Cao Bằng họp bất thường xử lý hậu quả "lũ bùn đỏ"

Thời sựThứ Hai, 08/11/2010 06:03:00 +07:00

(VTC News) - Để giải quyết triệt để hậu quả do cơn lũ bùn gây ra, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức cuộc họp bất thường.

(VTC News) - Để giải quyết triệt để hậu quả do cơn lũ bùn gây ra ngày 5/11, đồng thời tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất, sáng 8/11, UBND tỉnh Cao Bằng đã tổ chức cuộc họp bất thường với thành phần tham dự là một số sở, ban ngành liên quan và đại diện lãnh đạo Xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng.

Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: Cơn lũ bùn là hoàn toàn do Xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng gây ra. Vì vậy, phía Xí nghiệp ngoài chịu mức phạt theo pháp luật quy định còn phải hoàn toàn có trách nhiệm với những người dân chịu thiệt hại. Quan trọng hơn nữa phải có giải pháp đưa toàn bộ số bùn thải công nghiệp ra khỏi nhà dân cũng như đồng ruộng và sông suối...

Xí nghiệp cũng phải dừng ngay việc dùng nước để rửa bùn ra sông Bằng, tránh tình trạng ô nhiễm dòng sông. Trong thời gian sớm nhất Xí nghiệp phải đưa ra được phương án cụ thể và có hạn định về thời gian. Đối với 6ha đất nông nghiệp bị bùn công nghiệp xâm hại, nếu không khắc phục được ngay, Xí nghiệp phải đền bù về sản lượng hàng năm cho bà con.

Ông Hoàng Anh còn nhấn mạnh: Xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng có lỗi chính khi để xảy ra sự cố vỡ đập, nhưng UBND tỉnh Cao Bằng và các ngành chức năng như Sở Tài nguyên & Môi trường, Sở Công thương và Công an Môi trường cũng cần xem xét lại việc quản lý cấp mỏ và kiểm tra giám sát trong quá trình các doanh nghiệp khai thác.

Bị "lũ bùn đỏ" tấn công, người dân ở đây phải di chuyển bằng cách này (ảnh Yến Thanh/Bee) 

Từ năm 2005 đến nay, Xí nghiệp này đã có 4 lần bị xử phạt vì tội xả thải trái phép gây ô nhiễm môi trường nhưng vẫn chưa có biện pháp nào đủ mạnh để chấm dứt tình trạng này là một điều các cơ quan chức năng phải suy nghĩ. Ông Nguyễn Hoàng Anh cũng thẳng thắn tuyên bố, nếu Xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng còn vi phạm và không triệt để khắc phục hiệu quả thì chính quyền tỉnh sẽ kiên quyết đóng cửa mỏ.

Tại cuộc họp này, có một số ý kiến cho rằng: Với một số nhà dân và đồng ruộng không thể khắc phục được thì nên tính đến phương án đền bù diện tích đất khác cho bà con để bà con có nơi sinh hoạt và sản xuất. Nhưng lại có ý kiến cho rằng phương án ấy không khả thi bởi vì cho dù đền bù đất đai và nhà cửa cho dân thì Xí nghiệp khai thác quặng Nà Lũng cũng phải  đưa toàn bộ số bùn công nghiệp ra khỏi khu vực ô nhiễm và phải có phương án chôn lấp cẩn thận. Nếu không giải quyết được việc này thì chỉ sau một trận mưa to thì hàng vạn khối bùn này sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường chỗ khác, nhất là ô nhiễm dòng sông Bằng.

Cũng tại cuộc họp, đại diện phòng Cảnh sát Môi trường tỉnh Cao Bằng còn cho biết, từ năm 2005 đến nay Xí nghiệp này đã có 4 lần bị xử phạt vì tội xả thải trộm. Nhưng điểm đáng lưu ý là tất cả các lần vi phạm bị bắt quả tang này chỉ xảy ra vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm, thời điểm mà ít xảy ra lũ lụt. Ngoài ra, theo dư luận từ nhân dân và công nhân của Xí nghiệp thì đơn vị này thường xuyên xả trộm bùn thải vào mỗi kỳ mưa lũ. Phải chăng Xí nghiệp này đã lợi dụng mưa lũ để phi tang chứng cứ.

Cũng theo thông tin từ lực lượng Cảnh sát môi trường tỉnh Cao Bằng, đập chắn thải số 4 (tức đập bị vỡ hiện nay) đã quá tải từ năm 2008. Để khắc phục tình trạng quá tải này Xí nghiệp hiện đang xin phép tỉnh cho xây dựng thêm đập số 5 với trị giá hơn 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, đập số 5 vẫn chưa được cấp phép vì báo cáo tác động môi trường của Xí nghiệp trình lên Sở Tài nguyên và Môi trường chưa đảm bảo tiêu chuẩn nên đã bị trả lại. Đồng thời Xí nghiệp nâng cấp đập số 4 bằng cách hàng năm tôn thêm thân đập bằng đất thải từ mỏ chuyển ra. Tuy nhiên, do khi đổ thải không được lu lèn cẩn thận nên sự cố vỡ đập mới xảy ra.

Kết luận cuộc họp, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng còn khẳng định: Nếu Xí nghiệp khai thác khoáng sản Nà Lũng muốn xây thêm đập số 5 để nâng công suất khai thác lên 350 ngàn tấn/ năm thì phải tiến hành công tác khoan thăm dò đánh giá trữ lượng của mỏ để xem có nên đầu tư tiếp hay không. Đồng thời nghiêm chỉnh chấp hành luật bảo vệ môi trường thì tỉnh Cao Bằng mới đồng ý cho Xí nghiệp tiếp tục khai thác. Tỉnh Cao Bằng kiên quyết không để xảy ra tình trạng khai thác mỏ bất cập với đời sống dân sinh.

C.B

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn