Chuyện ảnh: 41 năm và ngày về đất mẹ của một Liệt sĩ

Thời sựThứ Tư, 27/07/2011 06:17:00 +07:00

(VTC News) – Người em nghẹn ngào dang cánh tay đón anh vào lòng. Hơn nửa đời người xa cách, nay anh về chỉ với nắm đất trong ba lô...

(VTC News) – Tôi không kìm nổi nước mắt khi thấy cảnh người em dang cánh tay đón anh vào lòng và khóc nức nở. Hơn nửa đời người xa cách, nay anh trở về chỉ với nắm đất trong chiếc ba lô...

Anh là Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng, sinh năm 1949 tại xã Nam Chấn, huyện Nam Ninh, tỉnh Hà Nam Ninh (nay là xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) trong một gia đình thuần nông, yêu nước.

Tháng 10/1967, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai trẻ 17 tuổi Duy Thắng đã xung phong lên đường nhập ngũ. 3 năm sau, ngày 18/6/1970, gia đình anh bàng hoàng hay tin, anh đã anh dũng hy sinh ở chiến trường Tây Nguyên.

Đất nước hòa bình, bao người con liệt sĩ của quê hương lần lượt trở về với đất mẹ, nhưng anh vẫn bặt vô âm tín, khiến cho tâm nguyện của người thân gia đình anh thêm phần đau đáu. Phải tới ngày giỗ lần thứ 41, anh mới báo mộng, nhập dẫn linh hồn đưa người thân của mình vào nghĩa trang Liệt sĩ xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, tỉnh Kon Tum đón anh trở về.

Và thật ý nghĩa, ngày Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng trở về với đất mẹ cũng là dịp cả nước đang long trọng kỷ niệm 64 năm ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2011).

VTC News xin gửi tới độc giả những hình ảnh xúc động từ Lễ đón hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng. Những hình ảnh xúc động này này cũng là lời tri ân mà những người làm báo chúng tôi gửi tới gia đình Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng cũng như bao gia đình Thương binh - Liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng trên cả nước.

Ông Nguyễn Duy Quyết, em trai của liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng chở sau một cựu chiến binh mang theo cờ Quyết Thắng dẫn đầu đoàn xe đi đón hài cốt anh trai mình trở về. Hình ảnh chụp tại cầu Nam Định, cây cầu bắc qua sông Đào, nối huyện Nam Trực với TP Nam Định.

Người thân gia đình Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng, chờ đợi xe chở hài cốt Liệt sĩ về đến đầu thành phố Nam Định. Hình ảnh chụp trên quốc lộ 10, nối Ninh Bình với thành phố Nam Định.

 

Theo tâm nguyện, hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng được rước tới quảng trường 3-2, thành phố Nam Định để vào làm lễ dâng hương tại tượng đài Hưng Đạo Đại Vương - Trần Quốc Tuấn.

Sau khi làm lễ dâng hương, hài cốt liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng mới tiếp tục hành trình trở về với nghĩa trang quê nhà. Người mặc áo trắng đi đầu là ông Nguyễn Duy Xây, em trai của Liệt sĩ và là người nhập dẫn khi ông Xây giao cảm được với linh hồn của anh mình trong suốt hành trình đi tìm hài cốt anh.

 Đoàn xe vượt qua cầu Đò Quan sang huyện Nam Trực.

Hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng về tới Nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà, xã Hồng Quang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Người bê Bằng Tổ quốc ghi công là anh Nguyễn Duy Nhu và người bê ba lô hài cốt Liệt sĩ là anh Nguyễn Duy Nghị, hai người cháu của Liệt sĩ.

Vỡ òa nước mắt khi người em là bà Nguyễn Thị Còm gặp lại anh trai - Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng - sau 41 năm qua người nhập dẫn linh hồn là ông Nguyễn Duy Xây.

Hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng được nhập vào tiểu...
 
... và được phủ vải điều. 

Các cơ quan đoàn thể địa phương, người thân gia đình dòng tộc vào viếng linh hồn Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng trước khi làm lễ truy điệu. 

Phủ Quốc kỳ lên áo quan Liệt sĩ. Một nghi lễ hết sức linh thiêng và tỏ lòng ghi công của Tổ Quốc đối những người con đã ngã xuống vì độc lập tự do của dân tộc. 

Các cựu chiến binh địa phương nghiêm trang trước giờ cử hành Lễ truy điệu.
Hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng được đưa vào Nghĩa trang Liệt sĩ quê nhà. 
 
Xã Đội trưởng Trần Văn Đấu điều hành buổi Lễ truy điệu theo nghi thức quân đội.
Tổ Quốc đời đời ghi công những Anh hùng Liệt sĩ. 

Sau Lễ truy điệu, hài cốt Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng được đưa tới phần mộ để làm Lễ hạ huyệt. 


Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng trở về với lòng đất mẹ sau 41 năm xa cách. 

Từ nay, Liệt sĩ sẽ bên người thân, gia đình, làng xóm...

41 năm, quá nửa một nửa đời người. Có đồng đội còn đây (ông Nguyễn Duy Xá, người thân và cũng là đồng đội cùng nhập ngũ với Liệt sĩ Nguyễn Duy Thắng), có đồng đội vừa trở về với Quốc kỳ phủ đỏ áo quan, có đồng đội vẫn còn nằm lại nơi chiến trường. Chiến tranh đã lùi xa nhưng mất mát đau thương vẫn còn hằn sâu trong bao người Việt Nam. Và đâu phải người con nào cũng may mắn được trở về với lòng đất quê hương, dẫu phải đi qua quá nửa một đời người...



Hà Thành(Thực hiện)
 

Bình luận
vtcnews.vn