Bé 11 tuổi bị đánh: "Sơ suất tối kỵ của một công an"

Thời sựThứ Hai, 20/06/2011 11:25:00 +07:00

(VTC News)- "Đây là sơ suất nghề nghiệp, nhưng là sơ suất tối kỵ đối với cán bộ công an. Việc tạm đình chỉ một cán bộ liên quan là việc làm đúng".

(VTC News) - Trước những đòn roi mà cháu Ngô Đình Phát bị đánh tại trụ sở Công an phường gây xôn xao dư luận trong những ngày qua, để có cái nhìn khách quan dưới góc độ pháp lý, PV VTC News đã có cuộc trò chuyện với luật sư Bảo Cường, Trưởng văn phòng Luật sư cùng tên tại TP Huế.

Trao đổi với PV, luật sư Cường cho biết ông cũng rất quan tâm đếnvụ việc này. Theo ông, ở đây có nhiều vấn đề cần bàn luận. Thứ nhất, khi mời cháu Phát lên làm việc tại Công an phường phải có người giám hộ. Trường hợp cháu Phát thì cha mẹ phải là người giám hộ trực tiếp. Thứ hai, việc đưa Phát vào một phòng riêng lấy lời khai là chưa đúng thủ tục, lời khai đó chưa đủ căn cứ pháp luật.

Cô Ánh (cô ruột Phát) - người đưa cháu lên tố cáo tại Công an phường không được xem là người giám hộ cho cháu Phát, vì trường hợp này chị Ánh là người bị hại sau khi phát hiện số tiền của mình bị mất.
Theo quy định của pháp luật thì việc trộm 3,1 triệu đồng đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cháu Phát vào thời điểm vi phạm mới chỉ 11 tuổi nên không thể truy tố cháu về tội trộm cắp tài sản. Với độ tuổi này, cơ quan chức năng chỉ đề nghị người giám hộ bồi thường khắc phục hậu quả, chứ không thể xử lý bằng biện pháp hành chính.
Toàn bộ vết thương khi cháu Ngô Đình Phát nhập viện

Trao đổi về quy định đối với hành vi đánh đập trẻ em, luật sư Cường cho biết: Theo quy định tại điều 104 Bộ luật hình sự Việt Nam, nếu kết quả giám định cháu Phát bị đánh đập thương tích trên 11% thì có đủ cơ sở truy tố về tội cố ý gây thương tích. Hoặc nếu tổn thương dưới 11% nhưng thuộc các trường hợp quy định tại khoản 1 điều 104 thì vẫn có thể truy tố trước pháp luật về tội danh nêu trên.

Hiện tại việc giám định tỷ lệ thương tích đối với Ngô Đình Phát chưa được công bố.


Về phương án xử lý vụ việc, theo luật sư Cường, gia đình cháu Phát nên yêu cầu người vi phạm bồi thường những khoản như chi phí nằm viện, thuốc men, tổn thương tinh thần… nếu cần thiết.

"Trước mắt, Công an phường phải chịu trách nhiệm đầu tiên vì vụ việc xảy ra trên địa bàn và là người của tổ chức nên tổ chức phải chịu trách nhiệm".

"Tôi thấy, người cán bộ công an này non về nghiệp vụ, dù biết rằng người này không có mục đích gì khác ngoài làm rõ việc cháu Phát lấy trộm tiền của cô ruột đi mua điện thoại. Đây là một sơ suất nghề nghiệp, nhưng là sơ suất tối kỵ đối với một cán bộ công an. Việc tạm đình chỉ một cán bộ liên quan là một việc làm đúng", luật sư Cường cho biết.

Công an TP Huế khẳng định sẽ làm rõ vụ việc cháu Phát bị đánh

Chia sẻ với gia đình nạn nhân cũng như trước sự bức xúc lớn của dư luận, ông Cường nhận định, dù sao sự việc cũng đã xảy ra, phía gia đình cháu Phát nên bình tĩnh nhìn nhận tính chất vụ việc. Cha mẹ khi thấy con bị đánh ai cũng đau lòng nhưng cháu Phát cũng đã sai khi trộm tiền cô ruột. Người thực hiện công việc lấy lời khai chưa nắm rõ pháp luật nên cũng có hành vi trái pháp luật.

"Tôi thấy, hai bên nên dĩ hòa vi quý trong trường hợp này để tránh ảnh hưởng cho cháu Phát trong quá trình cháu phục hồi sức khỏe, tâm lý", luật sư Cường tư vấn.


 Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

    Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:

        a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người;
        b) Gây cố tật nhẹ cho nạn nhân;
        c) Phạm tội nhiều lần đối với cùng một người hoặc đối với nhiều người;
        d) Đối với trẻ em, phụ nữ đang có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
        đ) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người nuôi dưỡng, thầy giáo, cô giáo của mình;
        e) Có tổ chức;
        g) Trong thời gian đang bị tạm giữ, tạm giam hoặc đang bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục;
        h) Thuê gây thương tích hoặc gây thương tích thuê;
        i) Có tính chất côn đồ hoặc tái phạm nguy hiểm;
        k) Để cản trở người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân
Phạm tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% hoặc từ 11% đến 30% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.

Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người, hoặc từ 31% đến 60% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm.

Phạm tội dẫn đến chết nhiều người hoặc trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Trần Viết Long (thực hiện)


Bình luận
vtcnews.vn