Ông Dương Trung Quốc chia sẻ về Hoàng thành Thăng Long

Thời sựChủ Nhật, 08/08/2010 11:34:00 +07:00

(VTC News) – “Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, đó là sự công nhận của quốc tế về những gì chúng ta đang muốn tôn vinh".

(VTC News) – “Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đó là sự công nhận của quốc tế về những gì chúng ta đang muốn tôn vinh, về một thủ đô 1000 năm, một quốc gia mà tinh thần dân tộc thể hiện quy tụ ở trong Kinh đô, đầu não chính trị…”, Nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

Như chúng ta đã biết, ngày 31/7 vừa qua, Hoàng thành Thăng Long của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đó là niềm vinh dự, tự hào của mọi người dân nước Việt Nam.  Trong cái vinh dự, tự hào đó Nhà sử học Dương Trung Quốc đã dành cho VTC News cuộc trả lời phỏng vấn.

 

- Được biết, ông vừa có chuyến công tác tại Pháp về, xin hỏi ông đã biết thông tin khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới chưa?

 

Tôi vừa ở Pháp về. Trong thời gian công tác tại Pháp, tôi có được biết đoàn VN và lãnh đạo TP Hà Nội đi thuyết trình trước thế giới về khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Thông tin ban đầu khá là bi quan vì nhiều lý do. Cho đến giờ phút long trọng nhất, khi Hoàng thành Thăng Long được chính thức công nhận là Di sản văn hóa thế giới, tôi được biết tin qua đại sứ quán VN tại Pháp. Gọi là bất ngờ nhưng không bất ngờ, bởi vì chúng tôi biết rằng, cái giá trị của Di sản này đã được khẳng định không chỉ bằng con mắt nhìn của những nhà chuyên môn như chúng tôi, ngay cả khi tiếp xúc với các nhà nghiên cứu nước ngoài, họ cũng đánh giá rất cao giá trị văn hóa của Hoàng thành Thăng Long.

 

Cái khó khăn đối với chúng ta là Di sản này nó được phát hiện khá là không bình thường, có lẽ đây là tình trạng chung. Việc phát hiện ra di chỉ khảo cổ học thường là hệ quả của việc xây dựng, chứ chúng ta chưa có được việc quy hoạch khai quật đúng bài bản, hơn thế nữa nó lại nằm trong một không gian của đô thị đang phát triển, cho nên cái mặt bằng để khai thác rất hạn chế. Nói đến Cung đình cổ, Kinh đô cổ, Hoàng thành cổ thì nó rất rộng, mà không gian đó lại nằm trong lõi của Hà Nội, cho nên mọi sự đụng chạm vào khu vực này là cực khó. Cho nên chúng tôi cảm thấy một điều là mọi người nói không sai: đụng đâu có di sản đấy.

 

Chúng ta cũng thừa nhận Đảng, Nhà nước rất quan tâm đến Di sản, nhất là sau khi chúng ta có Luật Di sản, Chúng ta đã chấp nhận rất nhiều điều chỉnh lớn, như đưa cả cung Hội nghị ra Mỹ Đình và cuối cùng là cuộc tranh luận có nên giữ lại nhà Quốc hội hay không?  Làm sao để thỏa mãn được cả hai yêu cầu là bảo tồn di tích và bảo đảm mục tiêu của Nhà nước.

 

 Nhà sử học Dương Trung Quốc: Chúng ta được thế giới tôn vinh một nền Di sản Hoàng thành xưa, chính vì vậy công tác quản lý, bảo vệ phát huy nó là bài toán không hề đơn giản.

- Với tư cách là một nhà sử học Việt Nam, xin ông cho biết ý nghĩa của việc Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới?

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, đó là sự công nhận của quốc tế về những gì chúng ta đang muốn tôn vinh, về một thủ đô 1.000 năm, một quốc gia mà tinh thần dân tộc thể hiện quy tụ ở trong Kinh đô, đầu não chính trị. Về những giá trị vật thể mà chúng ta có được, nó sẽ làm phong phú hơn sự hiểu biết của chúng ta, và đương nhiên từ trên những dấu tích khảo cổ học này, với tất cả các công nghệ hiện đại, chúng ta có thể phục dựng lại diện mạo của Kinh đô Thăng Long xưa.

 

- Người dân Hà Nội rất vui mừng đón nhận thông tin này, nhưng một số người trong giới khoa học lại cho rằng đây là “niềm vui chưa trọn vẹn”, bởi chỉ mới 1/7 tổng diện tích thực của Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận. Xin ông cho biết quan điểm của mình về ý kiến này, và theo ông chúng ta phải làm những gì để địa danh này được trở về với đúng tầm vóc lịch sử của nó, hay nói một cách khác là trả lại di tích này về đúng với thực địa của nó?

 

Việt Nam đã có 5 di sản thế giới được Unesco công nhận. 3 di sản văn hóa: Quần thể di tích cố đô Huế (năm 1993), Thánh địa Mỹ Sơn và Phố cổ Hội An (đều năm 1999) và 2 di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long, năm 1994, được công nhận mở rộng vào năm 2000 và Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, năm 2003.

Tôi nghĩ rằng đây là bài toán không phải của riêng mình, mà nhiều nước trên thế giới cũng như thế. Ví dụ: Bắc Kinh (Trung Quốc) thời họ chuẩn bị cho Olympic 2008, bên cạnh họ bảo tồn được một phần những giá trị di tích rất là quý, thì cũng có hiện tượng khu phố cổ được phá hủy, thay thế vào đó là khu phố hiện đại. Vậy mình cũng học hỏi kinh nghiệm của họ để cố gắng có được bước đi chủ động hơn, tránh những tình huống khó ứng xử.

Bởi vì, chúng ta có Luật Di sản rồi, việc thực thi Luật nếu chúng ta chỉ nhìn một phía là bảo tồn, Luật về nguyên tắc của nó là phục vụ cho sự phát triển, nếu chúng ta không có cách nhìn, ứng xử kể cả giáo dục ý thức cho người dân nữa. Vì tôi nghĩ bảo tồn không chỉ mình nhà nước, mà người dân cũng cần có trách nhiệm của mình.

 

Tôi lấy ví dụ mà chúng ta đặt ra từ lâu mà vẫn chưa thực hiện được, đó là bảo tồn khu phố cổ, đây không phải là phế tích, nếu là phế tích như Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) chúng ta có tiền, có công nghệ, có kiến thức, có sự hỗ trợ thì chúng ta bảo vệ được ngay, nhưng ở đây nó là sinh thể để nó tiếp tục phát triển. Vấn đề đặt ra chúng ta làm thế nào để phát triển, đây không phải là bài học riêng của ta mà nhiều nước trên thế giới cũng đang rơi vào hoàn cảnh như vậy.


 Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào đúng dịp này càng làm tăng thêm ý nghĩa 1000 năm Thăng Long. Ảnh: Internet

 

Cho nên ngoài nhà nước, người dân cũng phải có ý thức, đây không phải là ý thức vận động một chiều, một sự hy sinh mà quan trọng nhất là tìm ra giải pháp, để thấy lợi ích mà chúng ta có thể đưa ra một cái thực tế.

 

Một ví dụ nữa là khu phố cổ Hội An, khi người dân hiểu lợi ích cho địa phương và cho cá nhân mình, thì người dân sẽ chấp nhận tìm những giải pháp để bảo tồn nó. Người ta có thể hy sinh một phần nào đó những cái lợi ích về tiện nghi, về mặt bằng ở ngay trong cái không gian của họ, ngược lại họ lại thu được lợi nhuận, lợi ích và họ đầu tư tìm kiếm giải pháp khác, và vì thế Hội An mới giữ được cảnh quan, không bị phá hủy. Chứ sống trong lòng phố cổ người ta phải luôn luôn đứng trước câu hỏi là giá trị ở đây là mặt bằng, hay giá trị ở đây là không gian lịch sử?

 

Nếu xây cao tầng sẽ mở rộng mặt bằng nhưng lại mất đi giá trị lịch sử. Nếu như một ngày nào đó không còn một giá trị phố cổ nữa, hoặc những khách sạn nằm trong không gian phố cổ hẹp như thế, hạ tầng yếu kém như thế thì chắc chắn không còn ý nghĩ nữa. Người dân họ chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, vì vậy cần phải tìm một giải pháp lâu dài, nhưng tiếc là chúng ta vẫn còn tư duy nhiệm kì, vẫn còn là một hạn chế chứ chúng ta chưa đủ sức đi trên một con đường dài, mà những lợi ích ngắn hạn nó luôn luôn chi phối từ cấp lãnh đạo cho đến những người dân, điều đó nó dẫn đến sự vô ý thức và có ý thức làm phá hủy những Di sản.

 

- UNESCO công nhận khu di tích Hoàng thành Thăng Long là Di sản văn hóa thế giới vào đúng dịp Hà Nội đang chuẩn bị tổ chức Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, đây là món quà rất ý nghĩ về mặt tinh thần, thưa ông?

 

Đương nhiên, việc Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào đúng dịp này càng làm tăng thêm ý nghĩa 1000 năm Thăng Long. Tôi nghĩ rằng trong sự công nhận của thế giới họ cũng có ý thức chuyện đó, nhất là UNESCO đã hứa sẽ tham gia vào sự kiện đặc biệt Đại lễ này, cho nên tôi biết rằng trong quá trình thảo luận về vấn đề này ,rất nhiều ý kiến họ chỉ ra những hạn chế của mình và cái đó chúng ta cần lưu ý để khắc phục. Việc UNESCO công nhận Hoàng thành Thăng Long tự thân cái giá trị Di sản là sự chia sẻ, sự thể hiện thiện chí của bè bạn quốc tế đối với Việt Nam.

 

- Xin ông cho biết giá trị lịch sử của di tích Hoàng thành Thăng Long trong giá trị lịch sử của văn hóa Việt Nam?

 

Thăng Long là Kinh đô của đất nước, cái mà chúng ta thường hay gọi là nơi hội tụ những tinh hoa của quốc gia, từ đó lan tỏa đi nền văn hiến của dân tộc. Ví dụ: chúng ta hình dung trước đây những gì còn lại rất nhỏ bé như Chùa một Cột, cái gì nó cũng có cơ sở của nó, khi mà khai quật khảo cổ học thì có rất nhiều, rất nhiều người ngạc nhiên, quy mô nó không nhỏ như ta tưởng.

 

- Hoàng thành Thăng Long đã trở thành Di sản văn hóa của thế giới, đồng thời đặt ra cho chúng ta về công tác quản lý và phát huy giá trị của nó, vậy theo ông chúng ta cần làm gì để vừa giữ gìn, vừa phát huy được giá trị của nó?

 

Chúng ta được thế giới tôn vinh một nền Di sản Hoàng thành xưa, chính vì vậy công tác quản lý, bảo vệ phát huy nó là bài toán không hề đơn giản, một trong những tiêu chí của UNESCO là cái năng lực quản lý và phát triển. Chúng tôi rất mừng khi Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa, đồng thời cũng làm tăng thêm tính trách nhiệm của nhà nước đối với Di sản, và nhất là có cả vai trò của các nhà chuyên môn.

 

Bây giờ chúng ta phải tìm ra giải pháp tốt, để làm sao hài hòa giữa công trình nhà Quốc hội với Di sản văn hóa. Cái việc xử lý nền móng để bảo vệ là rất khó khăn, giữ cái gì và dùng giải pháp nào để bảo vệ, đây là bài toán khó. Nhưng di tích Hoàng thành đã được thế giới công nhận, tạo thêm động lực trách nhiệm của mỗi quốc gia trong việc bảo vệ Di sản văn hóa là rất quan trọng, cái mà chúng ta có thể khai thác là nguồn lực về tinh thần chuyên môn, nghiệp vụ của bạn bè quốc tế.

 

- Xin ông cho biết ngoài khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội còn có di tích lịch sử nào có khả năng được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới trong tương lai?

 

Tôi nghĩ là khi nói về Di sản vật thể hay phi vật thể đều có tính hai mặt của nó, một số cái chúng ta đã thấy và rất quan tâm nhấn mạnh đến đời sống xã hội của Hà Nội, điều rất đáng tiếc vì nhiều lý do khác nhau chúng ta để mai một rất nhiều, cho nên cái việc định đoán trước tôi nghĩ rằng khó nói.

 

Việc phát hiện ra di chỉ khảo cổ học thường là hệ quả của việc xây dựng, chứ chúng ta chưa có được việc quy hoạch khai quật đúng bài bản. Ảnh: Internet 

Thế nhưng, cái gì đã có thì phải giữ gìn cho tốt, đấy cũng là nhiệm vụ rất nặng nề với chúng tôi, không hề đơn giản. Chúng ta đừng quá ham số lượng mà cần quan tâm đến chất lượng. Chúng ta cần phải có tầm nhìn và một sự đoán định nó lượng sức của mình, nhưng cũng cần có ý thức bảo tồn ngay từ rất sớm. Vì thế cho nên, tôi nghĩ rằng Hà Nội trong quá trình xây dựng luôn luôn phải đứng trước những thách đố rất lớn, nó xuất phát từ mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển.

Ví dụ: Hà Nội vừa làm con đường đi qua Hoàng Hoa Thám, lập tức chúng ta gặp phải di tích Hoàng thành xưa, việc phá hay giữ là câu hỏi lớn. Đã có rất nhiều hiệu ứng tiêu cực vì dư luận xã hội, sự tốn kém. Tôi cũng đã có ý kiến với lãnh đạo TP Hà Nội là vừa tiến hành xây dựng đô thị, vừa quy hoạch di sản về mặt lịch sử. Nên giữ cái gì và chấp nhận cái sự phát triển như thế nào.

 

Về phương pháp chúng ta có thể làm được, chúng ta có thể hoạch định và quy định cái nào để giữ lại, cái nào có thể cho phát triển. Chúng ta chủ động theo quy hoạch chứ không bị động trong tình huống. Nên tôi nghĩ rằng, trước thành công của Di sản Hoàng thành Thăng Long ta phải cố gắng có tư duy nhìn nhận, nhất là chúng ta luôn tự hào thành phố 1.000 năm. Vậy 1.000 năm nó thể hiện ở đâu? Nó thể hiện ở dưới lòng đất và trên mặt đất trong đời sống văn hóa tinh thần.

 

Bên cạnh đó, nhà nước phải thể hiện bằng chính sách cụ thể, bằng cái tầm nhìn và những quy hoạch rất cụ thể thì chúng ta không bị động. Đương nhiên nói thì dễ làm mới là khó, nhưng về mặt tinh thần cần phải thể hiện và làm bằng được. Đây là cú hích, là sự khích lệ, đồng thời giúp chúng ta nhìn nhận ngày càng toàn diện hơn.

 

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Kiên Cường

Bình luận
vtcnews.vn