Gồng mình trong băng giá tìm nạn nhân trên sông Lô

Thời sựThứ Sáu, 14/01/2011 10:10:00 +07:00

Dòng sông Lô, dòng người vẫn chật cứng trên bờ nơi xảy ra vụ đắm thuyền chiều ngày 12/1, với mong ngóng một chút hy vọng về 5 người đang nằm đâu đó dưới sông...

Dòng sông Lô hiền hòa chảy qua trung tâm TP Tuyên Quang đẹp như một bức tranh thủy mặc, thế nhưng hôm nay nó u ám vô cùng, dòng người vẫn chật cứng trên bờ nơi xảy ra vụ đắm thuyền chiều ngày 12/1, với mong ngóng một chút hy vọng, nhưng mãi đến 17 giờ chiều 13/1, vẫn còn 5 người đang nằm đâu đó dưới dòng nước giá băng, mặc cho nước mắt người thân vẫn chảy hoài bên bờ dòng Lô.

Lời kể của một nạn nhân thoát chết

Với ánh mắt mắt đỏ hoe vì thương tiếc người thân không may bị chết và mất tích trên chuyến đò định mệnh, giọng nói run rẩy, môi răng cứ lập bập vì rét, anh Lê Văn Đăng, SN 1983, ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc là một trong 4 nạn nhân may mắn sống sót trong vụ đắm thuyền đã kể lại:

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm trên dòng sông Lô 

“Sáng ngày 12/1, em cùng với bạn gái em là La Thị Mận, SN 1984 và mấy người nhà bạn em quê ở xã Quang Yên lên dự lễ ăn hỏi chị Hà Thị Mơ (người nhà bạn gái em) ở tổ 22, phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang. Sau khi dự lễ ăn hỏi xong, mọi người cùng nhau sang nhà người quen ở soi Tình Húc (bên phải sông Lô), phường Hưng Thành chơi.

Đi trên chiếc thuyền lúc đó có tổng cộng 13 người, trong đó 6 người tỉnh Tuyên Quang, 7 người tỉnh Vĩnh Phúc, tất cả đều là họ hàng của nhau. Thuyền vừa ra đến giữa dòng sông thì bỗng nhiên đầu thuyền chúi xuống, mọi người trên thuyền hoảng loạn, kêu cứu.

Anh Hà Văn Bình nói mọi người phải bình tĩnh, mặc dù đã cố chèo lái, nhưng chỉ được vài giây thì bắt đầu chìm. Lúc đó em chỉ kịp một tay kéo bạn em, một tay bơi trong dòng nước chảy, khoảng vài phút sau khi thuyền chìm em được một người dân địa phương (đến giờ này em vẫn chưa biết được tên người đã cứu sống mình) đang điều chiếc thuyền gần đó ném sợi dây xuống kéo bọn em lên, em thoát chết chỉ trong gang tấc là vậy”.

Mặc dù may mắn thoát nạn nhưng những nạn nhân sống sót trong vụ đắm thuyền trên sông Lô vẫn chưa hết bàng hoàng, hoảng loạn. Suốt từ ngày hôm qua đến nay họ vẫn bám lại bên dòng sông, thúc trực cùng người thân để chờ tin lành từ đội cứu hộ...

Gồng mình trong băng giá tìm nạn nhân

Sông Lô đang buốt rét như kim châm, chúng tôi chỉ ngồi trực cùng lực lượng chỉ huy cứu hộ trong mái lều dã chiến tê tái đến thấu xương, vậy mà những người trong đội cứu hộ sông Lô, dân nơi đây quen gọi “đội cá heo” do ông Nguyễn Văn Tỵ làm Đội trưởng thì vẫn miệt mài thả lưới, ngụp lặn những nơi có nghi vấn, với hy vọng mau tìm được xác nạn nhân, còn lực lượng giao thông đường thủy thì chạy ngược chạy xuôi với hy vọng nhìn thấy xác ai đó nổi lên, trên bờ dòng người vẫn chảy về mỗi lúc một đông, nhiều người ngồi bệt vật vã khóc thương người thân, tất cả chung một hướng nhìn ra sông dõi theo lực lượng cứu hộ đang mình trần lặn ngụp.

Bà Nguyễn Thị Mến, 62 tuổi, ở phường Hưng Thành, thành phố Tuyên Quang xúc động cho biết: “Tôi sống ở đây từ nhỏ, nước lũ trận nào chảy vào thành phố này tôi cũng được chứng kiến, nhưng chưa bao giờ có chuyện đau xót thế này, nên từ chiều qua đến hôm nay mặc cho gió rét ăn cơm xong là tôi lại ra ngóng, già rồi chẳng giúp được gì cho ai nhưng thấy thương xót quá”.

Trao đổi với PV về các giải pháp cứu nạn, ông Tạ Đức Tuyên, Chánh văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Ngay sau khi xảy ra vụ tại nạn đắm thuyền, UBND tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức họp khẩn cấp để triển khai các biện pháp cứu hộ, đã huy động tối đa lực lượng công an, thanh tra giao thông, các đội tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, huy động cả người dân thuyền chài sống hai bên bờ sông Lô, đồng thời chỉ đạo BVĐK tỉnh Tuyên Quang tích cực cứu chữa cho những nạn nhân trong vụ đắm thuyền và tổ chức thăm hỏi những nạn nhân và gia đình có người bị nạn, hỗ trợ người chết có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh là 4,5 triệu đồng/người, người không thuộc địa bàn 3 triệu đồng/người".

Ở cái tuổi 71 rồi, nhưng suốt từ chiều hôm qua đến chiều nay, ông Tỵ, Đội trưởng đội cấp cứu Chữ thập đỏ sông Lô chưa hề rời vị trí chỉ huy, lên thuyền ra dòng sông chỉ đạo anh em làm theo “kinh nghiệm” vốn có của mình, tiếp sức mạnh cho anh em hoàn thành nhiệm vụ. Được biết, Đội cấp cứu chữ thập đỏ sông Lô được thành lập năm 1988, có 34 thành viên và chia làm 4 tổ: Tổ tìm kiếm, cứu nạn; Tổ mò vớt, khâm liệm; Tổ kế hoạch, hành chính; Tổ vận hành phương tiện máy móc.

Các tổ có nhiệm vụ hỗ trợ nhau trong việc cấp cứu người bị tai nạn trên sông nước, tìm kiếm người chết đuối, khâm liệm và giúp gia đình người bị nạn khắc phục hậu quả, mò vớt tài sản của nhân dân bị nước cuốn trôi trong những đợt lũ lụt xảy ra... Phương tiện gồm có 5 thuyền máy, 2 ca nô, 2 ô tô và đủ các trang thiết bị lặn, áo phao cứu hộ, máy phát điện, máy nén khí. Mặc dù Đội này hoạt động với tinh thần tự nguyện, nhưng suốt chiều hôm qua đến nay, mặc cho giá rét, chưa ai rời khỏi vị trí cứu nạn, ai lạnh quá thì lên bờ sưởi lửa, khi “hồi” người lại lên thuyền đi tìm kiếm nạn nhân.

Với tinh thần trách nhiệm cao, đến 17 giờ chiều 13/1, đội đã phối hợp tìm kiếm và trục vớt được chiếc thuyền bị đắm và đưa 8 người lên bờ, có 4 người đã chết, hiện còn 5 người vẫn mất tích dưới dòng sông Lô, công tác tìm kiếm vẫn được tiến hành liên tục, khẩn trương.

5 người vẫn còn mất tích tính đến 17 giờ ngày 13/1

1- Nguyễn Đình Chiểu, SN 1989, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc)

2- Nguyễn Văn Đại, SN 1987, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc)

3- La Thị Năm, SN 1963, xã Cấp Tiến, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)

4- La Thị Sáu, SN 1965, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc)

5- La Thị Tám, SN 1978, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang)

Có 4 người chết:

1- Nguyễn Thị Chúc, SN 1968, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc)

2- Hà Hồng Ngọc, SN 2006, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang)

3- La Thị Đức, 58 tuổi, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc)

4- Nguyễn Thị Sáu, SN 1978, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang)

 Và 4 người được cứu sống:

1- Hà Hữu Bình, SN 1978, xã An Tường, thành phố Tuyên Quang (Tuyên Quang)

2- Lê Văn Đăng, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc)

3- La Thị Mận, xã Quang Yên, huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc)

4- Lê Văn Xuân, SN 2007, xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang)

Theo Nông nghiệp Việt Nam
Bình luận
vtcnews.vn