Hoàng thành Thăng Long: Nỗi lo về cán bộ chuyên môn

Thời sựThứ Hai, 16/08/2010 03:05:00 +07:00

(VTC News) – “Nếu đội ngũ cán bộ không được nâng cao trình độ chuyên môn thì việc bảo tồn sẽ không đáp ứng được, di sản sẽ bị xâm hại".

(VTC News) – “Nếu đội ngũ cán bộ không được nâng cao trình độ chuyên môn thì việc bảo tồn sẽ không đáp ứng được, di sản sẽ bị xâm hại. Như vậy cũng có nghĩa là không đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, cũng như du khách vào tham quan một di sản văn hóa thế giới...”, ông NguyễnVănSơn, giámđốc Trung tâm bảo tồn khuditích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội cho biết.

Khi khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, cũng là lúc những người có trách nhiệm lo lắng đến việc cần phải có đội ngũ cán bộ tốt, hiểu biết để bảo tồn và quản lý di sản này. Nỗi lo ấy được ông NguyễnVănSơn, giámđốc Trung tâm bảo tồn khuditích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội chia sẻ với độc giả VTC News.

 

- Với tư cách là giám đốc Trung tâm khu di tích, ông thấy trách nhiệm của mình có nặng nề không và ông thấy phải đối mặt với những thách thức, khó khăn nào khi gánh trên vai di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long?

 

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là di sản văn hóa thế giới, đó là niềm vinh dự, tự hào của Hà Nội cũng như của cả dân tộc. Thế nhưng trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ quản lý trực tiếp thì cũng sẽ nặng nề, vì khu di sản này chúng ta mới bắt đầu nghiên cứu và phát lộ từ cuộc khai quật khảo cổ học năm 2002. Trung tâm chúng tôi là một đơn vị sự nghiệp mới thành lập, đội ngũ cán bộ chưa có nhiều và đặc biệt về trình độ, khả năng cán bộ còn hạn chế.

 

Cái thứ hai là di sản nằm ngay trong khu vực trung tâm của Cấm thành Hoàng thành Thăng Long xưa, và là trung tâm của thủ đô hiện tại. Việc bảo tồn và phát triển, phải giải quyết mối quan hệ như thế nào cũng là một vấn đề rất khó khăn, vì vùng đệm của di sản chắc chắn phải tuân thủ một số quy định để bảo tồn cho khu di sản không bị ảnh hưởng.

 

Ví dụ như: việc khống chế chiều cao của các công trình xây dựng, hay không tăng thêm các công trình xây dựng ở khu vực này cũng cần được đặt ra. Di tích, di vật của khu di sản chủ yếu nằm sâu dưới lòng đất, trong khu vực luôn có nguy cơ bị ngập úng vì có những mạch nước ngang xâm hại. Thêm vào đó, chúng ta có khá nhiều kinh nghiệm bảo quản, tu bổ những di tích trên mặt đất, nhưng đối với những di tích di vật nằm trong lòng đất thì lại là việc khó khăn. Thứ nhất, do chuyên môn của cán bộ rất hạn chế, thậm chí là rất ít kinh nghiệm. Thứ hai, chi phí cho việc bảo quản dưới lòng đất, kể cả việc trang thiết bị lẫn kinh phí để đảm bảo cho di vật không bị hư hại theo thời gian là một điều rất khó khăn.

 

 Ông NguyễnVănSơn cho biết đội ngũ cán bộ còn kém, cả về số lượng lẫn chất lượng.

Muốn giải quyết vấn đề này, chúng tôi cần sự quan tâm của Nhà nước, Chính phủ cho đến các bộ ngành, thành phố về các mặt, kể cả việc thực hiện những cam kết của Chính phủ đối với những khuyến nghị của ICOMOS về khu di sản này. Bên cạnh đó, là việc triển khai công tác nghiên cứu, bảo tồn, tôn tạo khu di tích này như thế nào cũng cần được quan tâm thích đáng từ đội ngũ cán bộ, khả năng hợp tác quan hệ quốc tế.

Muốn giải quyết vấn đề này, ngoài sự huy động lực lượng chuyên môn trong nước còn cần đến sự hợp tác quốc tế, hợp tác song phương, đa phương để làm sao chúng ta tận dụng được tốt nhất sự hỗ trợ của các nước về kinh nghiệm, về phương pháp và có thể một phần kinh phí, đặc biệt là trong công tác đào tạo cán bộ để có đủ khả năng đáp ứng yêu cầu quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lâu dài của di sản.

 

- Sắp tới chúng ta có kế hoạch đào tạo cán bộ để theo kịp với đòi hỏi của công việc không, thưa ông?

 

Rõ ràng đội ngũ cán bộ hiện nay với yêu cầu của công việc là còn kém, cả về số lượng lẫn chất lượng. Vì vậy công tác đào tạo là phải hết sức chú ý. Trước mắt chúng tôi vẫn phải tính đến chuyện đào tạo ngắn hạn, để bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hiện có, cũng như bồi dưỡng đội ngũ cán bộ sẽ tiếp nhận thêm để đáp ứng những yêu cầu trước mắt. Nhưng chúng tôi đồng thời cũng hết sức chú ý đến việc đào tạo dài hạn theo hai hướng đào tạo ở trong nước và đào tạo ở nước ngoài.

 

Đào tạo ở trong nước thì chúng tôi tận dụng những chuyến công tác, những đợt công tác của các chuyên gia nước ngoài đi làm việc với chúng ta tại đây. Đào tạo ở nước ngoài thì dưới hai hình thức là bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn. Nói chung, công tác đào tạo cán bộ phải được coi là một khâu thường xuyên, liên tục và có định hướng lâu dài để vừa đáp ứng được yêu cầu trước mắt, cũng như đảm bảo được công tác quản lý bảo tồn, phát huy tác dụng cho di sản một cách lâu dài, bởi vì càng ngày áp lực về khách du lịch ở khu vực này càng lớn. Nếu đội ngũ cán bộ không được nâng cao trình độ chuyên môn thì việc bảo tồn sẽ không đáp ứng được, di sản sẽ bị xâm hại. Như vậy cũng có nghĩa là không đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân, cũng như du khách vào thăm quan một di sản văn hóa thế giới.

 

- Thưa ông, nếu cần sự trợ giúp của các cấp, các ngành thì ông có nguyện vọng gì?

 

Các cấp, các ngành cần thực hiện đúng cam kết với Chính phủ theo 8 khuyến nghị của ICOMOS. Nếu làm được sẽ đáp ứng được yêu cầu mà ICOMOS đặt ra, những khuyến nghị đó đã bao quát được tất cả các nội dung công việc và những nguy cơ có thể dẫn tới đối với di sản này.


 Đội ngũ cán bộ không được nâng cao trình độ chuyên môn thì việc bảo tồn sẽ không đáp ứng được, di sản sẽ bị xâm hại.Ảnh: Internet

 

- Khu di tích trung tâm Hoàng Thành Thăng Long đã là Di sản Văn hóa thế giới, cũng đòi hỏi chúng ta về công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội, để xứng đáng là địa danh được UNESCO công nhận, vậy xin ông cho biết sẽ có những kế hoạch gì trong thời gian tới?

 

Khu di sản của chúng ta vừa được công nhận xong, trên cơ sở khu di tích cấp quốc gia quan trọng. Tuy vậy việc quản lý khu di tích này vẫn chưa được hoàn tất, đòi hỏi một thời gian nữa để các cơ quan đang đóng trên đất của khu di sản này di chuyển ra khu vực khác. Để đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân và du khách quốc tế trong dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

 

UBND Thành phố Hà Nội phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã và đang chỉ đạo Viện Khảo cổ học cùng với Trung tâm chỉnh trang, trưng bày những di vật khai quật được ở khu vực 18 Hoàng Diệu. Rồi còn kế hoạch mở cửa đón du khách vào tham quan khu khai quật khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Đấy là những việc trước mắt. Còn về lâu dài thì chúng tôi tiếp tục duy trì việc mở cửa thường xuyên và tăng cường công tác nghiên cứu.

 

- Nhiều ý kiến cho rằng, Hoàng thành Thăng Long đang ở trong tình trạng dễ bị xâm hại do nằm ngay ở trung tâm Hà Nội, rất gần với các khu dân cư. Theo ông chúng ta cần phải làm những gì để bảo vệ khu di tích này khỏi sự phá hủy vô tình hay thậm chí là cố ý của con người cũng như môi trường?

 

Trung tâm Hoàng thành Thăng Long nằm trong khu chính trị Ba Đình. Được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, việc xây dựng trong khu chính trị Ba Đình sẽ phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của Chính phủ. Những khu tiếp giáp với khu này thì Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo như không được xây nhà cao tầng, đặc biệt là không được cải tạo những khu biệt thự Pháp cổ. Nếu những quy định này được thực hiện, chắc chắn khu vực này sẽ không bị xâm hại.

 

- Thưa ông, trong tương lai chúng ta có tiếp tục khai quật nữa không?

 

Việc nghiên cứu khai quật khu di tích Hoàng thành Thăng Long là việc làm có tính chất thường xuyên, vì chưa bao giờ kết thúc việc nghiên cứu. Diện tích khai quật của chúng ta so với tổng diện tích của khu di sản chưa phải là nhiều. Ở trục chính tâm từ Bắc Môn cho đến Cột Cờ, hiện những công trình nổi trên mặt đất còn rất ít và chủ yếu nằm sâu dưới lòng đất.

 

Muốn hiểu được những di tích đang nằm dưới lòng đất thì chúng ta phải tiếp tục khai quật khảo cổ học. Quan trọng là phải khai quật có kế hoạch, kết hợp chặt chẽ với công tác khai quật, nghiên cứu với công tác bảo tồn, chứ không phải khai quật ồ ạt để diễn ra tình trạng sẽ góp phần phá hoại di tích hơn là nghiên cứu để bảo tồn nó. Vấn đề nghiên cứu, khai quật và bảo tồn phải được tính toán chặt chẽ, đảm bảo vừa nghiên cứu được di sản, vừa bảo tồn được di sản đồng thời phát huy được giá trị của di sản chứ không thể tách rời bất kỳ một khâu nào.

 

- Ông là người góp mặt trong đoàn công tác của Việt Nam sang Brazil thuyết trình với UNESCO về Hoàng thành Thăng Long, ông có kỷ niệm hay có câu chuyện bên lề nào của Hội nghị đó không?

 

Chuyến công tác của đoàn Việt Nam tại Brazil trong kỳ họp lần thứ 34 này là kỳ họp để xem xét công nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long là di sản văn hóa thế giới. Phải nói rằng có rất nhiều ấn tượng, rất nhiều kỷ niệm. Trước hết, khu di sản của chúng ta còn có nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi nghiên cứu, tính chân thực, tính toàn vẹn của khu di sản.

 

Chúng ta trình hồ sơ về khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long nhưng nhiều chuyên gia cho rằng cần phải mở rộng phạm vi khu di sản. Trong khi đó trách nhiệm của đoàn là phải giải thích rõ những nội dung đã được trình bày trong hồ sơ. Mà chúng ta gửi hồ sơ tới Ủy ban di sản thế giới từ 1/9/2008. Từ đó đến nay lại có một số thay đổi nên ta phải chứng minh cho họ thấy những việc làm tích cực của chúng ta, chứng minh cho họ thấy những giá trị nổi bật toàn cầu của chúng ta là xác thực, tính toàn vẹn và chân thực của di sản. Từ đó họ hiểu được giá trị của khu di sản cũng như sự quyết tâm của chúng ta để họ xem xét và công nhận.

 

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Kiên Cường

Bình luận
vtcnews.vn