Sinh viên làm thêm đang chịu những “cực hình” nào?

Văn hóa - Giải tríThứ Ba, 16/11/2010 01:02:00 +07:00

(VTC News) - Hãy cùng điểm qua những khó khăn mà một số sinh viên đã gặp phải khi chọn công việc làm thêm chẳng mấy liên quan tới chuyên ngành của mình.

(VTC News) - Hãy cùng điểm qua những khó khăn mà một số sinh viên đã gặp phải khi chọn công việc làm thêm chẳng mấy liên quan tới chuyên ngành của mình.

Lương thấp, công việc nhiều

Ngọc, một sinh viên năm thứ 2, trường Học viện Báo chí, nhân viên làm việc bán thời gian cho một quầy hàng bán gấu bông cho biết: “Họ trả lương thấp lắm. Chỉ tầm 1 triệu tới 1 triệu hai một tháng, được nuôi một bữa cơm và những ngày lễ thì họ có thưởng thêm cho một chút, nhưng chẳng đáng là gì so với công sức mình bỏ ra.”

Sinh viên phải làm nhiều việc một lúc, nhưng lương thấp
Không chỉ thế, có những nơi vắt kiệt sức của những “tri thức trẻ” làm thêm bằng cách giao thêm cho họ nhiều việc. Chẳng hạn, Diệu, sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Giao thông, nhân viên bán hàng cho một cửa hàng quần áo ở chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân) vừa phải liên tục “mời chào” khách hàng về sản phẩm họ định mua, vừa phải luôn tay khâu vá những sản phẩm bị lỗi (bị tuột chỉ, rơi cúc…), trực điện thoại, giao nhập hàng, và quét dọn cửa hàng.

Ít ngày nghỉ

Nam, sinh viên năm cuối trường Đại học Quốc Gia Hà Nội, nhân viên phục vụ ở một quán café nhỏ trên đường Nguyễn Phong Sắc từng phát phiền với thời gian làm việc của mình. Nam hiếm có thời gian để hẹn hò, tụ tập bạn bè bởi ngày nghỉ trong tuần của anh lại …trùng với lịch học của các bạn.

Chuyện ít ngày nghỉ còn ảnh hưởng không chỉ tới các mối quan hệ bạn bè, gia đình như trường hợp của Nam, mà còn ảnh hưởng cả tới chuyện học hành – nhiệm vụ chính của sinh viên, học sinh.

Sinh viên làm thêm có rất ít ngày nghỉ 
Kiều Minh từng “dở khóc, dở cười” vì chuyện lịch học bù trùng đúng vào lịch làm việc. Cả hai nơi đều không thể bỏ. Thế là cô nàng đành nghĩ ra mưu kế mà chỉ “học trò” mới nghĩ ra đó là …thuê người đi học, điểm danh hộ. Dù biết đó là sai phạm, nhưng cô “không thể thuê người đi làm được bởi chủ cửa hàng không tin tưởng người lạ và không phải ai cũng biết việc hàng ngày tôi phải làm nên cũng khó cho họ”.

Đó cũng là nguyên nhân khiến nhiều sinh viên đi làm thêm bị thi lại, thậm chí bị ra trường chậm. Tất nhiên, họ gần như chẳng có thời gian tham gia các hoạt động của lớp, của đoàn.

Tiền công chả bõ tiền đền

Không chỉ dịp tết mà ngay cả ngày thường những sinh viên bán hàng cho các cửa hiệu quần áo, mỹ phẩm, hay các cửa hàng bán đồ điện tử… đều luôn tự đặt mình trong tình trạng cảnh giác cao độ bởi chỉ sơ sểnh một chút là có khi còn phải bỏ tiền túi ra đền vào chứ không chỉ làm không công cả tháng.

Lan, sinh viên năm thứ nhất trường Công Đoàn, làm bán thời gian cho một cửa hàng mỹ phẩm đã gặp phải tình huống éo le: "Những mỹ phẩm trị giá lớn ở cửa hàng của tôi thường ít bị mất cắp do chúng tôi cảnh giác cao. Nhưng những đồ lặt vặt như son môi, nhũ tay, … lại rất hay bị đánh cắp. Tưởng chừng không đáng mấy chứ mỗi ngày cộng vào một ít như thế tính ra cũng thành một khoản lớn đáng kể".

Môi trường làm việc: căng thẳng, áp lực cao

Khách hàng không phải ai cũng có nhiều thời gian chờ đợi, không phải ai cũng dễ tính và ôn hòa là những điều mà Tâm, cô sinh viên năm thứ 2 trường Cao đẳng Du lịch, kiêm nhân viên bán hàng cho cửa hàng trà sữa cho biết. “Có người mắng mình trả tiền thừa chậm, cáu gắt vì đưa nhầm loại nước uống, giục giã mình mau chân trong khi họ thừa biết mình đã tăng tốc hết mức có thể rồi”.

Môi trường làm việc căng thẳng, áp lực cao, khách hàng đôi khi rất khó tính
Còn Dục, một nhân viên của quán café, sinh viên năm thứ nhất đại học Thủy Lợi than phiền “Lúc nào tớ cũng luôn chân luôn tay. Khách gọi gì phải có nấy. Ăn nói phải lịch sự, lễ phép. Khách mắng, chủ mắng. Chưa kể họ còn sai bọn mình đủ thứ. Có người gọi ra chẳng dùng tới nhưng vẫn gọi cho …vui”. 

Phương tiện đi làm

Hầu hết sinh viên đi làm thêm đều muốn tiết kiệm tối đa các khoản chi phí trong đó có phí đi lại, bởi hơn ai hết họ hiểu kiếm tiền không dễ. Do vậy, phương tiện chủ yếu của họ là xe đạp, xe bus và đi bộ. Ít người sử dụng xe máy bởi đối với các cửa hàng nhỏ, họ sẽ gặp khó khăn về chỗ để xe và hơn cả là nếu trừ tiền xăng xe cho mỗi lần đi làm, họ chả còn lại mấy.

Ăn uống

Đa số các sinh viên đi làm thêm thường ăn uống rất thất thường. Họ đôi khi bỏ bữa, đôi khi ăn chỉ để …tồn tại. Bữa ăn được phụ cấp cũng chả khá khẩm gì hơn. Với mức chi phí thấp mà chủ cửa hàng chấp nhận bỏ ra, có những nhân viên ăn không đủ no do không hợp khẩu vị, do thức ăn quá ít, hoặc do ngày nào cũng phải ăn những thứ như nhau khiến họ phát ngấy…Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, thể lực của họ. Nhiều người đã mắc phải những căn bệnh như: đau dạ dày, suy nhược cơ thể, thừa mỡ,…

Nợ lương

Với sinh viên việc chậm lương lại là cả một vấn đề lớn bởi đó là “lương thực” của họ trong tháng tiếp theo. Có những chủ cửa hàng do làm ăn thua lỗ, hoặc chỉ đơn giản là muốn giữ chân nhân viên nên đã quyết định giữ lại số tiền lương của họ trong vài tháng.

Thay đổi tâm lý

Sinh viên dễ xem nhẹ việc học, dễ định hướng sai công việc tương lai nếu lún quá sâu vào việc làm thêm
Môi trường thay đổi kéo theo nhiều diễn biến tâm lý. Có người trở nên lầm lì, có người xem nhẹ việc học tập, không ít sinh viên đi làm thêm cảm thấy mặc cảm, tự ti với công việc, kết quả học tập giảm sút, thấp kém của mình.

Kiều Vui 

Bình luận
vtcnews.vn