Á khôi Imiss: Yêu toán thực sự mới thấy vẻ đẹp của nó

PhimChủ Nhật, 21/11/2010 06:57:00 +07:00

(VTC News)- Sau cuộc thi Imiss Thăng Long 2010, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh một nữ sinh sư phạm thướt tha trong tà áo dài đã có những phần thi hết ấn tượng

(VTC News)- Sau cuộc thi Imiss Thăng Long 2010, nhiều người vẫn còn nhớ hình ảnh một nữ sinh sư phạm thướt tha trong tà áo dài đã có những phần thi hết sức ấn tượng. Co gái đó là Phan Hồng Anh, Á khôi Imiss Thăng Long 2010.

- Chào Hồng Anh, chúc mừng bạn đã trở thành Á khôi của cuộc thi Imiss Thăng Long 2010. Cơ duyên nào đã dẫn bạn tới cuộc thi này?

- Mình tham gia cuộc thi này hết sức tình cờ, khi được các anh chị trong liên chi đoàn và hội SV giới thiệu, động viên và được bố mẹ đồng ý. Bố mong muốn mình tham gia cuộc thi để bớt nhút nhát vì sau này mình sẽ trở thành một cô giáo phải đứng trên bục giảng, trước rất nhiều học sinh.

- Sau cuộc thi, chắc hẳn sẽ có những thay đổi nhất định trong cuộc sống của bạn?

- Sau khi trở thành Á khôi Imiss Thăng Long, cũng có khá nhiều lời mời làm MC, người mẫu nhưng mình đã từ chối, vì mình muốn dành thời gian cho học tập và hoàn thiện bản thân để có thể trở thành một cô giáo dạy tốt trong tương lai.

Phan Hồng Anh, Á khôi Imiss Thăng Long 2010

- Một nữ sinh xinh đẹp, duyên dáng nhưng bạn lại chọn Toán để theo đuổi chứ không phải là các ngành kinh tế, báo chí?

 - Khi làm hồ sơ thi đại học các bạn trong lớp cũng rất ngạc nhiên khi mình lựa chọn sư phạm Toán và cả khối 12 khi đó cũng chỉ có 2 hồ sơ thi sư phạm. Có lẽ một phần là do mình thích Toán từ cấp 1, hơn nữa lên cấp 2, cấp 3 mình may mắn được học lớp Toán trường HN-Amsterdam. Mình mong ước sau trở thành một giáo viên dạy toán ở trường THPT chuyên Hà Nôi-Amsterdam.

- Bạn nghĩ sao khi có người cho rằng bạn đang theo đuổi một ngành “khô”, “khó” và không phù hợp với nữ sinh?


- Mình không ngại mọi người cho rằng mình theo đuổi ngành Toán là “khô” và “khó” vì khi đã yêu thích thì sẽ luôn cố gắng để đạt được điều mình mong muốn.

- Chọn theo đuổi môn Toán, phải chăng Hồng Anh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ người mẹ của mình, một giáo viên dạy Toán ở trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam?


 - Mẹ mình là cô giáo, luôn chăm sóc và dạy bảo tận tình hai chị em mình không chỉ môn Toán mà còn giá trị sống. Mẹ cũng có rất nhiều thế hệ học trò giỏi giang và thành đạt. Mình cũng mong ước được trở thành cô giáo giỏi, hiền dịu, tâm lý với học trò như mẹ.
Phan Hồng Anh là một nữ sinh xinh đẹp nhưng lại chọn sư phạm Toán để theo đuổi ước mơ trở thành một cô giáo

- Gần đây, sự kiện GS Ngô Bảo Châu đã giành giải thưởng Fields cao quý. Là một nữ sinh theo đuổi ngành Toán, bạn có thể chia sẻ gì về điều này?

 - Sự kiện GS Ngô Bảo Châu giành được giải thưởng Fields cao quý đã làm cho sinh viên chúng mình cảm thấy rất tự hào về đất nước ta đã sinh ra một người con ưu tú, tự hào về trí thức trẻ Việt Nam thật tài năng. GS Ngô Bảo Châu là tấm gương về người thanh niên có lý tưởng, sống có khát vọng, có ý chí. Thành công đến với GS là thành quả xứng đáng.


- Là một sinh viên sư phạm Toán, bạn cảm nhận về Toán học liệu có phải chỉ là những con số khô khan?

     
- Toán học hiện diện ở khắp nơi, trong nhà trường và ngoài xã hội. Toán học càng phát triển thì các ngành khoa học kỹ thuật cũng phát triển theo. Từ đó, đất nước ngày càng giàu mạnh. Toán học đâu chỉ là những con số khô khan, chỉ những ai thực sự yêu thích nó mới thấy được tầm quan trọng và vẻ đẹp thực sự của Toán học.

- Chương trình học tại trường, lớp đối với hệ chất lượng cao (CLC), chắc hẳn rất vất vả với một nữ sinh như Hồng Anh?

      
- Học lớp CLC, mình may mắn được các thầy cô giáo nổi tiếng của trường ĐHSPHN giảng dạy, được học chương trình Toán cao cấp với những phương pháp giảng dạy mới, lượng bài tập nhiều, thi học kỳ phải làm đề riêng. Bởi vậy nên áp lực khá cao, phải luôn cố gắng mới hoàn thành được nhiệm vụ học tập của mình.
 

- Là một cô giáo tương lai, Hồng Anh nhìn nhận như thế nào về hiện tượng gần đây nhiều nữ sinh cấp 2, cấp 3 liên tục đánh nhau, lột quần áo của bạn rồi quay clip tung lên mạng?


 - Đây là hiện tượng nảy sinh trong thanh thiếu niên do thiếu sự giáo dục trong gia đình và nhà trường. Có thể vì hoàn cảnh gia đình, các em không được lớn lên trong tình yêu thương, bố mẹ mải làm ăn không quan tâm, thầy cô chưa thực sự hiểu tâm lý, tác động của phim bạo lực…

- Nếu là một giáo viên chủ nhiệm của lớp hoặc là hiệu trưởng của một trường học có những học sinh “vô cảm” như thế, bạn sẽ xử lý những trường hợp này như thế nào?


 -  Nếu là giáo viên chủ nhiệm, trước hết mình sẽ gặp gỡ các em để tìm hiểu nguyên nhân. Phải phân tích để các em hiểu dù xảy ra bất cứ mâu thuẫn nào, trong bất kỳ tình huống nào cũng không được đánh bạn, làm nhục bạn, rồi tìm cách giảng hòa giữa các mình, tùy theo mức độ vi phạm sẽ có hình thức kỷ luật thích hợp mang tính giáo dục chung, răn đe các em khác. Mình nghĩ những vấn nạn trên chỉ là hiện tượng chứ không phải bản chất của các em đó.

- Nhiều người cho rằng, để xảy ra hiện tượng như trên thì lỗi chính là ở ngành sư phạm. Bạn đánh giá về điều này như thế nào?

- Không thể đổ lỗi xảy ra các hiện tượng trên cho ngành Sư phạm vì nhà trường chỉ quản lý học sinh trong 1 số giờ nhất định (khoảng 4 đến 5h) còn phần lớn thời gian các em ở nhà với gia đình. Gia đình cần có biện pháp giáo dục nghiêm khắc, nhưng mềm dẻo giúp các em hướng thiện. Gia đình là cái nôi hình thành nhân cách học sinh, nên không thể đổ lỗi hoàn toàn các hiện tượng trên cho nhà trường.

Cảm ơn Hồng Anh và chúc bạn thành công!
Phan Hồng Anh
Ngày sinh: 06/04/1991
 12 năm học phổ thông đạt danh hiệu học sinh giỏi.
 Đồng thủ khoa khi thi vào lớp CLC khoa Toán trường ĐHSP Hà Nội.
 Tất cả các kỳ đều được học bổng của khoa Toán
 Nhận học bổng Odon vallet do tổ chức “gặp gỡ Việt Nam” trao tặng năm thứ nhất
 Năm 2008 được vào Top 20 cuộc thi hoa học trò Icon
 Năm 2009 lọt Top 12 cuộc thi ảnh Miss EeePC.
 Năm thứ nhất đạt danh hiệu Á khôi 2 cuộc thi nữ sinh thanh lịch khoa Toán trường ĐHSP Hà Nội.
 Năm 2010 đạt danh hiệu Á khôi 1 cuộc thi Imiss Thăng Long.

Phạm Thịnh( thực hiện)

Bình luận
vtcnews.vn