Ngả mũ bái phục “độc thủ” kéo vàng đất Nghệ

Thời sựChủ Nhật, 02/05/2010 01:10:00 +07:00

Đến những nhà tạo mẫu tóc danh tiếng cũng phải kính nể về tài nghệ cắt tóc một tay của người thương binh ấy.

Ai đã từng rảo bước trên đường Lê Mao (Vinh - Nghệ An) đều không khỏi trầm trồ, thán phục về ông. Riêng tôi, dám cả quyết, đến những nhà tạo mẫu tóc danh tiếng cũng phải kính nể về tài nghệ cắt tóc một tay của người thương binh ấy.

Không dễ gì mà khách hàng đã phong tặng danh hiệu “kéo vàng đất Nghệ” cho ông. Có cựu chiến binh, sau khi đọc cuốn “Đàn hương hình” của Mạc Ngôn đã phong cho ông là “Trạng Kéo”. Lí lẽ của người cựu binh kia là “nghề nào cũng có trạng nguyên”.

Kéo vàng đất Nghệ

Ở TP Vinh nhiều người biết về ông. Họ biết về một ông già chỉ còn một tay vẫn say nghề cắt tóc. Biết về một thương binh không cam chịu nghèo hèn, chấp nhận “phơi mặt” bên vỉa hè để kiếm tiền nuôi con khôn lớn. Ấy là thương binh Nguyễn Trường Cư ở khối Trung Mỹ, phường Lê Mao, TP.Vinh.

Ông Cư đã bước sang tuổi 62, theo như lời ông là đã lên lão rồi. Rất hiếm khi ông Cư được thảnh thơi để trò chuyện cho ra hồn. Vừa cắt tóc, ông vừa chuyện trò với khách. Mà chuyện của ông cũng chẳng có gì đặc biệt, là mấy câu chuyện đầu đường, cuối phố, ông gọi là “mua sỉ bán lẻ” cho vui. Thế mà cả thợ lẫn khách nhiều phen phải vứt kéo mà cười cho vỡ bụng.

Tuy chỉ còn một tay nhưng "Kéo vàng xứ Nghệ" Nguyễn Trường Cư vẫn điệu nghệ trong từng động tác. 

Tôi rình cả một buổi chiều chủ nhật mới có cơ hội chuyện trò với ông. Cũng buổi chiều ấy, tôi đã xác nhận, rằng “nghề nào cũng có trạng nguyên”.

Vị khách tiếp theo ngồi vào ghế. Ông Cư thong thả ngắm nghía khuôn mặt của khách để lựa kiểu tóc thích hợp. Đoạn ông choàng tấm khăn giữ vệ sinh mà không quên hỏi khách: “Có khó chịu không anh?”. Người khách tỏ ý thoải mái và choàng một tay ra sau giúp ông Cư gấp múi khăn cho vừa vặn.

“Tôi vẫn có hai tay” - nói xong, ông cười hì hì với khách. Xong, ông lại nhẹ nhàng lướt chiếc lược ngà lựa nếp tóc chuẩn bị hớt. Vị khách ngoan ngoãn nghe lời ông răm rắp: “Anh ngửng mặt lên một tí!”.  Một tay kéo, cứ thế xoèn xoẹt hớt. Những lọn tóc ngắn, dài đều đặn rơi lã chã xuống mặt đất. Trên đầu khách không một gợn sóng tóc. Thế mới tài.

Ông Cư lại di chuyển sang phía khác, nhẹ nhàng với khách: “Anh cúi xuống giúp tôi!”. Mỗi khi cây kéo rời khỏi mái tóc, ông lại xắp xắp liên hồi, không tiếng nào nhanh hơn tiếng nào. Rõ sướng tai. Vị khách cũng tranh thủ khi ông Cư di chuyển để ngó mình qua gương: “Anh Cư cắt vừa thôi nhé. Bà xã nhà tôi không thích cắt ngắn lắm đâu”. “Trạng Kéo” cười hề hề: “Bà xã nhà anh thật biết nhìn. Mặt anh hơi gầy lại dài, cắt ngắn đâu có đẹp. Anh yên tâm”.

Hình như sợ bị mang tiếng múa rìu qua mắt thợ, vị khách đánh trống lảng: “Sắp đến ngày Quốc tế Lao động rồi, anh Cư có nghỉ lễ không đấy?”. Ông Cư thật thà: “Nghỉ sao được, ngày lễ mới có nhiều khách, ai cũng tranh thủ đi cắt tóc mà. Ngày họ nghỉ là ngày mình kiếm tiền”.

Ông Cư cẩn thận giũ sạch tấm khăn choàng, lanh lẹn dùng khăn nhỏ lau kỹ tóc bám trên cổ khách để chuyển sang công đoạn tiếp theo - cạo râu. Vị khách thoải mái dang chân, ngửa đầu, mắt lim dim, phó mặc tất cả cho ông Cư. Một tay ông lại hí hoáy thay lưỡi dao, tỉ mẩn từng đường cạo ngọt xớt. “Trạng Kéo” khó nhọc xoay người, rướn chân để lích mũi dao sao cho khách được thoải mái nhất. Mắt ông không chớp, thận trọng cho lìa gọn những sợi tóc li ti ở những vị trí hóc hiểm.

Trái với ông Cư, vị khách vẫn lim dim mắt như mơ như màng, tận hưởng trọn một thú vui trên đời. Chừng 30 phút, một bộ đầu mới đã hoàn thành. Ông Cư vui vẻ nhét những đồng bạc lẻ vào túi, miệng không quên nói lời cảm ơn và vài câu trêu chọc: “Mày râu nhẵn nhụi rồi đấy nhé. Tối nay, mai... tha hồ mà quốc tế lao động với nhà mình nhá...”. Cả khách lẫn thợ và tôi nữa cùng cười…

Ba đời cắt tóc

Chạng vạng tối. Lẽ ra ông đã ra về vì còn phải ghé qua chợ mua thức ăn giúp bà. Thế nhưng vì vị khách không mời như tôi cứ quấy rầy nên đành nán lại. Cũng như khi có khách, ông vui vẻ: “Cắt tóc thì có chi mà phải hỏi. Bác cũng bất đắc dĩ mà phải đứng vỉa hè”.

Rồi ông lại cười, “Kể ra cũng vui lắm. Bữa nào có việc bận hoặc ốm đau là nhớ lắm. Khách cũng thế, không thấy mình ra là hỏi thăm liền. Có người còn tìm vào tận nhà xem ốm đau ra sao”.

Chúng tôi, hai bác cháu vừa dọn đồ vừa trò chuyện. Ông cẩn thận hót sạch từng sợi tóc còn vương trên đất cho vào sọt rác. “Mình phải làm thật sạch cháu ạ, không được vì cái lợi của mình mà làm ảnh hưởng đến người khác” - ông Cư miệng nói tay làm.

Ông kể, nhà ông ở Vinh từ bao đời nay. Không biết ông bà nội làm nghề gì, còn bố ông là thợ cắt tóc có bậc ở HTX Hoà Bình. Năm 16 tuổi, ông theo bố học nghề cắt tóc. Năm 1964, giặc Mỹ ném bom xuống Vinh, gia đình phải sơ tán về huyện Diễn Châu. Ở nơi sơ tán, cả hai con vẫn dựng lán cắt tóc. Một năm sau, năm 1965, ông Cư xung phong nhập ngũ. Chiến trường Vĩnh Linh những năm ấy vô cùng ác liệt. Chính nơi đó, bom Mỹ đã cướp đi của ông một cánh tay. Không thể tiếp tục cầm súng, ông phải trở về với một nỗi buồn, không đi đến tận cùng cuộc chiến.

Ông tâm sự: “Lúc đầu bác buồn lắm, bị mất một cánh tay giờ làm ăn bằng nghề gì đây. Nhưng nghĩ lại thấy mình còn quá hạnh phúc, biết bao nhiêu đồng đội đã ngã xuống, thế là quyết chí học lại nghề, không chấp nhận tàn phế. Không còn cầm súng thì cũng không được phép ăn không không ngồi rồi”.

Sau một năm điều dưỡng, năm 1970, ông Cư xin về với gia đình. Ông học lại nghề cắt tóc, dù khó khăn đến mấy. Ông kể: “Khó khăn lắm, người ta có hai tay còn cắt chưa đẹp nữa là mình chỉ còn một tay. Khổ nhất là cái món cạo râu, phải một tay đè, tay cạo mới được, dao nhíp mà. Đen đủi gặp phải mấy ông râu quai nón thì hết nói chuyện khổ. Chẳng biết làm sao, bác phải đè cổ mấy đứa em ra mà tập cạo, cạo khi nào cho vừa êm, vừa sạch mới thôi. Khổ chúng nó, đứa nào cũng phồng rộp hết cả má, nghĩ mà thương”.

Như phát hiện một điều mới lạ, ông nói một thôi: “Thế mà lại hay. Lúc đầu họ chỉ đến để xem người cụt tay cắt tóc cho vui mắt. Dần dần ai cũng muốn thử, người này bảo người kia thế là đông khách, chẳng cần phải quảng cáo rình rang như bây giờ. Mà cái thú cắt tóc là khách khó bỏ thợ lắm, mái tóc là vóc con người, ai cũng sợ bị cắt hỏng tóc. Nhưng rồi đông khách quá cũng dở, bác bị kiện lên xã đấy”.

Thấy tôi ra vẻ không tin, ông nhanh nhẩu chứng minh: “Ông chắt Hùng kiện bác đấy. Chuyện là sau khi bác nhiều khách, quán ông ấy ế ẩm nên ông ấy kiện. Kiện là đúng, vì bác ở Diễn Thịnh nhưng lại cắt tóc ở Diễn An, hơn nữa mình là thương binh không phải đóng thuế nên giá cả có rẻ hơn tí chút. Theo cách nói bây giờ là phá giá đấy...”.

Ông Cư lại cười hì hì, nhưng rồi chuyện đó cũng qua nhanh thôi, chỉ sau đó ít lâu gia đình bác lại trở về Vinh. Mấy năm sau, bác có hỏi thăm, nghe đâu ông Hùng cũng làm ăn được, thật mừng cho ông ấy.

Dừng một lát, ông Cư lại tiếp: “Tuổi mình lớn rồi, đứng cả ngày mỏi lắm, lại phải phải tập trung cao độ nên về đến nhà là rã cả người. Nhưng mà không cố làm lại trở thành gánh nặng cho con cái. Vợ bác về chế độ 176, không có lương. Không lẽ hai ông bà chỉ trông chờ vào trợ cấp thương tật”.

Ông Cư vội vã vì vẫn văng vẳng lời hứa đi chợ giúp bà nhưng vẫn không quên giơ cao chiếc kéo khoe với tôi: “Chiếc kéo này giúp bác nuôi cả nhà. Bây giờ chúng nó có cửa nhà cả rồi. Chỉ trừ đứa con gái, còn lại bốn thằng đều làm nghề cắt tóc cả, con hơn cha cháu ạ, chúng nó mở tiệm đàng hoàng lắm. Nhà bác thế là ba đời làm nghề cắt tóc”.

Ông lại cười, làm nghề cho tốt thì nghề nào cũng quý cả mà. Tôi cười đồng tình và rất vui với niềm vui bình dị của ông. Và tôi cũng cười khi nhắc lại với “Trạng Kéo” Nguyễn Trường Cư: “Nghề nào cũng có trạng nguyên...”.





Theo BáoĐất Việt

Bình luận
vtcnews.vn