Bão số 1 đang hoành hành trên đất liền Đông Bắc Bộ

Thời sựThứ Bảy, 17/07/2010 05:14:00 +07:00

(VTC News) - 17h chiều nay, khi còn cách bờ biển Hải Phòng - Nam Định khoảng 60km về phía Đông Nam, hoàn lưu bão Conson đã hoành hành vùng đồng bằng Bắc Bộ.

(VTC News) - 17h chiều nay, khi còn cách bờ biển Hải Phòng - Nam Định khoảng 60km về phía Đông Nam, hoàn lưu bão Conson đã hoành hành các vùng đồng bằng Bắc Bộ với sức gió vùng gần tâm bão giật cấp 12, 13, mỗi giờ đi được 15km.

* Tiếp tục cập nhật...


Tại Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định gió giật liên hồi, sóng biển đánh mạnh vào bờ đê, kè tạo thành cột sóng cao gần 10 mét, quật đổ nhiều cây xanh. Các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình cũng đang mưa đã có mưa to (tới 180 mm), gió giật mạnh cấp 7, cấp 8.

Tại trạm đảo Bạch Long Vĩ đã có gió mạnh 30m/s (cấp 11); giật 40m/s (cấp 13); Cô Tô có gió mạnh 21 m/s (cấp 9); giật 33 m/s (cấp 12). Vùng ảnh hưởng là các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã có mưa vừa, đến mưa to, một số nơi có mưa rất to như Kỳ Anh (Hà Tĩnh) 128mm; Mai Hóa (Quảng Bình) 122mm; Ba Đồn (Quảng Bình) 181mm.

Hải Phòng: Sóng đập vào bờ cao đến 10m

Phóng viên VTC News tại TP Hải Phòng cho biết, 11h giờ trưa 17/7, khu vực Hải Phòng bắt đầu có mưa và gió lớn. Đặc biệt, khu vực ven biển của thành phố gió đang thổi rất mạnh. Khi bài báo này được đăng tải, hàng ngàn người dân tại các huyện đảo Cát Hải, Bạch Long Vĩ, quận Đồ Sơn đang “căng mình” dưới những cơn gió thổi tung nhiều gốc cây to. Tại Cát Hải vào thời điểm này, mưa không quá to nhưng gió lớn kèm theo sóng biển dâng cao đang hoành hành dữ dội.

Sóng đánh vào bờ kè cao đến 10m ở bãi biển Đồ Sơn. Ảnh: VNE

Trước đó, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ Bộ chỉ huy quân sự thành phố cùng lực lượng thường trực PCLB của huyện đã tổ chức bổ sung kè đá và đắp lại một số tuyến đê kè bị sạt lở, sóng tràn. Tính đến trưa 17/7, các địa phương ven biển và các huyện đảo Bạch Long Vĩ, Cát Hải (TP Hải Phòng) đã tổ chức sơ tán khoảng ba nghìn hộ dân với gần 7 nghìn người ở các vùng trũng, thấp nguy hiểm đến nơi an toàn, trú tránh bão số 1.

Ông Phạm Xuân Hoè, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết, sáng 17/7, lực lượng công an, biên phòng, quân đội của huyện đã hoàn tất việc di chuyển gần 1.000 hộ dân ở các xã ven biển trên đảo Cát Hải về nơi trú bão an toàn. Tại khu vực vịnh Cát Bà, tất cả các bè nuôi thuỷ sản được đưa về neo đậu tránh bão. Các ngành chức năng của huyện đã yêu cầu những người sống ở các bè nuôi lên bờ trú tránh bão. Khu vực Cát Bà hiện nay tiếp nhận khoảng hơn 500 tàu, thuyền của các địa phương bạn đến neo đậu trú bão. 

Ông Hoàng Đình Bình, Chủ tịch UBND quận Đồ Sơn cho biết, quận đã triển khai phương án di dân đối các hộ dân ven biển ở phường Ngọc Hải  đến các khu nhà kiên cố để tránh bão.

Huyện Kiến Thuỵ đã triển khai phương án di chuyển 1.100 hộ dân ở hai xã ven biển Đại Hợp và Đoàn Xá.

Ở các quận, huyện ven biển khác như Hải An, Thuỷ Nguyên, chính quyền địa phương đã thông báo khẩn cấp cho các chủ đầm nuôi thuỷ sản dời đầm nuôi trở về nơi trú ẩn an toàn tránh bão; huyện Tiên Lãng sơ tán hơn 1 nghìn người dân ở các khu vực ngoài đê, ven đê về trụ sở UBND xã, các trường học, nhà kiên cố; huyện Vĩnh Bảo sơ tán khoảng 1.500 người ở khu vực xung yếu về nơi an toàn...

Đến 17h30, TP Hải Phòng đã có mưa rất to và gió lớn, giật mạnh, nhiều biển quảng cáo, cửa sổ phòng làm việc của các công sở, trường học bị rơi ra. Riêng ở huyện đảo Cát Hải vẫn đang mưa rất to, gió giật mạnh, nước biển dâng cao. 3km đê biển xung yếu của huyện đảo đang phải chống đỡ với triều cường mạnh, với những đợt sóng đập vào bờ thành những cột cao trên 10m.

Nam Định: Nơi từng vỡ đê năm 2005 đã được an toàn

Tại bãi biển Hải Thịnh (Hải Hậu, Nam Định), khoảng 16h chiều nay gió mạnh, quật tung nhiều cây xanh trong khu vực. Biển nối sóng dữ dội.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng công an xã Hải Hòa, huyện Hải Hậu, Nam Định cho biết, toàn bộ lực lượng thực hiện công tác di dời dân khỏi vùng nguy hiểm tính đến 16h chiều ngày 17/7 đã hoàn tất. Toàn bộ hơn 20 hộ dân sinh sống tại khu nguy hiểm ở Làng 23, là nơi từng bị vỡ đê năm 2005 gây thiệt hại nặng nề đã đến nơi an toàn.

Trong khi đó, dọc bãi biển Hải Thịnh, huyện Hải Hậu, hơn 100 hộ gia đình kinh doanh du lịch cũng trong tình trạng sẵn sàng di chuyển nếu có tình huống bão lớn xảy ra. Tuy nhiên, lãnh đạo địa phương này cho biết, bờ biển về cơ bản đã được bê tông kiên cố hóa chịu được bão cấp 10, cấp 11 nên việc di dời dân ít có khả năng xảy ra.

Quảng Ninh: Nhiều khu vực ở TP Hạ Long mất điện

Từ 14h30, Sở GTVT Quảng Ninh đã có quyết định cậm người đi bộ, xe thô sơ, xe máy, mô tô qua cầu Bãi Cháy hướng Bãi Cháy – Hòn Gai. Nguyên nhân là do trước đó, nhiều người điều khiển phương tiện xe thô sơ, xe mô tô bị ngã đổ xe do gió thổi mạnh.

Người đi xe ngã dúi dụi trên cầu Bãi Cháy (Ảnh: Báo Quảng Ninh). 

Tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), mưa kèm theo gió giật bắt đầu từ khoảng 14h. Đến 15h, nhiều hộ dân tại khu vực phường Bãi Cháy bị tốc mái tôn. Anh Minh, một người dân sống tại khu vực cho biết: mái tôn của nhiều hộ dân bay loạn xạ. Nhiều cây xanh trong nội ô thành phố ngã rạp, vắt ngang đường làm cho giao thông càng thêm căng thẳng.

Gió kèm theo mưa làm mất điện tại nhiều khu vực trong thành phố.

Thanh Hóa: 2 người bị sóng nhấn chìm khi tắm biển

16h chiều nay, tại huyện Hậu Lộc, nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các mùa mưa bão tại Thanh Hóa, gió bắt đầu mạnh lên cấp 5-6 và bắt đầu có mưa. Hậu Lộc cũng là nơi có số lao động đánh bắt cá ngoài khơi nhiều nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Thông tin từ người dân ở Thanh Hóa gửi về cho biết, đã có 2 người thiệt mạng do bị sóng đánh khi đang tắm biển tại Thanh Hóa.

Trong khi đó, dù đã được cảnh báo về tình hình diễn biến phức tạp của cơn bão nhưng tại bãi biển Sầm Sơn chiều nay vẫn có rất nhiều du khách ra biển tắm. Đến khoảng 16h, lực lượng cứu hộ bờ biển tại đây vẫn tiếp tục cảnh báo và yêu cầu các khách du lịch dời bãi biển về khách sạn để đề phòng những tai nạn đáng tiếc như trên xảy ra.

Nghệ An: Chưa có thiệt hại nào đáng kể

Đến 17h30 chiều nay, ông Hoàng Nghĩa Hiếu, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An cho biết: Do ảnh hưởng của bão bão Conson, trên địa bàn tỉnh xảy ra mưa trên diện rộng, gió giật cấp 3 đến cấp 4. Tính đến thời điểm này, chưa có thiệt hại nào về người và tài sản.

Tuy nhiên, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh đã giao cho các huyện chủ động chỉ đạo các địa phương mình quản lý cần đề phòng mưa hoàn lưu sau bão trong đêm nay ở các địa điểm vùng cao, khu vực trọng yếu, tránh bị sạt lở lũ quét.

Về phương tiện tham gia đanh bắt hải sản trên biển, toàn tỉnh có 4.482 chiếc tàu đã cập bến an toàn, neo ở Quảng Ninh 5 chiếc, Hải Phòng 18 chiếc, Thanh Hóa 10 chiếc, Hà Tĩnh 93 chiếc, Vũng Tàu 2 chiếc, số còn lại neo ở các trạm của Nghệ An.

Mưa rất to ở vùng rìa tâm bão

Tuy nằm xa tâm bão, nhưng các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế lại có mưa rất to. Tại Hà Tĩnh, lượng mưa đo được tại Kỳ Anh tới 120 mm, một số nơi như Hương Khê 60 mm, Vũ Quang 50 mm. Bà con gọi đây là cơn "mưa vàng" vì đã giúp cải thiện nguồn nước ở các hồ đập cũng như mang lại thời tiết mát mẻ cho người dân sau nhiều tháng khô hạn, nhiệt độ cao nhất luôn trên 35 độ C.

Ông Nguyễn Xuân Tiến, Trưởng phòng dự báo Trung tâm khí tượng thuỷ văn Bắc Trung bộ cho biết, khả năng đêm nay và ngày mai, khi bão tiến sâu vào đất liền, lượng mưa sẽ tăng và rải đều khắp các tỉnh từ Thanh Hoá đến Nghệ An, Hà Tĩnh. Hiện nay, tất cả hồ đập lớn nhỏ ở Nghệ An, Hà Tĩnh đang sẵn sàng để tích nước sản xuất sau bão.

Dự kiến di dời 151.455 người dân tránh bão số 1

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương (BCĐ PCLBTW), tổng số dân tại các tỉnh, TP ven biển dự kiến sẽ di dời tránh bão số 1 là 151.455 người. Trong đó, Hải Phòng 4.756 người; Nam Định 2.525 người; Thái Bình 6.019 người; Ninh Bình 1.100 người; Thanh Hóa 137.055 người.

Đến 6 giờ hôm nay (17/7/2010), số dân đã di dời: 3.394 người (trong đó: Hải Phòng 1.200 người, Thái Bình 434 người; Nam Định 1.660 người, Ninh Bình 100 người). Số dân chưa di dời dự kiến sẽ hoàn thành di dời ngay trong sáng  ngày 17/7/2010.

Tỉnh Quảng Ninh và Nghệ An chưa triển khai việc sơ tán dân.

Cũng tính đến 6 giờ sáng nay, tổng số tàu thuyền đang di chuyển vào bờ và trong vùng nguy hiểm: 172 tàu/1.320 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 30 tàu/396 người ở Hoàng Sa).

Trong đó, số tàu thuyền bị hư hỏng, chìm: 6 tàu/70 người (Quảng Ngãi: 5 tàu/68 người; Hà Tĩnh 1 tàu /3 người đã được cứu vớt an toàn); Số tàu thuyền vẫn giữ liên lạc: 167 tàu/1.253 người (Nghệ An 142 tàu/924 người đang di chuyển vào bờ; Quảng Ngãi 25 tàu/3297 người).

BCĐ PCLBTW cho biết, các bộ ban ngành và địa phương cần tiếp tục khẩn trương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện khẩn số 1199/CĐ-TTg ngày 16/7/2010.

Kiều Minh

* Tiếp tục cập nhật...

Nhóm Phóng viên

* Độc giả có thông tin, hình ảnh liên quan đến bão số 1, xin gửi về email [email protected]. Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn