Bão tan, các tỉnh ĐB Bắc Bộ ưu tiên tiêu úng, cứu lúa

Thời sựChủ Nhật, 18/07/2010 01:35:00 +07:00

(VTC News) – Bão tan, trước mắt các tỉnh ĐB Bắc bộ sẽ ưu tiên số 1 cho công tác bơm nước chống úng, chống ngập để cấy lại lúa mùa...

(VTC News) – Đến thời điểm này, bão số 1 mặc dù không gây thiệt hại về người nhưng những hậu quả của nó để lại không nhỏ. Hiện toàn bộ các tỉnh đồng bằng Bắc bộ đang thống kê thiệt hại để có những phương án khắc phục. Trong đó, nhiệm vụ trước mắt sẽ ưu tiên số 1 cho công tác bơm nước chống úng, chống ngập để cấy lại lúa mùa.


Tỉnh Nam Định: Ưu tiên số 1 cho cứu lúa và tiêu úng

 

Được dự báo nằm trong vùng chịu ảnh hưởng của bão số 1, nên ngay từ khi chỉ đạo từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Trung ương, lãnh đạo tỉnh Nam Định đã có những chỉ thị hướng dẫn và lên kế hoạch phòng chống bão kịp thời nên toàn tỉnh hầu như không thiệt hại đáng kể.


Ông Trần Ngọc Thân, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: "Lượng mưa trung bình tại tỉnh Nam Định trong các ngày từ ngày 15 đến rạng sáng ngày 18/7 là 159mm, gây ngập úng 36.958 ha lúa mới cấy. Trong đó có 20.000 ha ngập sâu. Hiện, tỉnh đang chỉ đạo tối đa cho việc chống úng, chống ngập và cứu lúa. Đến 7h ngày 18/7, tất cả các máy bơm của tỉnh đang hoạt động hết công suất để tiêu úng và phấn đấu đến ngày 19/7 là hoàn thành việc bơm nước chống úng, chống ngập để cấy lại lúa mùa. Theo kế hoạch, đến 25/7 phải cơ bản hoàn thành việc cấy lúa mùa bị chết trong cơn bão số 1".

 

Cũng trong sáng nay (18/7), UBND tỉnh đã có công điện gửi các huyện, thành phố và các đơn vị thủy nông với nhiệm vụ phải cứu lúa mùa là ưu tiên số 1.

 

Toàn bộ các đê chắn sóng ở các huyện ven biển như: Giao Thủy, Hải Hậu, Nghĩa Hưng có bờ biển dài 72km đều an toàn và không có bất cứ sự cố nào về đê xảy ra.

 

Tại tỉnh Quảng Ninh: Tập trung khắc phục sự cố sau bão

 

Trao đổi với phóng viên ông Phạm Đình Hòa, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: "Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có hơn 200 ngôi nhà bị tốc mái, 15 tàu thuyền bị đắm, 34 tàu thuyền bị trôi dạt, 20 lồng bè bị trôi dạt, hàng chục cột điện bị đổ. Lực lượng chức năng đã tiến hành cứu hộ thành công 40 người đang còn ở trên tàu thuyền, nhà bè bị trôi dạt.


Các sự cố do bão số 1 gây ra như đứt, đổ các đường dây và hệ thống điện sẽ được tỉnh Quảng Ninh tích cực khắc phục. Ảnh: Báo Quảng Ninh

Hiện công tác thống kê về tài sản bị thiệt hại sau bão vẫn đang được Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tập hợp và sẽ có báo cáo đầy đủ vào cuối giờ chiều nay. Nhiệm vụ lúc này của tỉnh là ưu tiên chống ngập, cứu lúa mùa, khắc phục các sự cố về điện và lo chỗ ở cho người dân bị tốc nhà”.

 

Tỉnh Thanh Hóa: Công tác phòng chống lụt bão đúng với kế hoạch đặt ra

 

Tại tỉnh Thanh Hóa, theo ông Đỗ Minh Chính, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh cho biết: “Đến thời điểm này (10h50’ ngày 18/7 - p/v) UBND các huyện và các sở, ban, ngành của tỉnh báo cáo là chưa có thiệt hại nào về người và tài sản. Một phần là do lượng mưa, bão ở Thanh Hóa thấp. Lượng mưa phổ biến trung bình tại tỉnh từ 25-45mm, gió từ đồng bằng đến trung du miền núi nhỏ, còn các huyện, thị xã ven biển gió giật cấp 5, 6.

 

Theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và triển khai công tác phòng chống bão của UBND tỉnh, mọi công việc về đảm bảo về hậu cần, lương thực, giao thông, thông tin liên lạc, các lực lượng ứng cứu triển khai các phương án di dân ở các vùng cửa sông, ven biển đã được bố trí cẩn thận, chỉ chờ có lệnh là triển khai.


Nhìn chung, công tác phòng chống, đối phó với cơn bão số 1 ủa tỉnh Thanh Hóa đảm bảo theo đúng kế hoạch đề ra”.

Bão số 1 mang lại những cơn "mưa vàng" cho Hà Tĩnh

Do không nằm trong tầm ảnh hưởng của bão số 1 nên với người dân Hà Tĩnh, những cơn mưa trên diện rộng do bão số 1 mang đến đã góp phần hạ nền nhiệt độ và phần nào  "giải khát" cho những ruộng lúa đang thếu nước nghiêm trọng.

Bão số 1 đã mang lại những cơn "mưa vàng" cho người dân Hà Tĩnh 

Lượng mưa đo được tại huyện Kỳ Anh là 132 mm, tại các huyện Hương Sơn, Hương Khê, Đức Thọ là 60 mm... không nhiều như kỳ vọng của người dân nhưng đây là lần đầu tiên từ đầu mùa nắng nóng, lượng mưa trải đều trên tất cả các địa bàn. Vì thế, người dân Hà Tĩnh đã ưu ái gọi đây những "cơn mưa vàng".

Thời điểm hiện tại, Hà Tĩnh đang có khoảng 12.000 ha cây trồng hè thu thiếu nước nghiêm trọng, nhiều nơi người dân đã phải đi mua từng xô nước sinh hoạt.Song theo tính toán của ông Ngô Đức Hợi - Chi cục trưởng chi cục thủy lợi, với lượng mưa hiện tại chỉ đủ để làm ẩm đất và hạ nền nhiệt độ chứ không thể tạo dòng chảy để tích lũy nước vào hồ chứa. Nếu vài ba ngày tới, không tiếp tục được bổ sung mưa thì chắc chắn nguy cơ thiếu nước sản xuất và thiếu nước sinh hoạt sẽ lại hiển hiện.

 


Trường Sơn - Trần Long

Bình luận
vtcnews.vn