Chàng DJ trên xe lăn

PhimThứ Ba, 18/05/2010 09:41:00 +07:00

Những quán cà phê có DJ ở Buôn Mê Thuột không lạ gì anh chàng DJ thường đến với những vòng xe lăn khó nhọc, nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt lướt điệu nghệ...

Vừa sinh ra đời, Đoàn Trần Hiểu Chiến (sinh 1988) bị một trận sốt bại liệt quật ngã. Nhưng chàng trai người Buôn Mê Thuột (Đắc Lắc) vẫn đứng lên bằng chiếc xe lăn và đôi chân tật nguyền. Những quán cà phê có DJ ở Buôn Mê Thuột không lạ gì anh chàng DJ thường đến với những vòng xe lăn khó nhọc, nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt lướt điệu nghệ trên chiếc đĩa, cho khách thưởng thức những bản nhạc sáng tạo.

DJ Đoàn Trần Hiểu Chiến. 
DJ khuyết tật đầu tiên

Một người muốn hành nghề DJ cần học ít nhất 6 tháng. Nhưng chơi hay và được nhiều khách ưa chuộng thì DJ phải luyện ngón nghề khoảng 3 năm. Chiến đã cần mẫn với những chiếc đĩa, những bản nhạc đến 4 năm trời. Anh chàng nhớ lại: “Đang học phổ thông, mình đã đam mê DJ dù chưa biết đó có thể là một nghề kiếm sống. Mình chỉ thấy thích và muốn sống chết với nó”.

Lúc ấy, người đầu tiên hành nghề DJ các tỉnh Tây Nguyên là DJ Anh Quốc. Thấy đam mê của Chiến, anh Quốc nhận Chiến là học trò đầu tiên. Gia đình thấy nghề DJ lạ quá thì ngăn cản, nhưng mê quá, Chiến quyết theo luôn đến giờ.

Những ngày đầu sờ đến chiếc đĩa, Chiến run lắm, sợ đôi tay lóng ngóng sẽ làm hư máy móc hàng triệu đồng của thầy. Thế nhưng, khác với nhiều bạn đến với nghề chỉ với cái hào nhoáng bên ngoài, khi gặp khó khăn thì nản, Chiến kiên trì từ những bài lý thuyết đầu tiên cho đến giai đoạn thực hành. Sự chú tâm của Chiến được đền đáp, đến giai đoạn nâng cao của nghề DJ là xử lý tình huống thực tế, Chiến hoàn thành mỹ mãn trong con mắt hài lòng của ông thầy trẻ.

Ra nghề năm 2006, Chiến được DJ Anh Quốc giới thiệu chơi nhạc ở một số quán cà phê ban đêm. Số tiền công chơi nhạc ở các quán khoảng 3 - 4 triệu đồng mỗi tháng, Chiến dành đến 70% cho việc mua bản quyền những bản nhạc qua mạng. Chiến kể: “Có những bản nhạc mình mua chỉ vài chục ngàn đồng. Cũng có bản vài trăm ngàn hay vài triệu đồng. Đến nay, kho nhạc của mình có khoảng 200 bài. Một tay DJ giỏi là người sở hữu những bài “độc”.

Chiến rút được kinh nghiệm của dân DJ chơi nhạc kiếm sống: lôi cuốn khách bằng những bài “độc” rồi “ém hàng” để khách còn quay lại quán và yêu cầu bản nhạc ấy vào những ngày sau. Biết cách tạo dấu ấn qua những bản nhạc, chàng DJ khuyết tật được đón tiếp các DJ có tiếng từ Nha Trang, Châu Đốc như DJ Phong, DJ Diện lên Buôn Mê Thuột giao lưu. Từ đó, Chiến rút tỉa càng nhiều kinh nghiệm hơn.

Mơ một show diễn nơi giảng đường

Năm 2009, Chiến tạm ngưng công việc DJ tại Buôn Mê Thuột để về TP.HCM theo học lớp Họa viên kiến trúc – một lớp đào tạo nghề Tin học dành riêng cho người khuyết tật ở Trường ĐH Văn Lang. Chiến giải thích: “DJ là nghề làm ban đêm, mình học thêm để có thể làm việc cả ban ngày”.

Khi được hỏi: “Tại sao không đi làm thêm DJ tại TP. HCM?”, Chiến bảo, bar ở Sài Gòn đông đúc, đi lại trong bar rất khó khăn do hệ thống bậc thang không được thiết kế cho người khuyết tật. Thế nên, Chiến “ngứa ngáy” tay nghề lắm. Chiến trình bày với các thầy cô ở trường ĐH Văn Lang và được khuyến khích tổ chức một show diễn solo cho các bạn trong trường thưởng thức.

Chiến tâm sự: “Mình đang viết đơn xin trường tổ chức show diễn nhưng lại đang lo thiếu kinh phí. Ước gì có một đơn vị tài trợ hỗ trợ thuê máy móc tốt cho buổi biểu diễn này. Chỉ cần 4 – 5 triệu đồng là mình đã có thể thoải mái chơi nhạc với chất lượng cao. Bù lại, nhà tài trợ sẽ được quảng bá hình ảnh trong chương trình với khán giả”. Anh chàng đang khát khao thể hiện cho bạn bè thấy được người khuyết tật cũng có thể làm được rất nhiều điều thú vị.

Theo Sinh viên Việt Nam 

Bình luận
vtcnews.vn