi trú ẩn an toàn. Một số hồ đập trên địa bàn tỉnh có sự cố về tổ mối ở thân đập nhưng đã kịp thời xử lý.

Qua kiểm tra, bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã đánh giá cao công tác chuẩn bị và sơ tán dân ra đến nơi an toàn của Tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Quỳnh Lưu nói riêng. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT và yêu cầu cần bổ sung lực lượng bộ đội, công an tại một số vùng xung yếu để ứng phó với cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền.

Người dân khu chung cư phường Quang Trung soạn đồ di chuyển đến nơi an toàn. Ảnh: Huy Cung

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCLB tỉnh Nghệ An cho biết, đến 16 giờ chiều 30/7, toàn tỉnh có 4.482 phương tiện tàu thuyền với 23.000 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản đã vào bờ trú ẩn an toàn. Ngoài ra, có 62 phương tiện với 293 lao động các địa phương khác vào tránh trú bão trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Các địa phương, lực lượng đã tổ chức sơ tán dân được 4.947 hộ với 17.999 người. Hiện chưa có thiệt hại nào về người và tài sản.

Hà Tĩnh

Tthông tin từ Biên phòng Hà Tĩnh và Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, toàn bộ 3.797 tàu cá với trên 13.000 lao động đã vào nơi trú ẩn. Trong số đó có hàng trăm tàu thuyền không về kịp đã vào các đảo trú ẩn và ở tỉnh bạn. Cụ thể có 13 tàu với 78 người đã kịp thời trú ẩn tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, 103 tàu với 535 lao động trú tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

Người dân xã Hưng Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hoá) vừa được di dời đến trường tiểu học của xã để tránh bão. Ảnh: Trần Đông 

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu hai huyện Lộc Hà và Nghi Xuân phải di dời dân trước 15h chiều 30/7, cụ thể số dân phải di dời như Lộc Hà 1.120 hộ với 4.240 người, Nghi Xuân 186 hộ với 1.180 người.

Hải Phòng

Từ sáng, gió mạnh cấp 8 giật cấp 9, cấp 10 đã xuất hiện tại huyện đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng). Nước biển chưa dâng cao và chưa có thiệt hại gì về người và tài sản ở huyện đảo trong cơn bão số 3.

Huyện đảo Bạch Long Vỹ sẵn sàng lực lượng, phương tiện phòng, chống bão; chuẩn bị đầy đủ lượng lương thực, thực phẩm; dự trữ 7,5 tấn gạo, 650 thùng mỳ tôm và các loại thực phẩm thiết yếu khác.

Các tàu thuyền đánh cá và các loại phương tiện thủy khác tập trung tại một điểm trú bão an toàn tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (Thái Bình). Ảnh: Minh Đức

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện tổ chức trực ban 24/24 giờ theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão. Hiện toàn bộ số tàu đang hoạt động tại khu vực huyện đảo đã về nơi trú ẩn. Những nhà dân ở vùng xung yếu đã được chằng, chống cẩn thận; sơ tán hơn 10 hộ dân và các hộ kinh doanh ở khu vực đường dạo gần mép nước về nơi trú bão, bảo đảm tuyệt đối an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản.

Thái Bình

Vào hồi 15 giờ chiều 30/7, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (cơn bão Nock-ten), ở các huyện ven biển là Thái Thụy, Tiền Hải (Thái Bình) đã có gió mạnh cấp 6, cấp 7 giật cấp 8 cấp 9.

Tại bờ biển Tiền Hải( Thái Bình) gió rất mạnh, biển động dữ dội . Ảnh: Thế Duyệt 

Thực hiện các công tác phòng chống bão, hơn 1.400 tàu thuyền của tỉnh Thái Bình đã vào nơi trú ẩn an toàn, các trạm bơm đã được bảo dưỡng để chuẩn bị cho công tác tiêu thoát nước xả lũ. Đến chiều 30/7/2011 các công tác phòng chống bão đã cơ bản hoàn thành.

Nam Định

Tỉnh đang thực hiện khẩn cấp lệnh cưỡng chế đối với toàn bộ các phương tiện đánh bắt, các đối tượng cố tình đánh bắt, khai thác này. Theo đó, đến 10 giờ ngày 30/7, toàn bộ các phương tiện đánh bắt, ngư dân ở khu vực lều vạng sẽ buộc phải vào bờ, rời lều tránh bão.

Theo thường trực Phòng Tham mưu Bộ đội biên phòng tỉnh Nam Định, cùng thời gian đó, tỉnh thực hiện lệnh cấm biển; yêu cầu các đơn, trạm kiểm soát biên phòng không cho bất cứ một tàu, thuyền nào ra khơi; thiết lập và tổ chức hướng dẫn các phương tiện vệ nơi neo đậu an toàn tại các cống, khu vực cảng cá, cảng Hải Thịnh, âu neo đậu tàu thuyền Quất Lâm thuộc các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy.

Thu gom ngao giống vận chuyển vào nơi an toàn của một hộ gia đình tại xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải. Ảnh: Thế Duyệt

Ninh Bình

Đồng chí Phạm Bá Thao, Đồn trưởng Đồn biên phòng 104 thuộc BĐBP tỉnh Ninh Bình cho biết: “Tính đến 15h30 ngày 30/7, đồn biên phòng 104 thuộc BĐBP tỉnh đã kêu gọi 100% các phương tiện, tàu thuyền trên địa bàn về nơi trú, tránh bão an toàn; đặc biệt, cán bộ chiến sĩ đồn 104 đã kịp thời có mặt giúp nhân dân chằng, chống nhà sẵn sàng đối phó với diễn biến phức tạp của cơn bão số 3”.

Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để thông tin kịp thời vị trí, hướng di chuyển, mức độ ảnh hưởng của bão cho ngư dân và các hộ nuôi trồng thủy sản ở bãi bồi ven biển.

Các chiến sĩ đồn biên phòng 104 đang giúp nhân dân chằng nhà chống bão. Ảnh: KTĐT

BCH BĐBP cũng đã phối hợp với các sở, ban ngành của tỉnh Ninh Bình và huyện Kim Sơn tiến hành kiểm tra các trọng điểm xung yếu trên các hệ thống đê sông đê biển; rà soát các công trình đang thi công và chỉ đạo các đơn vị thi công tập kết vật tư, phương tiện, chuẩn bị nhân lực để sẵn sàng hộ đê khi có tình huống xảy ra và có biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiên và tài sản của đơn vị thi công khi có bão đổ bộ vào.

Cảnh báo lũ trên sông từ Thanh Hóa-Hà Tĩnh

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, hôm qua và hôm nay (31/7), các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ có một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.

Đợt mưa này có khả năng kéo dài 1-2 ngày. Từ chiều tối 30/7, lũ trên các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh sẽ lên.

Trong đợt lũ này, mực nước ở hạ lưu các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng lên mức báo động 1, ở thượng lưu có khả năng lên mức báo động 1-báo động 2, có nơi trên báo động 2.

Đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể xảy ra ở vùng núi, ngập lụt ở vùng trũng và đồng bằng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình


Một số hình ảnh đầu tiên của cơn bão tại Thanh Hóa (ảnh do CTV cung cấp):




TIN CUỐI CÙNG VỀ CƠN BÃO SỐ 3

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, ở trạm đảo Cô Tô có gió mạnh 17m/s (cấp 7), giật 27m/s (cấp 10); ở trạm đảo Bạch Long Vĩ có gió mạnh 21m/s (cấp 9), giật 25m/s (cấp 10); Văn Lý (Nam Định) 19m/s (cấp 8), giật 22m/s (cấp 9); Thái Bình 16m/s (cấp 7), giật 20m/s (cấp 8), ở Sầm Sơn (Thanh Hóa) có gió mạnh 17m/s ( cấp 7), giật 22m/s (cấp 9), Hòn Ngư (Nghệ An) 18m/s (cấp 8), giật 22m/s (cấp 9).

 Ở nam đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to và dông; với lượng mưa phổ biến 15 - 30mm; riêng Nghệ An - Quảng Bình có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến 50 - 100mm; một số nơi có mưa trên 100mm như Tp.Vinh 208mm; Hòn Ngư (Nghệ An) 240mm; Linh Cảm (Hà Tĩnh) 178mm; Tuyên Hóa (Quảng Bình ) 101mm…

Chiều tối 30/7, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Tối nay áp thấp nhiệt đới đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

Hồi 22 giờ, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 104,9 độ Kinh Đông, trên khu vực Thanh Hóa - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39km một giờ). Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp này di chuyển theo hướng Tây suy yếu và tan dần trên khu vực Trung Lào.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, vùng ven biển các tỉnh từ Nam Định đến Nghệ An đêm 30/7 còn có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra, do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, ở khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, cấp 8 và có mưa rào và dông mạnh. Biển động. Trong cơn dông cần đề phòng có lốc xoáy.

Đây là tin cuối cùng về cơn bão số 3.

Bản tin 23h30 - Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia

Nhóm PV

Bình luận
vtcnews.vn